Từ ngã ba Diễn Châu, ngược QL 7A khoảng gần 150 km là đến địa phận huyện Tương Dương. Là vùng núi non hùng vĩ, hoang sơ, nhiều thắng cảnh tuyệt mỹ, nơi cư trú của 5 dân tộc thiểu số với những nét văn hoá đặc sắc, Tương Dương thực sự là “thiên đường du lịch” ở miền Tây xứ Nghệ, đang vẫy gọi du khách gần xa chiêm ngưỡng, khám phá.

Cảnh rừng núi ở đây thật đa dạng và phong phú, dòng Lam uốn lượn, len lỏi qua những triền núi, cánh rừng, bản làng, nơi đầu nguồn với nhiều phụ lưu như cánh tay ôm chặt lấy mảnh đất này.
Tương Dương với nhiều tiềm năng thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Những điểm nhấn quan trọng của du lịch Tương Dương như:

- Rừng Săng Lẻ (thuộc địa phận bản Quang Thịch, xã Tam Đình), với diện tích 70ha (trong đề án mở rộng tới 300ha) là khu rừng vẫn còn giữ nguyên được vẻ đẹp tự nhiên của nó.

Rừng cây có độ cao từ 30 - 40m màu trắng nhạt, tán lá đủ các màu xanh, vàng, đỏ nổi lên giữa bầu trời như tạo thêm cho khu rừng một nét đẹp thanh bình và huyền bí. Vào mùa hè, thung lũng xanh rực trời hoa tím. Giữa cái nắng của mùa hè oi ả, bước vào khu rừng du khách sẽ thấy khí hậu thật mát mẻ trong lành. Những nhành lan kiêu kỳ ẩn mình trên cao tít khiến cho bức tranh thiên nhiên càng trở nên sinh động hơn.

Rừng Săng Lẻ rất thích hợp cho việc cắm trại, picnic,... chắc chắn khu rừng này sẽ gợi cho du khách ham thích tìm hiểu khám phá những điều kỳ thú còn ẩn chứa bên trong.

- Đền Vạn - Cựa Rào được nhân dân xây dựng và hoàn chỉnh vào thế kỷ XIX để thờ đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (người có công đánh giặc khai Lao, bảo vệ bờ cõi đã anh dũng hy sinh tại khúc sông này) và Tam tòa Thánh Mẫu là ba vị thần trong tứ bất tử cai quản cả ba vùng sông - núi - dương gian để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đền bao gồm 2 tòa Bái đường và Hậu cung, tọa lạc trên một quả đồi nằm cạnh ngã ba sông, bên phải là dòng Nậm Mộ, bên trái là dòng Nậm Nơn, trước mặt là dòng Lam thơ mộng, xung quanh là rừng núi đại ngàn.

Du khách về đây đúng ngày Lễ hội đền Vạn Cửa Rào vào dịp đầu xuân hàng năm, du khách sẽ được thưởng thức nét đẹp văn hóa truyền thống, cảm nhận cái hồn núi non từ ngàn xưa vọng lại trong tiếng chiêng, tiếng cồng, câu suối, điệu lăm... của những trai thanh, gái lịch vùng núi Tương Dương.

- Thủy điện Bản Vẽ ở Tương Dương có công suất thiết kế 320 Mw với một con đập lớn có chiều cao trên 158 m, dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3 nước, 8.700 km2 diện tích lưu vực. Sau khi ngăn đập mặt nước đã trở nên phẳng lặng, lòng sông trải rộng, tạo nên vô số ốc đảo và luồng lạch. Nằm trong quần thể lòng hồ cách trung tâm thủy điện bản Vẽ hơn 2 tiếng đồng hồ đi thuyền máy, cặp bến dưới ngọn núi Phá Chầng, thuộc địa bàn xã Hữu Khuông, chỉ sau 5 phút đi bộ là du khách có thể đến cửa hang Thẳm Nặm, một thắng cảnh với những vẻ đẹp mê hồn do thiên nhiên tạo ra.

Thẳm Nặm (tiếng Thái có nghĩa là Hang Nước), là một hang đỏ, đẹp, rộng cả ngàn m2, nhiều tầng, nhiều ngách lên xuống, trần hang cao, có những vị trí bằng phẳng, rộng đủ chỗ cho hành trăm người ngồi nghỉ bên vô số hình thù muôn hình, muôn vẻ được tạo ra từ những nhũ đá lấp lánh...

Đặc biệt trong lòng hang có một dòng suối ngầm, nước trong vắt, mát lạnh, rất nhiều cá tôm.
Đến Tương Dương, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực từ những món ăn được chế biến bằng nguồn sản vật của địa phương như: cá lăng, cá mát, gà ác, lợn đen... các loại rau quả như: xoài, cà ngọt, măng đắng... mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng. Về không gian văn hóa, Tương Dương lưu giữ được một số bản Thái với những phong tục cổ truyền rất đặc sắc như bản Chắn, bản Mác, bản Cây Me, bản Nhặn, bản Phòng (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Lưu Phong (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)...

Ngoài những điểm du lịch nói trên, huyện Tương Dương còn nhiều điểm du lịch ở dạng tiềm năng như: Thủy điện Khe Bố, rừng cây lùn Tam Quang, rừng lạnh nguyên sinh Tam Hợp, Thẳm Cung Tam Đình... đủ điều kiện để phát triển thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ BaoMoi, Nghean24h, internet.