Không chỉ rạng danh ở tầm quốc tế với những bí ẩn của Thánh địa Cát Tiên (vẫn chưa xác định được chủ nhân di chỉ), khu rừng kỳ diệu này còn là từ điển sống về sự đa dạng sinh học của núi rừng Tây Nguyên.

Sau hơn giờ đồng hồ xuyên qua những tán rừng tối um, hoang vắng trong tiếng chim rừng lảnh lót, khi cái chân không thể nhấc nổi thì trước mặt chúng tôi bừng lên khoảng trống rợp nắng mai. Một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo hiện lên trước mắt với vô số cây rừng ngàn năm tuổi tồn lưu nhiều truyền thuyết, hiện tượng lạ kỳ.

Đẹp và hoang sơ đến ngỡ ngàng

7h sáng, balô trên vai, chúng tôi theo chân anh Vũ Ngọc Lân, phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên vào rừng ngắm đại thụ.

Trên con đường mòn phủ đầy cành lá hoai mục dày cộm, con người "không thể sống xa núi rừng" khái quát: "Không chỉ có núi, đồi, cảnh quan ở Cát Tiên còn có những bờ bãi ven sông và hệ thống suối chảy dốc. Thảm thực vật phong phú với nhiều khu rừng đặc trưng như rừng ngập nước, rừng hỗn hợp tre nứa, rừng mưa rụng lá... Chúng ta đang đi vào khu rừng bằng lăng nguyên sinh".

Giữa lúc Sài Gòn oi bức thì nơi đây thoáng mát rười rượi. Lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được hương rừng, mùi rừng ngai ngái, mùi của thú hoang. Sau ánh nắng loang loáng như trải thảm trên các tán cây tầng tầng lớp lớp, nhiều du khách đã liền réo to khi bắt gặp những đàn chim quý hiếm như hồng hoàng, cà kheo, gà lôi lông tía... đang chao lượn, nô đùa trên cành lá.

Càng tiến sâu vào rừng, chúng tôi càng thu vào tâm mắt hình ảnh của đại ngàn hoang sơ, thuần khiết. Rải đặc giữa rừng cây dày đến 5 tầng là điệu vũ ma quái của ngàn vạn dây leo lúc vươn tròn như cầu vồng, khi buông thõng như những chiếc xích đu và có khi quấn nhau xà nẹo như những đôi mãng xà đang vào mùa tình ái.
Những vạt lá dong với phiến lá to bằng mâm cơm, những cây song, cây mây dài ngoẵng, uốn éo tìm mãi không thấy gốc ngọn cũng gây nhiều ánh mắt ngạc nhiên, những tiếng xuýt xoa, trầm trồ kinh ngạc.

"Theo truyền thuyết của người Mạ, tên gọi Cát Tiên bắt nguồn từ sự hiện diện của những nàng tiên trên bãi cát vàng tại Thác Trời (cách trụ sở vườn 1km đường chim bay )". Trong tiếng gió lay cành lá, còn gì bằng khi được những cư dân lâu đời kể về truyền thuyết Cát Tiên.
Cái cảm giác ngả lưng xuống thảm cỏ xanh rờn rồi gối đầu lên những gộp rễ sần sùi, u múi như vồng ngực của những chàng Đam San quả cảm đi tìm nữ thần mặt trời và chậm rãi ngắm nhìn những tia nắng được chắt lọc qua những tầng lá xanh um thật bồng bềnh, lưu luyến.

Kiệt tác của trời

Qua rừng cây um tùm, chúng tôi lọt vào khu thánh địa của những loài cây thân mộc vĩ đại, bí hiểm. Giữa khu rừng có bãi đất trống hiện diện nhiều cây đại thụ cao to quý hiếm, hình dáng kỳ ngộ như cây thiên tuế 500 năm tuổi (trên 200 năm mới trổ hoa), cao đến 3m, cây căm xe 300 năm tuổi, cây bằng lăng có đến 6 ngọn... và đặc biệt là cây Tung (tên khoa học Tetrameles nudiflora) ngàn năm tuổi có gốc to và bạnh vè hàng chục người ôm.

< Cây bằng lăng sáu ngọn.

Sau này, khi đi sâu vào thôn Tà Lài, vùng đất cổ của người Mạ bản địa, chúng tôi được nghe nhiều già làng nhắc đến những điều huyền bí có liên quan đến khu rừng đại thụ kia. Già làng K’Sai bật mí: Ngày trước, ngoài thầy cúng, dân làng không ai dám đến khu rừng vì nơi đó có đôi trăn sống lâu năm, thân to như cột nhà cát cứ.

Có lẽ nhờ là cây thiêng và tọa lạc ở vùng cấm địa nên những cây đại thụ kia mới được nhiều thế hệ người Mạ giữ gìn, nhờ vậy mới còn cơ may tồn tại. Một già làng khác tên Y Ríc bật mí: "Sau này do chiến tranh, bom đạn nên đôi trăn bỏ đi. Những cây ngải thiêng không còn nữa. Nhờ vậy người làng mới dám vào rừng. Mùa xuân đến, có nhiều nam nữ trong làng ra đây tìm hiểu nhau. Lúc đó, thân cây tỏa hương thơm lắm!".

Khi đã no say khung cảnh bồng lai giữa đại ngàn, chúng tôi lại tiếp tục xuyên rừng thăm "cây Gõ Bác Đồng" nằm cách trụ sở vườn 2km. Đó là cây Gõ đỏ (loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam) có đường kính hơn 2m, cao khoảng 40m, ước tính trên 500 năm tuổi.

Theo giới thiệu của phó giám đốc Lân, năm 1987, đồng chí cố vấn Phạm Văn Đồng có đến tham quan cây Gõ đỏ này. Vì đồng chí là cán bộ lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến thăm và để kỷ niệm, Ban quản lý vườn đã đặt tên cho cây là "Cây Gõ Bác Đồng".

Theo lời kể của nhiều cán bộ vườn và cư dân bản địa, trên ngọn cây gõ đại thụ này thường xuất hiện những con rắn toàn thân màu vàng, đầu có sừng nhọn với nọc độc kinh hồn. Đã có nhiều du khách đứng tim khi giáp mặt với những con mãng xà có "nhan sắc" ớn lạnh này nhưng ngộ ra là chúng chưa từng tấn công ai. Nhiều già làng người Mạ tin rằng đó là hiện thân của Yàng (thần linh) nên không bao giờ xâm hại chúng.

Loài thú phân quý như vàng ở Cát Tiên

Giữa rừng già có một hồ nước được hình thành từ sự dòng chảy sông Đồng Nai. Bàu nước là một huyền thoại có thật với sự hiện diện của nhiều loài cá khổng lồ quý hiếm. Đó là "Hồ Sách đỏ" - nơi mà cứ đêm đêm, ánh mắt của những con cá sấu Xiêm rực sáng như ánh sao trời.

Hồ của những loài vật  trong Sách đỏ

Sau gần chục km đường ôtô và hơn 5km đường rừng len lỏi qua những tán rừng, chúng tôi cũng đến được địa phận giáp rìa Bàu Sấu. Hệ sinh thái rừng lúc này đã chuyển biến từ rừng cây gỗ cao to sang lùm bụi.
Trời về chiều, ánh tà dương dần buông phủ trên "bàu sữa" giữa rừng. Đây cũng là lúc những đàn chim về tổ sau ngày dài bươn chải mưu sinh.

Chỉ tay về phía mặt hồ lặng như tờ in bóng chim chao lượn, anh Nguyễn Đức Dũng, hướng dẫn viên bật mí: "Những trảng cỏ bao quanh hồ là mái nhà của các loài công, trĩ đỏ, le le, gà lôi, mòng két... Chúng đều là những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam!".

Cũng theo anh Dũng, không chỉ là thắng cảnh đẹp tập trung nhiều loài chim nước đặc hữu, Bàu Sấu còn là mái nhà của nhiều loài cá nước ngọt có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới như cá lóc bông, các loài cá lăng (lăng bì, lăng nha, lăng nhám, lăng chì...) và đặc biệt là cá rồng (giá mỗi con có giá đến hàng chục triệu đồng).

Anh cho chúng tôi xem những tấm ảnh tư liệu của các loài cá quý và giải thích: "Vào mùa nắng, mực nước ở hồ rút xuống. Khi đó, những "em" này trú trong hang hốc, hầm hố không kịp rút ra nên mắc kẹt".

Do hiện hữu nhiều loài sinh vật quý hiếm nên ngoài cái tên cúng cơm, Bàu Sấu còn được các nhà khoa học gọi là "Hồ Sách đỏ". Để đến được hồ phải băng qua khu rừng thiêng nên không có cư dân bản địa nào lui tới đây. Cùng với thời gian, bị cây rừng che lấp, chẳng còn mấy ai nhớ tới bàu nước này. Nhờ vậy mà nơi đây còn giữ được nét hoang sơ với nhiều loài chim, cá quý hiếm.

Đàn "thủy quái" ở Bàu Sấu

Anh Phùng Mỹ Trung - người sáng lập trang Web Sinh vật rừng Việt Nam, hiện công tác tại Chi cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho biết, tên gọi của Bàu Sấu bắt nguồn từ sự hiện diện đông đúc của loài cá sấu nước ngọt (còn gọi là cá sấu Xiêm) vô cùng quý hiếm.

 Người Mạ và K’Ho tin rằng cá sấu là những con vật thiêng được thần rừng sai canh giữ chốn sơn linh nên không dám giết hại, nhưng giờ chỉ còn lác đác vài con.

Già làng Đ’Riêng nhớ lại: "Những con sấu đó nhiều và dữ lắm. Trâu rừng xuống uống nước, nó lao tới cắn cổ lôi xuống ăn thịt. Cọp dữ nó cũng không tha".

Hôm chèo xuồng đưa chúng tôi tham quan bàu, anh Dũng tiếc nuối: "Cá sấu hiện là mặt hàng thu được nhiều ngoại tệ nên bị tàn sát dã man. Đêm đêm, ánh đèn săn cá sấu sáng rực cả một vùng rừng".

Hàm răng lởm chởm đầy gai nhọn, chiếc đuôi to khoẻ cùng bản năng hung dữ vẫn không giúp được những con thủy quái ở Bàu Sấu khoát khỏi lưỡi hái tận diệt của những kẻ có lòng tham. May mắn là đã có một kế hoạch bảo vệ loài cá mà số lượng cá thể ở Việt Nam chỉ còn đếm được chưa quá 10 đầu ngón tay. Từ năm 2000 đến nay, đã có 60 cá thể cá sấu Xiêm được nhân giống và thả xuống hồ.

Loài thú cổ đại "phân quý như vàng"

Điều thú vị nhất trong chuyến khám phá những diệu kỳ ở Vườn quốc gia Cát Tiên là khi chúng tôi được nghe anh Phạm Hữu Khánh - Phó Giám đốc vườn bật mí: Cát Tiên là Vườn quốc gia duy nhất của cả nước có sự hiện diện của tê giác Java, loài thú cổ đại mà ngay cả phân của nó, người ta cũng sẵn sàng mua bằng vàng.

Xuyên rừng đêm, ánh đèn của chiếc xe đặc chủng nhiều lần quét vào những lùm bụi cỏ, tre nứa và dừng lại khá lâu. Anh Khánh giải thích: "Những lùm bụi kia là món ăn chính của tê giác. Biết đâu hôm nay cu cậu mò ra dùng điểm tâm?!". Dứt lời, anh hướng sự chú ý của du khách về phía một thân cây dây leo có những chiếc lá màu xanh tựa như lá tía tô. "Lá nhíp, món khoái khẩu của tê giác đấy!".

Không chỉ tê giác mà người Stiêng và người Mạ bản địa cũng rất ưng cái bụng với lá nhíp (còn gọi là lá bép), thứ lá bùi bùi, chua chua, ngòn ngọt, đăng đắng, beo béo.

Theo mách nước của anh Lưu Văn Hào - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Tiên, từ lâu người dân tộc bản địa đã biết tê giác rất thích ăn món lá này nên mỗi khi cần lá nấu canh, họ chỉ việc theo dấu chân tê giác. Năm 1999, chính từ sự giúp đỡ và chỉ dẫn của cư dân địa phương, các nhà khoa học mới khẳng định sự tồn tại của tê giác Java.

Còn bao nhiêu tê giác Java?

Trước khi đặt câu hỏi này với cán bộ vườn, chúng tôi đã có chuyến điền dã tại thôn 3, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng để gặp các già làng người Mạ, những người từng nhiều lần bắt gặp sự xuất hiện của những con "trâu một sừng", đặng nghe các già nói về thuở hoàng kim của tê giác Java. Cách  trung tâm huyện Cát Tiên hơn 80km, Phước Cát được xem là khu rừng duy nhất ở Việt Nam có loài thú quý hiếm này sinh sống.

Dưới chân ngôi nhà sàn truyền thống, bên ché rượu cần, sau khi rít một hơi dài điếu thuốc được quấn từ lá cây rừng, già làng Điểu Len cất giọng sang sảng: "Hồi cái chân còn khoẻ, mình đi rừng gặp con trâu một sừng ấy nhiều lắm. Con nào cũng to lớn. Con đực có mọc sừng trên mũi, con cái thì không. Mỗi khi cả đàn kéo đến nương ăn mầm cỏ, mầm cây, dân làng phải đuổi nó đi".

Dù to khoẻ nhưng điều này không thể cứu được loài tê giác Java thoát khỏi vòng xoáy tuyệt diệt khi mà vô số những họng súng, bẫy bọng bủa vây chúng ngày đêm.

Nguyên giám đốc vườn Trần Văn Mùi bảo: "Các nghiên cứu cho thấy tê giác Java và cả tê giác Sumatra từng có mặt tại Việt Nam. Từ những năm 1960, các chuyên gia bảo tồn đã có những cảnh báo, bày tỏ sự lo ngại về sự tồn vong của 2 loài này. Các nhà khoa học đã xác định có từ 5 - 7 cá thể tê giác Java còn tồn tại ở Cát Tiên".

Thông Tin thêm

Trải dài trên địa phận 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Dồng, Bình Phước, với tổng diện tích 71.920ha, Vườn Quốc gia Cát Tiên là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dư trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới. Trong tổng số 724 loài thực vật được tìm thấy, có 38 loài, 13 họ đặc hữu (chỉ Việt Nam mới có) và quý hiếm như dầu rái, dầu lông, cẩm lai vú, gõ đỏ, giáng hương...

Một số tuyến du lịch ở Cát Tiên

1.Tuyến tham quan làng dân tộc Mạ, S’Tiêng ở Tà Lài: Có thể đi bằng ô tô hoặc đi theo đường sông. Nơi này có nhà văn hoá của các dân tộc ở Tà Lài, nơi lưu giữ những di vật có từ ngàn xưa của dân tộc Mạ và S’Tiêng.

2. Tuyến Bàu Chim: Tuyến tham quan đặc biệt dành cho những người say mê và thích nghiên cứu về chim. Một loài chim thường thấy ở mọi thời điểm trong năm, có thể kể đến: Bói Cá, Le Nâu, Ó Cá, Cò Bợ, Phường Chèo, Công...

3. Tuyến Bằng Lăng: Du khách sẽ đi qua 1 cánh rừng bằng lăng gần như thuần loại. Vào đầu mùa khô, rừng bằng lăng chuẩn bị thay lá, những chiếc lá xanh sắp rụng, chuyển sang màu đỏ, tạo nên 1 khung cảnh rất đẹp.

Du lịch, GO! - Theo Bee