Bằng Am thuộc xã Đại Hồng huyện Đại Lộc, có 4 con suối (suối Lim, suối Hóc, suối Hung, suối Nước Đỏ) quanh năm nước chảy cắt ngang qua địa hình tạo thành những thác nước kỳ vĩ. Nơi đây còn có những thảm cỏ xanh mượt như nhung, cát và đá cuội trông giống những viên bi trắng phau dọc triền suối. Xa xa là rừng xanh trùng điệp nguyên sinh, đồi núi nhấp nhô. Khi nhìn xuống, làng mạc tỏa khói lam chiều bên dòng sông Vu Gia xanh lờ mờ như một bức tranh phong cảnh hữu tình. Đặc biệt, có di tích Am Thông - nơi ngài Tùng Sơn qui ẩn với nhiều câu chuyện truyền miệng, nhiều truyền thuyết, giai thoại hấp dẫn.

Chuyện kể rằng: Không rõ vào thời nào, một vị nho sĩ đã đến ẩn tu tại đỉnh núi này. Ông đã dựng lên một cái am và ngày đêm tu luyện, chờ dịp xuống núi giúp đời. Song thời cuộc và tuổi tác đã không giúp ông toại nguyện. Một đêm sương giăng giăng trong ánh trăng bàng bạc, ông đã tịch trong am giữa lúc ngồi thiền định và người ông bỗng hóa đá.

Do sự bào mòn của thời gian, thời tiết nên đến nay không tìm thấy vết tích cũ. Đó là một trong mấy chuyện mà tôi được nghe kể lại khi đặt chân đến thắng cảnh này. Tất cả đều ít nhiều mang tính huyền thoại làm tăng thêm vẻ huyền bí của địa danh Bằng Am.

Cùng đi với tôi hôm ấy có Trưởng phòng CN - TM - DL Lê Tấn Ngọc. Khỏe, lanh lợi, với những bước chân thoăn thoắt, anh băng băng vượt qua những đoạn đường có độ dốc cao. Tôi phải gắng hết sức mình mới theo kịp anh. Tuy vậy, nhiều lúc anh phải dừng lại, giúp tôi vượt qua những đoạn suối gập ghềnh mỏm đá.

Vừa đi anh vừa giới thiệu về sự hấp dẫn của Bằng Am như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. Từ truyện dân gian kể trên, anh giải thích: Do đỉnh núi khá bằng phẳng lại có cái am của nhà ẩn sĩ dựng lên trước đây nên dân chúng đặt cho địa danh này cái tên Bằng Am. Đơn giản, dễ hiểu lại có tính gợi lại sự tích cũ, gây được ấn tượng cho nhiều người. Những số liệu cụ thể, rành rẽ cũng được anh dẫn ra.

Khu núi rộng khoảng 300 ha nằm trên dãy núi Đông Tây được tách ra từ dải Trường Sơn hùng vĩ, có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 700-750m, nay thuộc 2 thôn Phước Lâm, Phú Hữu, xã Đạt Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bằng Am cách Đà Nẵng và khu phố cổ Hội An 45 km, cách khu di tích Mỹ Sơn 35 km. Dọc chân Bằng Am là tuyến xuyên Á, quốc lộ 14B nối đường Hồ Chí Minh. Đường rất đạt tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc đi lại.

Bằng Am lại là nơi có khí hậu rất lý tưởng. Ban ngày thời tiết mát mẻ, ban đêm se lạnh. Nhiệt độ trung bình thường thấp hơn từ 8 - 10 độ C so với khu vực đồng bằng hay thành phố Đà Nẵng, hợp với mọi người cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Sáng sáng, chiều chiều những làn mây mỏng lững thững trôi qua đỉnh, du khách có thể đưa tay vờn bắt, đùa giỡn. Một quang cảnh gợi ý, sinh tình cho những ai mang tâm hồn thơ mộng.

Lê Tấn Ngọc vừa đi vừa tiếp tục câu chuyện một cách say sưa. Anh mô tả: Bằng Am có dạng lòng chảo, trảng bằng, xuôi dần về hướng Đông. Từ đỉnh nhìn về phía xa xa, những đồi núi hình vòng cung trải dọc, hình thành nên bức tranh phông màu xanh, chấm phá đôi nét tím vàng. Đẹp tuyệt. Diệu kỳ là hai con suối xuất phát từ rừng nguyên sinh quanh năm nước chảy trong xanh, cắt ngang qua đỉnh Bằng Am rồi từ độ cao đổ xuống thành những thác nước trắng xóa mang theo vẻ đẹp thiên thần.

Một trong những thác nước này đổ xuống Khe Lim, uốn lượn trải dài gần 2km tạo thành một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, thu hút được nhiều du khách từ nhiều năm nay. Cũng vì thế mà Khe Lim được ghép vào Bằng Am hình thành khu du lịch sinh thái Khe Lim - Bằng Am. Hiện nay, du khách muốn lên đến đỉnh Bằng Am, với đôi chân khỏe, cũng mất khoảng 2 giờ. Điều này đã hạn chế không ít đối với nhiều người muốn đến với điểm thiên nhiên kỳ thú này.

Đến đây, Lê Tấn Ngọc bỗng dừng lại trầm ngâm, vẻ bức xúc. Đoạn anh buột miệng: Con đường! Cần, cần lắm! Một con đường! Tôi chia sẻ nỗi niềm của anh bằng một thông tin có được: Chẳng phải năm nay huyện sẽ xúc tiến làm đường là gì? Giọng anh thấp xuống, tâm tình: Chưa đủ khả năng để tự mình gánh trọn. Với hơn 5 tỉ đồng mà huyện đang có chỉ có thể làm một đoạn khoảng từ 1,2 km từ chân núi lên đến chỗ dòng suối đổ xuống thành hồ.

Nơi đây, lâu nay, du khách nào đặt chân đến đều tỏ ra thích thú khi được ngả người trên những tảng đá lớn và tắm mát trong hồ nước. Từ đấy lên đến đỉnh còn hơn 6 km nữa. Càng lên cao, việc phá núi làm đường càng khó khăn, tốn kém. Hẳn không dưới con số hơn 50 tỉ đồng. Tỉnh, huyện đang trải thảm mời các nhà đầu tư. Đấy là chưa nói đến các cơ sở hạ tầng khác.
Lúc này chúng tôi đang đứng trước một cái hang rộng khoảng 3m, dài khoảng 5m, thông thống hai đầu được gọi là Cổng Trời. Lê Tấn Ngọc cho biết khi làm đường sẽ bảo vệ nguyên vẹn “di tích” này để một khi du khách vượt qua Cổng Trời sẽ có cảm giác như mình vừa giã từ hạ giới và đang đắm mình trong lĩnh vực thiên đàng!...

Vất vả nhưng cuối cùng chúng tôi đã lên đến đỉnh Bằng Am. Tôi phóng tầm nhìn ra bốn bên và nhìn về phía chân núi. Tất cả những gì Lê Tấn Ngọc vừa giới thiệu, mô tả đều chính xác nhưng quả chưa thể nào lột tả hết những nét hoang sơ, kỳ vĩ của một thắng cảnh tuyệt vời mà tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho con người.

Bỗng Lê Tấn Ngọc đứng sát lại bên tôi. Vẫn đề tài mà anh hằng ấp ủ, giọng phấn khởi tự tin: Một con đường hoàn chỉnh sẽ dẫn đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến đây. Con đường di sản miền Trung, di sản Đông Dương sẽ có thêm một điểm nhấn mà du khách khó có thể bỏ qua!

Tôi siết chặt tay anh cùng chia sẻ một niềm tin: Đến lúc ấy, Khe Lim - Bằng Am không chỉ là một khu du lịch sinh thái mà còn là một điểm dừng chân lý tưởng của bao đoàn lữ hành.

Theo TNO