Không chỉ khám phá những cảnh đẹp thiên nhiên đặc sắc ở Đông Nam Á, du khách người Mỹ, Jennifer Bleyer còn có những trải nghiệm tuyệt vời tại Việt Nam cùng cô con gái 10 tháng tuổi.

< Bé Yael được các cô lễ tân khách sạn bế ra đường dạo phố và giới thiệu với tất cả mọi người.

Dưới đây là bài viết của tác giả Jennifer Bleyer trên New York Times:
Ngay khi hạ cánh xuống TP HCM, chúng tôi bắt đầu quen với việc bé con của mình bỗng dưng “biến mất”. Tại một quán phở bên đường, người phục vụ “chụp” lấy cô bé từ vòng tay của chúng tôi ngay khi họ bưng hai tô phở nóng hổi ra bàn. Chúng tôi không nhìn thấy con bé cho đến khi bữa ăn ngon miệng kết thúc và tôi tìm thấy bé trong bếp, được vây kín bởi toàn bộ nhân viên nhà hàng.

Ở khách sạn nơi vợ chồng tôi nghỉ, bé Yael còn được chào đón nồng nhiệt hơn khi cô lễ tân tươi cười bế bé ra ngoài, đưa bé đi dạo khắp khu phố, giới thiệu với tất cả mọi người sống ở hai bên đường. Trong một khu chợ cũ ở khu phố người Hoa, chúng tôi đi đến đâu là một đám đông người tụm lại xung quanh, ai cũng muốn giơ tay chạm vào bé Yael.

Bất giác, tôi có cảm giác như cô con gái bé nhỏ của mình giống như một ngôi sao ca nhạc, được vây quanh bởi những fan hâm mộ, mặc dù cô bé tỏ ra khá bối rối không biết vì sao mình bỗng nhiên trở nên nổi tiếng như vậy.

< Một cụ già âu yếm bé Yael trên chiếc xe bus du lịch.

Tôi cùng chồng đến du lịch tại Đông Nam Á cùng cô con gái 10 tháng tuổi, Yael, theo lời khuyên của bạn bè, những người đã có con lớn, cảnh báo chúng tôi rằng nên đi du lịch ngay bây giờ nếu không muốn vất vả về sau. Họ miêu tả quãng thời gian từ khi mới lọt lòng cho đến khi chập chững biết đi, chính xác là từ 6-12 tháng tuổi là “cơ hội vàng” để đem một đứa trẻ đi du lịch tới bất cứ nơi đâu. “Hãy đi khi cô bé còn được bế trên tay. Cô bé sẽ giống như một bao khoai tây hay một chút hành lý mang theo khi đi du lịch mà thôi”, họ tha thiết đề nghị.

Bố mẹ chúng tôi băn khoăn thấy rõ tại sao “hành lý mang thêm” này lại không thể ở nhà với họ, thậm chí ông bà còn chắc chắn rằng Yael sẽ “có mặt” trên một thị trường buôn bán trẻ em theo kiểu “chợ đen” ở nơi nào đó trên thế giới. Bản thân tôi cũng cảm thấy có chút lo sợ khi ngày đi đến gần. Tuy nhiên, vợ chồng tôi vẫn đặt hy vọng rằng đi du lịch như thế này sẽ cho mình những trải nghiệm thú vị khi mang trên vai một sinh linh bé nhỏ.

TP HCM là điểm đến đầu tiên trong hành trình. Trên một chuyến xe bus đông người ì ạch chạy qua đồng bằng sông Mekong, Yael được chuyền tay từ người này qua người khác, mỗi người đều thơm vào má con bé hay véo yêu vào phần đùi mũm mĩm. Trên bãi biển Đà Nẵng, những người đàn ông rắn chắc nhảy múa trước mặt con bé như những chú linh dương, nhẹ nhàng cưng nựng và hít hà như thể Yael là một đóa hoa mùa xuân mới nở. Những sĩ quan quân đội ngực đeo đầy huân chương, các em học sinh mặc đồng phục, những người phụ nữ bán hàng rong, những cụ già có hàm răng nhuộm đen bóng vì ăn trầu quanh năm, tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi và xuất thân đều muốn có cơ hội được ôm ấp và thủ thỉ những lời nói yêu thương với con gái của chúng tôi.

< Yael được một người phụ nữ trên thuyền ra đảo Quan Lạn cho ăn vải và ngô luộc.

Chúng tôi nhận ra rằng sở dĩ người dân Việt Nam thân thiện với Yael như vậy, không hẳn vì con bé có mái tóc hoe vàng và đôi mắt xanh biếc mà bởi vì con bé là một đứa trẻ, như mọi đứa bé khác xuất hiện ở một nơi vô cùng mến khách và đặc biệt yêu quý trẻ em.

Những lo sợ ban đầu của chúng tôi dần dần tan biến. Ngược lại, Yael cực kỳ ổn, thậm chí là vô cùng hào hứng. Con bé trở nên “nghiện” tất cả các loại trái cây nhiệt đới mà con bé có thể cầm trên đôi bàn tay bé nhỏ: chôm chôm, măng cụt và đặc biệt là quả vải. Con bé nhìn thấy động vật hàng ngày: bò, gà, lợn, ếch, chim cu gáy và dê, mà trước đó chỉ được nhìn ngắm qua cuốn sách động vật ở nhà. Yale còn nói đến 6 loại ngôn ngữ khác nhau và thích thú khi nhận được sự quan tâm, âu yếm, nịnh nọt, chú ý của mọi người xung quanh từ sáng đến tối, một điều mà ở Mỹ, chỉ có những thành viên trong gia đình mới làm như vậy.

Khi gần kết thúc tour du lịch Đông Nam Á kéo dài hai tháng, chúng tôi chu du trên một chiếc thuyền nhỏ tới đảo Quan Lạn, nằm trên vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh, phía Đông Hà Nội. Một chiếc thuyền thấp bé, hình chữ nhật, với những chiếc rèm được chăng khắp thuyền để che nắng, chuyến đi kéo dài bốn tiếng với vận tốc khá chậm khiến chúng tôi đều muốn nhắm mắt. Khi chúng tôi đã quen với những hành khách trên thuyền, Yael lại tiếp tục chơi đùa trong tay những hành khách khác, còn vợ chồng tôi nằm dài trên ghế gỗ và ngủ gà ngủ gật.

Mỗi khi tỉnh dậy, chúng tôi nhìn thấy những người phụ nữ đang cho con bé ăn vải và ngô luộc, hay bế con bé ra sát cửa sổ để nhìn ngắm mặt trời sáng chói trên nền nước biển xanh như pha lê. Có lúc, chúng tôi bắt gặp Yael đang ngồi ngoan trong vòng tay của thuyền trưởng, đôi bàn tay con bé đặt trên chiếc bánh lái của tàu, cười khúc khích và há hốc mồm trước đường chân trời và khung cảnh tuyệt đẹp hiện ra trước mắt.

Theo Datviet