Cả đời sống với dòng sông, Lò Mai Phanh, con “rái cá” vùng vẫy trên dòng Sêrêpok mang nhiều kí ức kỳ lạ như chính dòng sông. Câu chuyện của ông chất chứa nỗi chua chát khi nguồn sống từ dòng sông cứ ngày một cạn dần.

Nặng nợ với dòng sông

Lò Mai Phanh, người dân tộc Thái, mặc dù tuổi đã ngoài 50 nhưng nhìn ông như một chàng thanh niên với nước da đỏ au, săn chắc, dáng người nhanh nhẹn. Cách ngọn thác Dray Sáp hơn 200 mét, ông thoăn thoắt giăng những mành lưới trong dòng nước xiết. Thấy chúng tôi, Lò Mai Phanh bước vội lên bờ, tay xoa xoa mái tóc ướt đẫm, hớp vội cốc rượu. Sát bờ suối, vợ của Lò Mai Phanh đang kẹp những con cá bống đá vào cành cây và nướng trên bếp lửa để đãi khách.

Tảng đá to, vuông làm ghế, khúc cây làm bàn, chúng tôi ngồi quây quần nghe câu chuyện con “rái cá” Lò Mai Phanh trên dòng sông Sêrêpok. Và câu chuyện của ông với dòng sông Sêrêpok khiến chúng tôi bị mê hoặc.

< Vợ chồng Lò Mai Phanh gỡ cá thu được sau mẻ lưới.

Cuộc đời Lò Mai Phanh gắn liền với dòng sông đã nuôi nhiều thế hệ trong gia đình ông. Lò Mai Phanh kể: “Ông, cha tao từ Điện Biên Phủ vào đây lâu lắm rồi. Hồi tao còn bé, cha đã lấy lao tre bịt đầu bằng sắt để đâm cá. Hồi ấy, cá nhiều lắm, cá lăng to lắm, râu cá to bằng ngón tay trỏ và dài cả thước. Tao còn nhớ con cá đó bị cây lao dài hơn 2 thước đâm vào nhưng nó còn vùng vẫy mạnh lắm, cha tao phải bơi xuồng đi theo đến khi nó đuối sức nổi trên mặt nước. Tao đã đánh cá ở đây 40 năm rồi, những năm 1990, tao dùng lưới bắt được con cá lăng nặng tới 2 tạ bảy cơ. Lần đó là mùa lũ, nước dòng sông Sêrêpok chảy mạnh lắm, cá đổ về thác Dray Sáp này rất nhiều, buôn làng khắp nơi kéo ra sông bắt cá”.

Đã bao đời nay người dân sống quanh con sông Sêrêpok, vừa đi làm rẫy trên nương vừa sống nhờ vào nguồn lợi thủy sản của con sông đem lại.

Giấc mơ của con “rái cá”

“Bọn mày ăn cá bống đá nướng đi, ngon lắm. Ăn với rau rừng này, tao vừa hái về đấy. Bây giờ tao đi thu lưới, mẻ lưới này là cuối cùng trong ngày”. Lò Mai Phanh vừa dứt lời, uống một hớp rượu và lao mình xuống sông. Ông bơi thoăn thoát, thoáng chốc đã đến đoạn lưới giăng giữa sông. Gần 4 giờ chiều, nước sông lạnh mát, mỗi lần thấy cá mắc lưới, Lò Mai Phanh kêu “ới ới” khoe với chúng tôi như đứa trẻ được nhận quà.

Ngay bờ suối, gần 4 ký cá bống đá, cá rô... là thành quả lao động cả một ngày từ 7 giờ sáng của vợ chồng ông. Vợ ông kể: “Số cá bắt được sẽ đem ra chợ bán, cả ngày trên sông hai vộ chồng cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng. Cả nhà, gần chục miệng ăn trông cả vào đây”.
Ôm đống lưới vừa thu lại, Lò Mai Phanh chua chát nói: “Từ ngày thủy điện chặn dòng nước Sêrêpok cá đổ về suối ít quá, chỉ còn những loại cá bống đá, cá rô, cá chạch thôi, chứ cá lăng đã từ 5 năm nay, không ai bắt được con nào”.

< Thác Dray Sáp trước kia.

Chỉ cho chúng tôi những dãy đá lô nhô giữa con suối, ông nói tiếp: “Giống cá lăng chỉ sống ở vùng nước sạch và sâu dưới các hốc đá ngầm, nước cạn thế này thì làm sao có cá lăng được. Ngày xưa, ngay tại thác Dray Sáp, có nơi sâu đến 14 mét, bắt được những con cá lăng nặng vài chục đến cả trăm ký sống ở dưới đáy là chuyện bình thường. Bây giờ tìm một con cá lăng sao khó quá!”.

Chúng tôi nhìn mớ lưới giăng rối mù dài hơn 100 mét của ông chỉ mắc hơn 10 con cá bống đá. Đôi bàn tay của Lò Mai Phanh trắng bệch, xù xì vì ngâm nước quá lâu lúi húi tháo từng con cá nhỏ mắc lưới cho vào giỏ. Dưới ánh nắng chiều, dòng Sêrêpok yếu ớt vượt qua những ghềnh đá và tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây Bắc.

Lò Mai Phanh nhìn xa xăm và nói: “Buôn làng tao sống nhờ vào dòng sông này. Mùa rẫy mọi người lên nương, hết mùa rẫy dòng sông Sêrêpok lại nuôi sống mọi người trong buôn làng. Nay dòng sông ngày càng cạn kiệt, cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn. Ước gì cá theo dòng sông Sêrêpok lại về đây như xưa!”.

< Đệ nhất thác Tây Nguyên nay chỉ còn như thế này.

Chia tay vợ chồng con “rái cá” Lò Mai Phanh, chúng tôi mua của ông 1 kg cá bống đá “làm quà” và cũng là để lưu lại những ấn tượng về hương vị của dòng sông này, hương vị mà khi chúng tôi có dịp quay trở lại không biết nó có còn tồn tại!

Trên đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, những khoảng rừng xanh tươi với nhiều loài cây quí hiếm đã được dòng sông Sêrêpok trĩu nặng phù sa bao bọc, nuôi sống. Nhưng trong chuyến đi của chúng tôi không thể nào tin vào mắt mình: rừng đã bị tàn phá, gỗ quí biến mất, người dân di cư làm nương rẫy cứ phá tan hoang lõi rừng đặc dụng.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến đoạn cuối của dòng Sêrêpok trên lãnh thổ nước ta, nơi có những khu rừng nổi tiếng như rừng Đray Sáp, Vườn quốc gia Yok Đôn để thấy rừng vẫn đang “chảy máu”.

Tan hoang rừng đặc dụng Dray Sáp 

< Rừng đặc dụng Đray Sáp bị chặt trắng để làm nương rẫy.

Đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ với những cánh rừng già trập trùng, được ví như buồng phổi cân bằng sinh thái môi trường cho dải đất miền Trung và Đông Nam bộ. Nhưng trên con đường dọc Sêrêpok, chúng tôi thấy rừng xác xơ, đồi trọc gối liền đồi trọc, những cây rừng ngã rạp chỉ còn trơ những gốc cháy đen.

Diện tích rừng nguyên sinh bao bọc xung quanh cụm thác Đray Sáp, xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô là trên 1.688 ha. Cuối năm 1999, UBND tỉnh Đăk Lăk (chưa tách tỉnh với Đắk Nông) đã ra quyết định quy hoạch làm rừng đặc dụng, với mục tiêu bảo tồn rừng và xây dựng nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái, văn hóa tầm cỡ quốc gia. Thế nhưng, hiện nay, những cánh rừng nơi đây bị người dân chặt phá lấy gỗ và lấn chiếm để làm rẫy. Rừng bị xâu xé là vậy, nhưng đơn vị chủ quản cũng như những cơ quan hữu quan vẫn chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

< Ông Nguyễn Còn chỉ cho PV những khúc gỗ giáng hương mới bị bắt giữ.

Ông Lê Mến, GĐ Trung tâm du lịch Dray Sáp cho biết: Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, hơn 360 ha rừng đặc dụng Dray Sáp đã bị phá trắng. Năm 2009, UBND tỉnh đã giao về cho kiểm lâm quản lý thay cho Công ty Thương mại Du lịch tỉnh Đắk Nông. Nhưng đến nay việc giao cho lực lượng kiểm lâm quản lý rừng đặc dụng này vẫn chưa triển khai vì theo ông Mến: “Bên kiểm lâm còn yêu cầu giao quản lý luôn thác nước để kinh doanh” trong khi Công ty Thương mại Du lịch tỉnh Đắk Nông đã thuê khai thác du lịch thác Dray Sáp đến 50 năm. Việc quản lý rừng đặc dụng Đray Sáp vẫn là một bất cập và rừng vẫn tiếp tục “chảy máu”.

< Khu vực rừng đặc dụng Đray Sáp bị tàn phá.

Từ khu du lịch thác Dray Sáp, chúng tôi đi xe gắn máy hơn 6km và đi bộ khoảng 3km nữa để vào lõi rừng đặc dụng. Chỉ mất khoảng 30 phút đi bộ là chúng tôi đã có mặt ở lõi rừng. Một khung cảnh hoang tàn đập vào mắt, ngọn đồi trơ trọi những gốc cây lớn, những cành cây chết khô từ lúc nào.

Những cây rừng to vài người ôm nằm sõng soài trên đất, những thân cây gỗ được xẻ làm đôi và có cả những thân cây đã được xẻ vuông vắn. Trong đoàn chúng tôi, một đồng nghiệp phải thốt lên: “Lõi rừng đặc dụng đây sao?”

Đoạn cuối của dòng Sêrêpok

Chuyến hành trình của chúng tôi đã dừng ở đoạn cuối của dòng Sêrêpok, khi nó bắt đầu vượt qua lãnh thổ Việt Nam để đổ vào Mêkông bên nước bạn Campuchia.

Chúng tôi đến Buôn Đôn, cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 40 cây số - một vùng đất có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng để tìm về thác Bảy Nhánh.

< Thác Gia Long ngày xưa cách Thác Đray Sáp 6,2 km và Quốc lộ 14 khoảng 13 km.

Buôn  Đôn được gọi là “Làng Đảo” bởi dòng Sêrêpôk chảy về đây gặp một ghềnh đá lớn đã chia làm 7 nhánh sông nhỏ chảy qua các tảng đá tạo thành 6 hòn đảo giữa các nhánh sông, dân địa phương gọi là thác Bảy Nhánh. Đứng trên cao nhìn xuống, thác Bảy Nhánh như một bàn tay khổng lồ có bảy ngón xòe ra giữa ghềnh thác trắng xóa mà "cổ tay" là đầu thác rộng khoảng 500m, nước chảy hiền hòa êm ả quanh năm.

Vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích hơn 115 nghìn ha và vùng đệm có diện tích hơn 133 nghìn ha thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Yok Đôn được dòng Sêrêpok bao bọc và có địa hình tương đối bằng phẳng với nhiều loại động thực vật quý hiếm. Đáng buồn, Vườn Quốc gia Yok Đôn cũng không tránh khỏi sự xâm hại như rừng đặc dụng Đray Sáp.

< Quá khứ.

Ông Nguyễn Còn, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, số vụ bắt giữ khai thác gỗ trái phép tăng lên rất nhanh, chỉ từ 10 vụ năm 2005, năm 2009 là 378 vụ và 5 tháng đầu năm 2010 con số đã lên 208 vụ. Hiện nay trong vườn có 85 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu và số dân sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Theo ông Còn với tình hình số nhân khẩu tăng lên theo thời gian thì việc xâm hại đến rừng xanh là nguy cơ khó tránh khỏi.

Trong suốt quãng đường hơn 20 km xuyên Vườn Quốc gia, dừng chân tại các trạm kiểm lâm trong vườn, chúng tôi đều thấy la liệt những khúc gỗ vuông vức. Trên thân những khúc gỗ còn rỉ nhựa, những khối gỗ giáng hương, cẩm lai, căm xe… quí hiếm được ghi ngày bắt giữ còn rất mới. Thật đau xót khi con người bức tử rừng xanh - môi sinh, môi trường sống chính họ. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” hãy lắng nghe lời nguyền của rừng xanh, nếu không cái giá phải trả sẽ không phải là rẻ.

Du lịch, GO! Theo Thethao Vanhoa, internet

Phần 1: Cái chết của dòng thác huyền thoại
Đi tìm những dòng thác xưa đã khuất
Khám phá dòng thác chết