Vườn quốc gia Pù Mát là một trong số ít khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao nhất nước ta và cả khu vực Châu Á. Nơi đây, có thảm thực vật đa dạng phong phú bậc nhất khu vực.

Nằm trên những dãy núi dài có độ cao từ 200 - 1941 m, so với mặt nước biển, nhờ có độ che phủ cao tới 98%, Vườn quốc gia Pù Mát có hàng ngàn loài động, thực vật quý hiếm, có nhiều thác nước, nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều hang động kỳ vỹ cuốn hút du khách. Nhưng do chưa được đầu tư, khai thác, nên tiếm năng của kho vàng xanh này vẫn còn đang bị… bỏ ngỏ.

Nằm về phía Đông dãy Trường Sơn, thuộc Tây Nam tỉnh Nghệ An, với tổng diện tích 93.113 ha, trải dài trên ba huyện Tương Dương, Con Cuông và huyện Anh Sơn, Vườn quốc gia Pù Mát là một trong số ít khu bảo vệ có tính đa dạng sinh học cao nhất nước ta và cả khu vực Châu Á. Nơi đây, có thảm thực vật đa dạng phong phú bậc nhất khu vực.

Theo số liệu điều tra của các nhà khoa học trong và ngoài nước cho thấy rừng Pù Mát có 2.494 loài thực vật thuộc 931 chi, 202 họ, 6 ngành thực vật bậc cao. Trong đó, có 37 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 20 loài nằm trong sách đỏ quốc tế. Có 132 loài thú quý hiếm thuộc 30 họ, 11 bộ (chiếm 59,19% số loài thú quý hiếm của nước ta).

Hiện nay, tại rừng quốc gia Pù Mát có rất nhiều loài thú lớn quý hiếm như: hổ vằn Đông Dương, voi, loài chó sói đuôi đỏ, lợn lòi, mang lớn Trường Sơn, sơn dương. Đặc biệt, có nhiều sao la, loài động vật quý hiếm mới được phát hiện tại Việt Nam.

Ngoài các loài thú lớn, nơi đây có 314 loài chim, 52 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư, 83 loài cá, 305 loài bướm ngày, 83 loài bướm đêm, 11 loài bướm hoàng đế và hàng trăm loài côn trùng quý hiếm khác đang được nghiên cứu và phát hiện.

Ngoài các loài động thực vật, khu du lịch sinh thái rừng Pù Mát còn có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Rừng săng lẻ Tương Dương, rừng cây lùn tại xã Châu Khê (Con Cuông) giáp biên giới Việt Lào, thác Khe Kèm, dải lụa trắng giữa đại ngàn.

Và, nhiều hang động kỳ vỹ như: Hang ông Trạng nơi hơn 600 năm trước Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan bị vua chúa phong kiến lưu đày; có bia Ma Nhai, nơi gần 700 năm trước quan quân nhà Trần lập nên chiến công hiển hách, khắc đá ghi công dẹp giặc xâm lăng miền biên ải. Có thẳm Ồm (hang Ốc) nơi cả vạn năm trước có người nguyên thủy cư trú; thẳm Nàng Màn, nơi có truyền thuyết tình yêu của cô sơn nữ nhà giàu với chàng trai nhà nghèo nhưng rất dũng mạnh.

Ngoài danh thắng do thiên tạo, thì đập Pha Lài, du thuyền trên sông Giăng, tham quan di tích lịch sử nhà cụ Vi Văn khang, cây Đa - Cồn Chùa lịch sử, nơi có chi bộ Đảng miền núi đầu tiên của vùng Tây Nam xứ Nghệ và các tour du lịch đang được hình thành đang thu hút du khách.

Tiềm năng là vậy, nhưng do thiếu vốn, thiếu cả con người kiến tạo và quản lý nó, để biến khu vàng xanh này trở thành hiện thực, tạo công ăn việc làm, cho nguồn thu bền vững; Phá vỡ tập quán sản xuất lạc hậu, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi.

Năm 1996, Vườn quốc gia Pù Mát được thành lập với nguồn vốn đầu tư để bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ nghiên cứu khoa học với kinh phí 24 triệu đô la Mỹ, do EU đầu tư, dự án đã phát huy tác dụng, rừng đã được giữ yên ngày càng xanh tốt, đời sống nhân dân đã có phần được cải thiện, bà con không còn đói cơm, thiếu gạo như trước.

Sau đầu tư bảo vệ, đã có đề án đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng Pù Mát, với kinh phí dự toán trên 300 tỷ đồng. Dự án này đã được đưa vào kế hoạch của tỉnh Nghệ An, nó còn được thiết kế nằm trong trục du lịch chính của Nghệ An là Cửa Lò - Kim Liên quê Bác - Vườn quốc gia Pù Mát.
Nhưng cả chục năm nay vẫn bất động. Và khi tour du lịch chưa hình thành bởi do chưa có hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho du khách.

Thác Kèm đẹp, đến đây vào mùa hè, khí hậu rất lý tưởng, không khí trong lành, cảnh núi rừng hấp dẫn, nhưng khách đến thăm, chưa chiều đã phải quay ra vì đêm không biết ngủ ở đâu? Chưa nói đến mưa gió trú chỗ nào?. Đập Pha Lài đẹp, có du thuyền sông Giăng, nhưng các hoạt động dịch vụ chưa có. Rồi các tour du lịch mạo hiểm như leo núi, thăm mỏ muối, xem đàn thú dữ đêm về ăn muối tại tận nguồn Khe Khặng.

Đơn giản nhất ngay sát khu vườn bộ của Vườn quốc gia có các di tích lịch sử như bia Ma Nhai, Hang ông Trạng, Thành Trà Lân, là những di tích lịch sử, vừa là danh lam thắng cảnh, vẫn chưa có kinh phí để đầu tư.

Để cho rừng Pù Mát xanh tươi, nguyên sinh và mãi mãi nguyên sinh, để cho “nghề rừng” phát triển, thì việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái rừng quốc gia Pù Mát là việc cần làm ngay, nếu để càng muộn càng mất cơ hội.

Chúng ta đang thực hiện chuyển đổi nền kinh tế, để kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế quốc dân, trong đó du lịch sinh thái là ngành công nghiệp không khói, tạo nguồn thu lớn, bền vững. Mong rằng thông điệp này sớm đến với các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách kinh tế - xã hội.

Du lịch, GO! - Theo CA Nghệ An, internet