Đến Sóc Trăng theo các tour du lịch tâm linh, ngoài viếng các chùa: Dơi, Đất Sét, Klêlang bạn không thể không viếng chùa Sà Lôn (còn gọi chùa Chén Kiểu) nằm trên Quốc lộ 1A, cách thị xã Sóc Trăng 12km về hướng Tây, hướng từ thị xã Sóc Trăng đi Bạc Liêu.

Nét đặc sắc ở ngôi chùa là sử dụng những mảnh bát (chén), đĩa sứ ốp lên tường trang trí cho ngôi chùa, bởi vậy chùa còn được gọi là chùa Chén Kiểu.
Thuở ban đầu chùa được dựng bằng cây và lá rừng. Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi chánh điện bị sập do bom đạn tàn phá. Chùa được dựng lại năm 1969, đến năm 1980 hoàn thành.
Kỹ thuật ốp sứ độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng rất ấn tượng của ngôi chùa. Tại chùa Sà Lôn còn lưu giữ một bộ sưu tập đồ gỗ quý hiếm được chạm, khảm rất tinh tế, nhà chùa mua lại trong phần gia sản của công tử Bạc Liệu năm 1947.

Cột chùa chạm nhiều hoa văn, đường viền độc đáo. Hai bên cổng ngự, hai con sư tử bằng đá trên bệ cao, hướng ra lộ. Trên cổng xây ba ngôi tháp, được chạm khắc, đắp nổi biểu trưng cho văn hóa truyền thống Khmer. Đặc biệt, trong lòng tháp chính giữa lồng một tấm kính, nổi bật tượng phật ngồi uy nghi, như hiện hữu an lành ở chốn cảnh chùa.

Cũng như các ngôi chùa khác của người Khmer, mái nóc chùa Chén Kiểu có ba nếp, nếp dưới cùng lớn và nhỏ dần khi vút lên cao. Nếp phía trên có hình tam giác, hai đầu đao mỗi bên cong nguy nga. Mỗi nếp trang trí nhiều họa tiết và các tượng Khmer mang ước vọng bình yên, siêu thoát. Mặt sau chính điện là một mảng tường đắp nổi bởi nhiều mảnh chén kiểu vỡ đẹp mắt và sắc sảo.
Bước vào gian thờ chính điện, sẽ thấy quần thể gồm 20 tượng phật lớn, nhỏ đứng ngồi nhiều tư thế khác nhau. Tất cả được bố trí hợp lý, không gian tôn nghiêm luôn thơm mùi nhang khói.

Theo một vị sư trụ lâu năm tại đây thì chùa Chén Kiểu trước kia được cất bằng lá, có tên Khmer là "Sà Lôn". Chùa được xây cất vào năm 1815 trên nền đất rộng. Thập niên 60, chùa bị bom đạn phá hư hại và được xây lại như hiện trạng ngày nay.

Phần sau chính điện vì thiếu kinh phí nên được các nghệ nhân sử dụng mảnh vỡ chén kiểu đắp vào. Chùa có tên Chén Kiểu từ đó. Hiện nay ngoài tín đồ phật tử là đồng bào Kh’mer, chùa Chén Kiểu còn thu hút đông đảo khách du lịch tâm linh từ khắp mọi miền đổ về hành hương trong những dịp lễ vía Phật. Ngoài thắp hương cho lòng thanh thản còn được viếng cảnh chùa, xem nghệ thuật điêu khắc của nghệ nhân Kh’mer Nam bộ.

Du lịch, GO! - Theo Binhthuan online