Dù chỉ là hoạt động leo núi, đi rừng bình thường nhưng những lưu ý dưới đây cũng khá cần thiết cho một hành trình.
.
1. Thời gian leo núi “khô-nắng” hay ‘ngày thuận tiện”

Bạn nên lập kế hoạch cẩn thận cho những chuyến đi dài và khó khăn (như lên Fansipan). Còn những chuyến đi ngắn và đơn giản hơn, bạn có thể đi vào thời gian thuận tiện trong năm. Nếu đi Fansipan, hoặc dài ngày, vất vả, bạn nên đi từ tháng 11 đến tháng 4, khi thời tiết khô ráo.
Nếu bạn vẫn muốn đi vào các tháng khác thì cần chuẩn bị nhiều hơn để đối mặt với ẩm ướt, trơn trượt, vắt và hiểm nguy.

Thời tiết đẹp ảnh hưởng rất lớn (50-60%) đến sự thú vị của chuyến đi, đến chất lượng ảnh chụp, sức khoẻ, độ nguy hiểm. Theo cảm nhận của tôi và nhiều người thời tiết mưa, ẩm ướt làm tăng đến 70% khả năng trượt ngã; 90% sự khó chịu, 30% tốc độ di chuyển.
Bạn cũng nên tìm hiểu về tuyến đường, địa hình, độ dài v.v… để tính thời gian cho hợp với sở thích của mình.

Vào thời gian trên (tháng 11 đến tháng 4), ở miền Bắc thời tiết sẽ phụ thuộc nhiều vào gió mùa Đông Bắc. Khi không khí lạnh về có thể gây mưa 1-2 ngày, sau đó lạnh và khô, rồi ấm lên, có nắng, rồi lại nhiều mây mù. Kiểu thời tiết này sẽ lặp lại, nhưng số ngày mưa-khô ráo-lạnh/nắng – mù thay đổi từng đợt. Vậy về nguyên tắc, bạn nên chọn khoảng giữa 2 đợt không khí lạnh mà đi.
Còn ở miền Nam, chúng ta nên chọn mùa khô, hình như cũng từ tháng 11 đến tháng 4. Riêng khu vực Quảng Nam- TT Huế mùa mưa từ tháng 9 đến tận đầu tháng 1.
Cuối cùng là bạn cũng không nên cầu toàn quá, cái gì cũng có cái hay của nó, kể cả trời mưa!

2 - Chuẩn bị hành trang

Phải nói ngay rằng hành trang phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như:
· Ngày khô khác hẳn với hành trang ngày ướt;
· Đường có sẵn, hay đường băng rừng
· Hành trang cho nam khác với nữ;
· Thời gian đi: 2,3 hay 4 ngày;
· Loại hình chuyến đi: đi không guide, không porter, hay đi có trợ giúp (nhiều hay ít).
· Sức khoẻ của bạn: cơ bắp, khả năng chịu rét, chịu khát, chịu bẩn…

Thứ nữa là hành trang phải mang tính dự phòng: có nghĩa là bạn phải dự phòng khi mưa, khi lạc, khi ngã chảy máu, khi lạc đường, khi tối trời, khi bị ốm vv…

Vì tôi chưa có kinh nghiệm đi trời mưa, ướt, nên tôi không có lời khuyên gì cho bạn cả, ngoại trừ về hành trang dự phòng khi mưa.

2.1 - Giày, dép, găng, bọc

Nên đi giày là chủ yếu. Dép dùng khi phải lội suối và trong lán.
Yêu cầu đối với giày là: vừa chân, có đế mềm và gai bám đường, bền, không nặng quá, không dễ bị ướt, thích hợp với địa hình.

Giày thích hợp là loại bằng da, cao cổ (cao hơn mắt cá chân một chút), có gai bám bằng cao su (bám đá tốt hơn đế nhựa mềm), buộc dây. Tiêu chí ‘bền – bám đường’ nên đặt lên trên. Nếu bạn chắc chắn trời khô ráo thì đi giày cao cổ bộ đội là tuyệt vời.
Với đường ít dốc, các bạn nên chọn giầy theo tiêu chí ‘bền-nhẹ’.

Giày chống nước

Không gì khó chịu hơn là giầy bị thấm nước vào trong và trời lạnh. Giày chống nước giúp bạn có thể lội qua các vũng nước nông, khoảng 5-15cm, tuỳ thuộc vào lớp da đệm bên dưới dây buộc liền với thân giày đến đâu. Để chống nước, lớp da của giày được tráng một lớp keo chống nước. Để bảo dưõng lớp chống nước bạn phải có keo xịt phù hợp (!). Giầy chống nước có lúc tôi thấy bán ở đường Lê Duẩn, Hà Nội (với giá ~1tr), Thương xá TAX - SG (chất lượng chưa được kiểm chứng).

Giày da thường cũng chống nước vào khá lâu. Nhưng khi bị nuớc lâu thì da bị thấm nước bên ngoài và trở nên nặng hơn. Nhiều người sử dụng cái bọc giầy để chống ướt cho giày. Tôi nghĩ đó là một cách rất hiệu quả và rẻ.

Các bạn có thể dễ dàng mua các loại giày leo núi ở Sapa với giá rẻ hơn ở Hà nội. Giày bộ đội đã chứng tỏ phù hợp cho chuyến đi, lại rẻ.

Nên sử dụng tất (vớ) cotton loại dày (hoặc 2 tất lồng vào nhau) và cao cổ. Tất dày sẽ làm cho chân bạn đỡ đau khi siết mạnh vào giày, đặc biệt tác dụng khi xuông dốc, mũi chân luôn có xu hướng đâm vào mũi giày.

Dép thì phải có quai hậu. Loại dép rọ của bộ đội là hợp lý. Các chàng H’mông rất thích loại dép này. Bạn có thể tặng lại họ sau khi về.
Găng tay có gai cao su thuộc loại ‘phải có’, xếp trên cả dép. Tôi thậm chí có thể thao tác chụp ảnh mà không phải tháo găng.

Bọc cổ chân, gối là một đoạn ống băng đàn hồi, có tác dụng để cố định gân, dây chằng cơ khỏi bị bong hoặc dịch khỏi vị trí ban đầu. Đa số bọc gối đang bán trên thị trường chỉ có một cỡ, không điều chỉnh được độ căng, và chưa thật phù hợp cho các hoạt động gập chân quá mức như leo núi. Ngoài ra phần lớn bọc làm bằng sợi polyester và sao su, ép chặt chân lâu dễ gây kích ứng da. Vì bọc quá chặt nên cử động gối khó khăn, thậm chí ngăn cản việc lưu thông máu. Bọc cổ chân hở gót có tác dụng tránh bong gân khá tốt. Có một loại bọc quấn có thể điều chỉnh mức độ chặt có lẽ là phù hợp hơn. Vậy nên bạn phải cân nhắc xem mình có cần cái bọc chân (loại hiện có) hay không.

2.2 - Trang phục cá nhân

Yêu cầu chung là:
· Giữ ấm khi lạnh, thoát khí nóng
· Chống trầy xước
· Dễ cử dộng
· Thấm mồ hôi,
· Chống nước
· Chống vắt, côn trùng

Cũng có loại quần áo đặc biệt chống thấm, chống lạnh và thoát hơi. Tuy nhiên chúng khá đắt (50-150$) và không phải ai cũng biết và mua đúng chất lượng. Hơn nữa khi leo nóng, mặc áo quần áo mỏng vẫn dễ chịu hơn.

Quần

Đường mòn rộng (đủ 1 người đi) - Bạn nên sử dụng quần đai chun hoặc có đai treo thay cho thắt lưng để quần đỡ bị tụt và bó chặt người. Vải quần nên là loại cotton, co giãn (dệt kim thì tốt) thì dễ chịu hơn nhiều. Nếu trời khô, không quá lạnh (8-10ºC), bạn có thể mặc quần short nếu là đường có sẵn và rộng. Nếu đường đi không đến nỗi nhiều gai góc quá bạn cũng không cần phải túm gấu quần, để tự nhiên cho thoát hơi nóng.

Nếu mưa ướt, bạn nên đeo cái trùm giày cao đến bắp chân là ổn. Hoặc bạn có thể mặc quần không thấm nước. Nhưng tôi không khuyên bạn sử dụng bộ quần áo mưa có trên thị trường vì chúng rất bí hơi. Trong thời tiết mưa ẩm ướt, bạn không nên băng rừng, trừ trường hợp khẩn cấp.

Đường rậm rạp, hoặc phải băng rừng (không có đường mòn sẵn) - Nên dùng quần vải dày, túm ống để đỡ bị vướng dây, gai đâm, rắn cắn. Bạn nên mang theo một quần dệt kim dày để mặc khi nghỉ lại trong lều/lán.

Áo

Bạn nên mặc 1áo lót cotton dệt kim + 1 áo ngoài cotton. Nếu trời lạnh bạn có thể khoác thêm một cái gilê, có cổ. Mặc nhiều áo hay hơn là mặc một áo dày vì ta có thể bỏ bớt đi một cái. Số lượng áo và độ dày rất tuỳ thuộc vào từng người, bạn phải tự quyết định mình cần gì.

Nếu đi băng rừng, bạn không nên dùng áo dệt kim vì dễ bị gai đâm hơn vải dệt thoi. Ngoài cùng bạn vẫn cần một cái áo khoác dày nhưng thật nhẹ, chỉ để khoác khi dừng lại nghỉ lâu. Tôi thì không có nhu cầu thay quần áo khi nghỉ đêm trong lán. Nhưng bạn vẫn nên có một quần, một áo thun đề phòng ngã xuống vũng nước và buộc phải thay.

Khăn quàng cổ

Cũng nên là cotton, mỏng, có tác dụng giữ ấm cổ và lau mồ hôi, ngăn côn trùng đốt. Thậm chí trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng để lau hoặc băng vết thương. Tốt nhất là bạn nên dùng một khăn mặt cho mục đích này. Bộ đội ta và lính thám báo địch rất hay dùng khăn quàng cổ trong rừng.



Để che nắng, mưa và gai góc. Với đường mòn rộng thì mũ lưỡi trai là OK. Nhưng với đường băng rừng hoặc rậm rạp thì loại mũ có vành (mũ cối hoặc tai bèo) phù hợp hơn nhiều.

Balô, túi

Yêu cầu: độ bền cao, quai, dây và chốt nhựa phải chắc chắn. Vì nếu balô đứt quai giữa đường thì phiền phức lắm. Rất nhiều balô trên thị trường có quai đeo may gắn vào vải rất dễ bị bong rách. Vì chỉ nên mang khoảng 5-6kg, bạn không cần balô to quá.
Túi là để đựng đồ đạc khác gửi porter (nếu có). Bạn nên có một cái túi không thấm nước có thể đựng 6-8kg (to cỡ như cái ba lô vậy). Không nên gửi đồ rời, vừa dễ hỏng, lại dễ thất lạc.

2.2 - Nước và thực phẩm 

Nước và uống nước

Lượng nước uống dùng cho 1 ngày leo núi khoảng 1,5-2 lít (3-4 chai cỡ trung). Còn nước khi ăn uống là chưa tính. Nếu mang toàn bộ lượng nước đó (1,5-2kg) thì khá nặng, nên bạn có thể tự mang 1-2 chai 0,5 lít, còn lại gửi porter rồi y/c họ tiếp ở những lúc nghỉ dài. Nếu cẩn thận bạn nên cho thêm một ít muối và đường gluco vào nước thì tốt.

Cách uống nước rất quan trọng.

Khi leo mồ hôi ra nhiều,bạn sẽ có nhu cầu uống nước thường xuyên. Bạn nên uống theo kiểu nhấp từng ngụm nhỏ, để trong mồm cho nước từ từ tưới xuống họng. Như vậy tức là vừa đi vừa uống. Để có thể uống liên tục mà vẫn đi, bạn nên treo chai nước ngay trước ngực. Nếu có vòi hút ngay cạnh mồm thì tiện nhất, không thì đục một lỗ nhỏ, bóp đáy chai cho nước chảy vào mồm. Nghe vậy có vẻ phức tạp, nhưng thực ra tôi đã làm và nhận thấy rất hiệu quả. Có một loại túi đựng nước (của nước ngoài) với vòi dài để uống rất hay.

Nước rửa, nấu ăn

Tất nhiên là nước suối rồi, nhưng không phải nước suối trên rừng là sạch! Nước đun nấu thì OK. Còn nước rửa: bạn phải kiểm tra, đun sôi hoặc khử trùng! Mùa đông trên núi nước lạnh vô cùng. Bạn có thể đun cho nóng nước bằng các loại cốc, bát bằng giấy! Không tin à? Ban cứ thử rồi khắc biết.

Thực phẩm

Có nhiều tour đảm nhận cả phần ăn uống trên đường (như tour đi Fans). Tuy nhiên nếu muốn sử dụng dịch vụ bạn nên hỏi rõ ăn gì, nấu nướng ra sao…Đó là điều mà người bán tour thường không biết. Còn người biết thì lại không biết bạn muốn ăn uống ra sao (!). Khả năng 50-70% thức ăn tour không phù hợp, hoặc mất vệ sinh. Nhiều người tặc lưỡi chấp nhận. Tôi thì tôi đã thử và sẽ tự lo đồ ăn cho mình.

Thuốc

Cũng thuộc danh mục ‘phải có’ và rất nhiều hạng mục.
Xem bảng danh mục thuốc và lựa chọn cho phù hợp. Và quan trọng nữa là bạn nên học cách dùng thuốc một chút.

3 - Thông tin liên lạc

Bạn có thể sử dụng ĐTDĐ ở rất nhiều nơi. Nhưng có những nơi không có sóng. Vậy sau đây là những giải pháp:
· Qui định trước cách thức liên lạc;
· Qui định các điểm dừng chờ nhau, nếu đã có sơ đồ đi;
· Qui định các đôi đi với nhau,
· Phương tiện hỗ trợ: còi, đèn, pháo bông, đánh dấu đường vv…
· Tín hiệu khẩn cấp qui định trước.

Chiếu sáng

Thông thường thì chúng ta không có ý định di chuyển trong đêm. Nhưng cũng có những trường hợp do nhiều nguyên nhân (đi chậm, sự cố, cấp cứu vv…) mà chúng ta phải đi 1-4g trong đêm. Ở khu lán trại, mặc dù có nến, chúng ta cũng vẫn phải dùng đèn pin.

Gậy leo núi có đèn

Ở điều kiện bình thường bạn nên dự kiến sẽ phải dùng đèn pin khoảng 2-3g/đêm. Đèn có hai loại: dùng pin thường và ắcqui xạc. Bạn nên căn cứ vào loại đèn, thời gian chiếu sáng, mà lựa chọn đèn cho phù hợp. Loại đèn đeo đầu pin xạc mà tôi sử dụng là Zhenyuan (TQ) ZY-1088 có thời hạn chiếu sáng trên 10g (trên nhãn là 12-15g) với độ sáng hơn hẳn các loại đèn tương tự khác của tây.

Nến dùng để chiếu sáng cố định trong lán. Để nến khỏi tắt bạn có thể cắm nó vào cái cốc giấy đã cắt thủng đáy.

Máy ảnh và chụp ảnh

Các bức ảnh đẹp về chuyến đi là vô cùng quan trọng với chúng ta. Có một vấn đề bạn phải lựa chọn là máy ảnh tốt thì nặng (~1kg) mà máy nhẹ thì không cho những bức ảnh đẹp. Ngoài ra bạn sẽ phải vừa quan sát đường đi, vừa tìm ra những cảnh đẹp để chụp. Trong rất nhiều trường hợp, độ ẩm quá cao có thể làm hỏng máy ảnh của bạn. Chỗ để máy tốt nhất là treo trước ngực. Khi cần bạn cho luôn máy vào sát ngực để sưởi khô. Nếu cẩn thận, bạn nên có thêm một dây bảo hiểm nhỏ, hai đầu có hai móc có lẫy nối máy và móc vào ngực.

Vắt và chống vắt

Vắt luôn là nỗi khó chịu của mọi người. Vắt có loại ở mặt đất và ở trên cây. Khi bám vào da, vắt sẽ tiêm vào chỗ cắn chất chống đông máu. Cho dù bạn bắt nõ ra thì chỗ cắn sẽ vẫn chảy máy một lúc lâu. Thường mọi người buộc túm ống quần hoặc đi giày cao cổ để chống vắt bám, nhưng vắt vẫn có thể chui vào trong! Bạn nên dùng bình xịt muỗi xịt vào mọi nơi trên quần áo, mũ, ba lô… Nhưng nếu đi lâu ở khu vực có vắt (trên 3g), thì tác dụng của thuốc sẽ giảm và bạn phải xịt bổ sung. Có một cách khác dân đi rừng hay dùng là bôi thuốc DEP vào chân tay, có tác dụng rất lâu

Du lịch, GO! - Theo KhamphaDaLat, internet