Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ” cà phê Việt Nam, bởi ở đó có những vườn cà phê xanh bạt ngàn trên các triền đồi đất đỏ bazan luôn ngập tràn cái nắng, cái gió của Tây Nguyên huyền thoại.

Mảnh đất này cũng là nơi sản sinh ra những thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới để góp mặt vào thị trường của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ

Ðến với Đắk Lắk, cảm nhận đầu tiên và dễ thấy nhất của mỗi người đó là sự hiện diện của hàng trăm quán cà phê với đủ mọi phong cách kiến trúc và những đồi cà phê xanh bạt ngàn trên khắp mọi nẻo đường  vùng đất đỏ bazan trù phú này. Và bất cứ du khách trong nước hay quốc tế nào dù chỉ một lần đến đây cũng đều nhớ nằm lòng câu nói nổi tiếng của người Tây Nguyên, đó là: “Đến Đắk Lắk mà không uống cà phê thì coi như chưa từng đến vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam”.

Từ lâu, Đắk Lắk đã nổi tiếng với nghề trồng cà phê. Trong cơ cấu cây cà phê của Đắk Lắk, có đủ các loài cà phê như: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối (tên khoa học là robusta). Giống cà phê này đã được các chuyên gia quốc tế đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất đỏ bazan ở Đắk Lắk.

Nhiều năm qua, người trồng cà phê và các doanh nghiệp ở Đắk Lắk đã có những nhận thức sâu sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê. Điều đó thể hiện rõ ở chỗ họ đã chú trọng đầu tư vườn cây theo hướng bền vững và sản xuất cà phê sạch theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê của nhà nước áp dụng hệ thống công nghệ chế biến ướt, một quy trình chế biến cà phê hiện đại nhất thế giới hiện nay, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu.

Đặc biệt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện KHKT NLN) cũng đã tiến hành chọn giống cà phê theo hướng chọn lọc các dòng vô tính, với mục tiêu giống phải có năng suất cao, chín tập trung, kích cỡ hạt lớn, kháng bệnh gỉ sắt cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT NLN đã nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn thành công 9 dòng cà phê vối cho năng suất cao đạt từ 4,2 tấn đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Viện KHKT NLN còn xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận. Nhờ có giống cà phê tốt nên các huyện vùng trọng điểm cà phê của tỉnh như: Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Ea HLeo, Cư MGar đã luôn nâng cao được năng suất cà phê theo từng niên vụ, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn hộ gia đình.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nông dân và doanh nghiệp tập trung cải thiện hoạt động thu hoạch, áp dụng công nghệ kĩ thuật vào sản xuất, chế biến cà phê, tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức Lễ hội cà phê và các sự kiện liên quan đến cà phê như: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2005, lần thứ 2 năm 2008, Tuần lễ Văn hóa cà phê năm 2007, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 (10 - 13/3/2011) để thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam. Tại các sự kiện này, nhiều hoạt động sinh động đã được tổ chức như: giới thiệu mô hình nông trang cà phê, văn hóa thưởng thức cà phê, tái hiện các công đoạn sản xuất cà phê, tư vấn và tọa đàm về cà phê, triển lãm ảnh - tư liệu, các chương trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên...

Với những người đam mê cà phê, đây là cơ hội tốt để tìm hiểu lịch sử, văn hóa, phong vị, các bí quyết pha chế cũng như cách thưởng thức các loại cà phê nổi tiếng trên thế giới, trong đó có cà phê Đắk Lắk... Tất cả các hoạt động trên đều hướng tới mục đích nâng cao giá trị kinh tế của cà phê cũng như tạo ra một giá trị tinh thần, làm cho cà phê trở thành thức uống văn hóa có tính chất đặc biệt với hàng tỉ “tín đồ” thưởng thức mỗi ngày trên khắp thế giới.

Theo ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột thành thủ phủ cà phê toàn cầu của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, cà phê Đắk Lắk sẽ được sử dụng làm thương hiệu mạnh có sức quyến rũ toàn cầu, đồng thời thể hiện được hai nguyên lí cơ bản của tinh thần cà phê, đó là vừa sáng tạo vừa bền vững dựa trên một hình mẫu phát triển đô thị sinh thái mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên độc đáo. Để làm được việc này, Đắk Lắk sẽ tập trung phát triển ngành sản xuất và chế biến cà phê chất lượng cao bằng cách nâng cấp toàn diện ngành cà phê, xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại theo hướng phát triển sạch về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những thương hiệu cà phê nổi tiếng của Đắk Lắk như: Trung Nguyên, Thắng Lợi, An Thái… từ lâu thực sự đã đi vào tiềm thức những ai đam mê hương vị thơm ngon mang đặc trưng cà phê Việt trên khắp thế giới. Điều này giúp cho cà phê Đắk Lắk luôn có được một thị trường tiêu thụ rộng lớn, góp phần vào việc nâng sản lượng xuất khẩu cà phê nhân của cả nước mỗi năm lên đến hơn 1 triệu tấn. Nhờ đó, cà phê Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, vươn lên đứng hàng thứ hai trong số những quốc gia xuất khẩu cà phê trên thế giới, trong đó cà phê vối luôn chiếm vị trí số 1.

Du lịch, GO! - Theo VNP

Đắk Lắk: Nét đẹp xứ sở cà phê