Trong kho tàng văn hóa của người dân tộc Tày thì hát dân ca giao duyên luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Nhưng có một thể loại mà ít người biết tới và đang có chiều hướng mất dần, đó là hình thức hát Iếu ở tỉnh Hà Giang.

Trong kho tàng văn hóa của người dân tộc Tày thì hát dân ca giao duyên luôn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc. Nó thường được diễn ra trong các lễ hội như hội Lồng tồng, lễ hội Giã cốm, lễ hội rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy... Tại các lễ hội này, những chàng trai, cô gái vừa vui chơi, vừa tìm bạn để hát giao duyên, hát đối đáp bằng thơ hoặc hát theo làn điệu cọi. Nhưng có một hình thức hát giao duyên mà ít người biết tới và đang có chiều hướng mất dần, đó là hình thức hát Iếu ở tỉnh Hà Giang.

Hát Iếu là thể loại hát dân ca chỉ dành riêng cho người chưa vợ và chưa chồng. Tuy nhiên, trong thực tế do sức hấp dẫn của loại hình dân ca này nên những người có vợ, có chồng, thậm chí là những người lớn tuổi đều có thể hát, nhưng phải được sự ủng hộ, đồng tình của mọi người thì mới được hát.
.

Hát Iếu không chỉ là một hình thức sinh hoạt văn hóa mà còn thực hiện chức năng trao đổi tình cảm lứa đôi và biểu hiện nét đẹp phong tục tập quán mang nội dung trữ tình đằm thắm, mượt mà.

Chị Hoàng Thị Cấp - Xã Xuân Giang - Huyện Quang Bình - Tỉnh Hà Giang cho biết:
“Hát Iếu và hát cọi thì về hình thức thì không khác nhau vì đều là lối hát đối đáp. Cọi là những bài có sẵn, những bài dân ca cổ truyền từ xưa và thành bài rồi, có thể cả một bài dài toàn là đố hết và một bài dài đều là đáp, đấy là hát Cọi.

Còn hát Iếu cũng là hát đối đáp nhưng mà chỉ xuất hiện trong sự ngẫu hứng. Ví dụ trong mâm cơm thì một người ngẫu hứng hát 1,2 câu thì người bên kia cũng ngẫu hứng hát và trả lời câu ấy. Nó giống như hát đối của các dân tộc khác nhưng mà tại chỗ và không có bài bản gì, và lúc đó phải vận dụng trí tuệ và sự nhạy cảm của người nghe; thứ 2 là người đó phải giàu vốn sống và ngôn ngữ, giàu trí tưởng tượng thì mới hát được. Cho nên trong đám hát khi mà có 2 người hát Cọi với nhau thì rất hay nhưng khi hát Iếu thì không hát được vì tự nhiên có một câu bắt mình phải trả lời thì lại không trả lời được”.

Thời gian hát Iếu diễn ra rất dài, có thể thâu đêm đến sáng, thường một bên nam hoặc nữ đưa ra câu đố, bên đối tượng phải hát đối lại, khi hát trả lời được rồi thì có thể đưa ra câu đố tình huống khó hơn cho người đã đố mình lúc trước, cứ như vậy 2 bên đối đáp nhau cho tới khi bên nào thua thì thôi.

Hiện nay, hình thức sinh hoạt dân ca này đang dần vắng bóng trong đời sống dân gian. Thế hệ lớn tuổi thì thuộc nhiều lời hát hơn các thế hệ trẻ, điều này cũng do nhiều nguyên nhân, có lẽ phần nhiều là các thế hệ trẻ bây giờ tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau. Trong khi đó nền văn hóa dân tộc lại không được bồi dưỡng thường xuyên.

PGS. TS Trần Bình - Giảng viên khoa VHDT - Đại học Văn Hóa Hà Nội phân tích: “Dân tộc Tày có rất nhiều lối hát dân ca như Si, lượn, phông sa lư hay hát then. Tuy nhiên, việc bảo tồn cái này cũng mỗi nơi một cách. Nơi thì ghi âm ghi vào kho, nơi thì tổ chức cuộc thi.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là gì? Nếu các thể loại ấy muốn tồn tại được thì phải có người thể hiện chúng. Những người thể hiện ấy phải được truyền dạy chứ không ai tự sinh ra lớn lên rồi đến năm 20 tuổi tự biết hát dân ca”.
Theo PGS. TS Trần Bình, người thể hiện phải được truyền dạy từ lúc nhỏ thông qua việc hát ru. Việc dạy là một chuyện, còn dạy để ngấm vào máu, để người học yêu thích những điệu hát đó, lớn lên họ lại ru con theo những điệu hát đó. Ông cho rằng việc thực hiện lưu giữ những giá trị văn hóa ấy còn chưa ổn.

Ngày nay, số lượng các nghệ nhân và người sưu tầm hát Iếu hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, ngay cả nhiều người dân tộc Tày cũng không thể phân biệt được đâu là hát Cọi và đâu là hát Iếu.

Với những giá trị văn hóa độc đáo, hát Iếu đang đòi hỏi sự tìm tòi, nghiên cứu, quan tâm hơn nữa, để những giá trị văn hóa ấy có thể tồn tại cùng cuộc sống đương đại.

Du lịch, GO! - Theo VTV, internet