Mảnh đất quê hương ta không chỉ đơn thuần là núi, đất, biển đảo mà đó đây trên thềm lục địa phía Nam vẫn còn những điểm son giữa biển rộng bao la...
Một centimét thềm lục địa cũng là đất thiêng mang hồn biển từ tổ tiên để lại và chúng ta, con cháu chúng ta phải gìn giữ cho ngàn đời sau. Đây là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế nàò ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...

DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thuỷ văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân...

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thuỷ hải sản, hàng hải...

Trong tháng 6/2011 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã xây dựng, lắp đặt xong 2 Nhà giàn DK1 (thế hệ thứ 3) và bàn giao cho Tiểu đoàn DK1, Bộ Chỉ huy Vùng 2 Hải quân quản lý và sử dụng.

Hệ thống Nhà giàn DK1 có tổng cộng 18 nhà. Tuy nhiên qua quá trình sử dụng, 3 nhà đã bị bão đánh đổ, hiện chỉ còn lại 15 nhà. Nhà giàn được đóng trên những bãi đá ngầm với tên gọi là "Trạm Dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật". Thật ra, đó chỉ là tên gọi nhằm "dân sự hóa", vì trước 2008, thông tin về các Nhà giàn được xếp vào danh sách thông tin không được công bố.

Chỉ sau khi TQ thè cái lưỡi bò dài vô lý xuống tận khu vực khai thác Dầu khí, thì Nhà giàn mới được mọi người biết đến.

Nhà giàn do các cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn D1, Bộ Chỉ huy Vùng 2 Hải quân quản lý. Nhiệm vụ chính là canh gác thềm lục địa phía Tây Nam - là những trạm gác bảo vệ cho việc khai thác dầu mỏ thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

22 năm qua tại vùng biển của Tổ quốc, những cơn sóng cao từ 13m đến 15m, có sức tàn phá khủng khiếp đã đánh đổ, nhấn chìm 5 nhà giàn, 1 tàu trực. 13 cán bộ chiến sĩ chốt giữ nhà giàn đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhiều người phải lênh đênh trôi dạt trên biển hàng chục giờ trong cái nắng cháy da, cái đói, cái rét thấu xương.

Thế nhưng, nhà giàn này đổ lại có nhà giàn khác được xây lên, lớp trước ngã xuống lại có lớp sau tiếp bước. Đó là sự hình dung ngắn gọn nhất về những nhà giàn DK1 ở vùng biển thềm lục địa - những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông.

22 năm qua, với việc dựng lên những nhà giàn DK1 hiên ngang giữa trùng khơi sóng gió, người Việt hôm nay tiếp tục dựng lên những cột mốc chủ quyền mà mọi thế hệ người Việt đã dựng xây và gìn giữ. Lòng yêu nước của người Việt xuyên qua mọi thời gian, chưa bao giờ vơi cạn.

Ở vào thời điểm này, càng thấy ý nghĩa cực kỳ quan trọng của dấu mốc. Ngày 5/7/1989 - ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký Quyết định dựng nhà giàn. Quyết định đó đã thể hiện tầm nhìn xa trong việc xác lập chủ quyền của Tổ quốc.

Ảnh bên là Nhà giàn thế hệ 1. Rất thấp. Chỉ trên mặt nước hơn 10m nên hễ sóng gió lên là nhà rung lắc chẳng khác gì... chuồng chim bồ câu trên cành cây.

Đúng như lời bài hát "Nhà giàn trong mây canh một hướng Tây Nam, khi nước triều lên nằm ngang mặt sóng".
Hình bên cạnh là Nhà giàn thế hệ 2, nằm trên mặt nước 23m nên độ an toàn cao hơn. Thế nhưng, những Nhà giàn này cũng chẳng là gì trước những cơn bão biển cuồng nộ, với những cột sóng cao hàng chục mét, gió giật trên cấp 12.

Qua hơn 20 năm sừng sững canh giữ Biển Đông, hàng chục cán bộ - chiến sĩ Hải quân Vùng 2, Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ canh giữ biển trời trên các nhà giàn đã nằm xuống lòng biển trong khi làm nhiệm vụ. Cũng qua hơn 20 năm, một số nhà giàn đang đứng trước nguy cơ xuống cấp, phải tu bổ - sửa chữa và xây dựng lại (một số đã bị gãy, đổ bởi thiên tai khắc nghiệt, sóng to bão lớn...).
< Nhà giàn cũ nghiêng nghiêng...

Hiện tại, có một số Nhà giàn đã bị nghiêng lún, không thể đứng vững nếu gặp bão lớn.

Có một số Nhà giàn thế hệ 2 đã đổ, mang theo những người lính Hải quân xuống đáy biển sâu.
< Làm chân móng cho nhà giàn mới.
.
Việc xây dựng lại nhà giàn hiện nay không quá vất vả, gian lao như hơn 20 năm trước vì lúc đó sử dụng sức người là chính với những trang thiết bị thô sơ - cũ kỹ.

Bạy giờ "nhàn hơn" bởi tàu thuyền, thiết bị nâng hạ, đóng cọc và máy móc hiện đại, chính xác và tuyệt đối an toàn.
< Phần trên của Nhà giàn gồm 3 tầng được hoàn tất từ đất liền và có tàu kéo ra biển.

Nhà giàn thế hệ 3 hoàn tất trông rất vững chãi. Bộ đội Hải quân có thể yên tâm làm nhiệm vụ ngay cả khi bão tố, mà không phải ... ôm phao nằm ngủ.
< Phía chân đế đóng xuống bãi đá ngầm.

Ước tính chi phí để xây dựng một Nhà giàn thế hệ 3 vào khoảng 15 tỷ đồng/ chiếc. Hy vọng Nhà giàn thế hệ 3 dần thay thế 15 Nhà thế hệ 2.
< Tàu cần ra biển dựng Nhà giàn.
< Phần trên của nhà, lắp vào chân đế.
< Gần khớp rồi, còn một chút nữa thôi.
< Nhà đã được đặt trên chân đế, vẫn giữ tên cũ: "Trạm Dịch vụ Kinh tế - Khoa học kỹ thuật".

Chính vì thế, trong tháng 6/2011 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt nam đã đóng mới hai Nhà giàn thế hệ 3 (cao gần 30m với 3 tầng), nối với nhà cũ đã bị nghiêng.
< "Có mới nhưng không... nới cũ"

Du lịch, GO! Tổng hợp từ TTVNOL, Đại Đoàn Kết