Trên mảnh đất còn nghèo khó này, vẫn còn lưu giữ nhiều những ngôi nhà rường cổ, tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu.

Nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị, cách thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc, làng cổ Phước Tích nép mình bên bờ sông Ô Lâu rêu phong cổ kính như một bảo tàng sống động của văn hóa làng quê Việt được lưu giữ nguyên vẹn qua hàng trăm năm nay.
Theo phả hệ của các dòng họ, làng Phước Tích được lập năm 1470, thời Hồng Đức với nghề truyền thống đặc trưng của làng là làm gốm. Từ mấy trăm năm trước, sản phẩm gốm tiến cung của Phước Tích đã nổi tiếng cả nước, đem lại cho người dân Phước Tích cuộc sống sung túc khá giả.

Nhờ vậy, các công trình kiến trúc văn hóa, dân sinh của làng từ đình làng, đền, miếu, nhà cửa được xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc nhà vườn đặc trưng của vùng đất Thuận Hóa xưa.


Những ngôi nhà cổ

Đến với Phước Tích ngày nay, ta như lạc vào không gian xanh của những khu vườn và những cây cổ thụ nhuốm màu cổ tích. Cây thị đầu làng theo kể lại đã gần 1.000 năm tuổi, chu vi gốc hai người ôm không xuể, hay như cây hoàng lan trên 100 năm tuổi trước ngôi nhà của mẹ Tràng vẫn nở hoa đúng mùa thơm ngát cả vùng quê.

Rồi những cây mai, tùng, mít, bồ quân, trần bì, bàng, bẹ… cổ thụ đổ bóng xuống làng đã hàng trăm năm nay vẫn được người dân giữ gìn như tài sản vô giá của cộng đồng dân cư Phước Tích.

Nép mình dưới những bóng cây cổ thụ là một quần thể nhà rường cổ với mật độ dày đặc hơn cả Cố đô Huế.

Cả làng có 117 ngôi nhà thì có đến 37 ngôi nhà rường có tuổi trên 100 năm, cùng 12 nhà thờ họ, các đền miếu còn nguyên vẹn. Có 12 ngôi nhà rường thuộc loại đặc biệt quý hiếm, có tuổi thọ từ 150 - 200 năm, cột gỗ đen bóng thời gian, vì kèo, xuyên, trếng, hoành phi, bản khoa, cửa đố… chạm trổ tinh xảo không thua kém các công trình kiến trúc gỗ trong Hoàng cung triều Nguyễn.

Tiêu biểu trong số những ngôi nhà cổ như ngôi nhà rường của ông Hồ Đình Lan, xưa từng làm tri huyện. Từ cổng vào là bình phong, bể cạn thiết kế theo lối trấn phong. Hơn 100 năm tuổi mà hàng cửa cột bằng gỗ mít còn bóng loáng. Giữa nhà còn bức hoành phi của vua Duy Tân (1909 - 1916) ghi công vị quan thanh liêm. Nhà ông Hồ Văn Tế liền đó cũng đã có tuổi thọ 150 năm, qua mấy đời người vẫn giữ nguyên vẹn nếp xưa nhà cũ, tường ngói rêu phong. Hay như ngôi nhà của cụ Trương Công Bậc đã 200 tuổi, kiến trúc kiểu ba gian hai trái, mái lợp ngói liệt đã thâm nâu, tường gạch rêu phong. Hàng cửa bản khoa sậm đen. Sân rộng, trước nhà rộng thênh thang lót gạch Bát Tràng…

Hầu hết những ngôi nhà rường ở Phước Tích đều gắn với những khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, xanh um cổ thụ, nhà nhà cách nhau một hàng chè tàu cắt xén thắng tắp, tạo nên một không gian xanh gần gũi mà cổ kính lạ lùng.

Trong những ngôi nhà rường cổ kính ấy, ta như thấy thời gian như lắng đọng trên những vật dụng có từ hàng trăm năm trước. Đó là những chiếc bình vôi mà miệng bình đã dày cao theo tầng nấc thời gian, rồi mâm uống rượu, mâm ăn bằng gỗ, các loại hũ, lọ đựng mắm muối, lu đựng nước do các lò gốm của làng sản xuất cách đây đã vài trăm năm vẫn được giữ gìn và hàng ngày, vẫn đồng hành cùng người dân như là trầm tích của thời gian, nhắc nhớ thời hoàng kim nghề gốm của làng.

Làng khoa bảng

Không chỉ nổi danh với nghề gốm tiến cung từ hàng trăm năm trước, Phước Tích cũng đã nổi tiếng là làng học, con em của làng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác học hành tử tế, nhiều người đỗ đạt cao. Chỉ tính trong triều đại nhà Nguyễn(1802 - 1945) ở Kinh đô Huế, làng đã có 19 người đỗ cử nhân, tiến sỹ làm quan trong triều.

Phước Tích cũng là quê độc nhất ở Miền Trung xây Đền thờ Khổng Tử từ mấy trăm năm trước nhằm tôn vinh sự hiếu học, khuyến khích con cháu trong làng chuyên cần theo nghiệp bút nghiên. Chẳng thế mà hầu như ở Phước Tích từ xưa đến nay, hầu như không có ai mù chữ, một điều xưa nay hiếm đối với một làng quê heo hút như Phước Tích.

Nghề rèn, nghề gốm cổ

Ngày nay, nghề gốm của làng chỉ còn là di sản của quá khứ, đời sống kinh tế không còn thời hoàng kim xưa, nhưng nền tảng hiếu học của làng lại được chắp cánh bay xa. Điều này giải thích vì sao, hiện tại ở làng phần đông là người già, con trẻ nhưng ai cũng tường tận lịch sử của làng như bài học đầu tiên trong đời. Chính điều này đã làm ngỡ ngàng các nhà nghiên cứu và du khách khi tận mắt chứng kiến lối ứng xử hết sức văn hóa của người dân Phước Tích đối với di sản của ông cha.

Dấu tích các lò gốm xưa vẫn được giữ gìn, dân làng còn dành riêng một cồn đất gọi là cồn Trèng để cất giữ những mảnh gốm cũ như một Bảo tàng truyền thống của làng.

Địa chỉ du lịch hấp dẫn

Có thể nói, Phước Tích còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt gắn liền phong cảnh hữu tình thôn quê, không gian kiến trúc cổ nhà rường, đền, chùa, miếu cổ, nghề gốm truyền thống… xứng đáng là một làng văn hóa di sản đặc sắc của Miền Trung và cả nước.

Giáo sư - Kiến trúc sư Hoành Đạo Kính, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phải thốt lên khi về Phước Tích “…Tôi thật sự sửng sốt khi bắt gặp một ngôi làng Việt cổ ở vùng đất không phải là cổ xưa của người Việt. Trên mảnh đất này, có quá nhiều những ngôi nhà rường cổ vẫn tồn tại qua nắng mưa và nghèo khó một cách kỳ diệu. Sự phát hiện này được ví như việc tìm ra một Hội An “bị quên lãng” vào những năm 80 thế kỷ XX…”

Quả thật, từ khi được đánh thức “vén bức màn quên lãng” trong lớp bụi thời gian(từ năm 2003) đến nay, Phước Tích đã trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đã góp mặt trong các kỳ Festival Huế với thương hiệu “Hương xưa làng cổ”. Từ đó đến nay rất nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn làng cổ Phước Tích đã được thực hiện. Đặc biệt trong hai ngày 17 - 18/8/2011 vừa qua, Dự án “Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững thông qua du lịch di sản” do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ đã được thực hiện tại Phước Tích, với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, tọa đàm… nhằm tìm giải pháp phát triển du lịch, cải thiện đời sống người dân, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững làng cổ.

Với những nỗ lực bảo tồn gìn giữ của người dân Phước Tích, cũng như các cấp ngành chức năng ở TT - Huế và bạn bè quốc tế, làng cổ Phước Tích đang trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch hấp dẫn, một bảo tàng sống động của lịch sử văn hóa làng quê đặc sắc của Việt Nam.

Du lịch, GO! -  Theo VOV, internet