Đó là phiên chợ ở địa đầu cực bắc. Đó là phiên chợ mà đã tới một lần bạn lại muốn được quay về. Đó là phiên chợ nơi bạn sẽ thấy những niềm vui và nỗi buồn, những hạnh phúc và cực nhọc khó khăn của đồng bào dân tộc trên rẻo cao…

Chợ phiên Đồng Văn họp mỗi tuần một lần vào chủ nhật tại trung tâm thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chợ là nơi giao thương và giao lưu của rất nhiều đồng bào người Mông, Hán, Dao, Giáy, Tày... sống ở nơi địa đầu cao nguyên đá.
Chợ nằm nép mình dưới chân núi Đồn Cao, bên cạnh là khu phố cổ Đồng Văn đã trở nên nổi tiếng bởi nét kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà trình tường. Chợ bày bán tất cả những hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của con người nhưng theo cách rất dân dã và mộc mạc.

Rau cả gùi xanh mướt. Thịt lợn, thịt trâu bò treo cả con hoặc những súc lớn. Súc vật như chó, lợn, gà, bò, ngựa được cắp nách hay dắt bộ xuống chợ nom như một người bạn đồng hành. Nông cụ lao động, quần áo, hóa mỹ phẩm... nhìn chung đầy đủ, không thiếu thứ gì.

Nhưng có lẽ vui và hấp dẫn nhất cả người đi chợ lẫn người đi chơi chợ chính là các quán hàng bán đồ ăn và uống rượu.
Các quầy bếp luôn đỏ lửa, nước dùng sôi ùng ục, bốc hơi béo ngậy. Các chảo mỡ rán bánh kêu xèo xèo, rộn ràng trước ánh mắt của các cô bé, cậu bé. Các bếp nướng bánh gạo quạt than tay, những thúng xôi màu hơi nóng làm mờ cả khuôn mặt người bán hàng trên khuôn hình.

Những quán rượu bên lò thắng cố rừng rực, đám đàn ông con trai tụ tập mời nhau chén rượu, điếu thuốc lào. Đến tan chợ phiên thế nào cũng có vài anh chàng say khướt nằm ngủ lăn lóc trên sạp hàng hay bên vệ đường trong lúc trở về nhà.

Bất kỳ chỗ nào, bất kỳ nơi đâu bạn cũng thấy những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi được đến chợ của người dân vùng cao, người bán, kẻ mua, người chơi, kẻ ngắm…

Bất kể là ai dù được diện những bộ cánh xinh đẹp hay mặc áo rách vá vai, váy áo cũ màu và đi đôi giày há mũi… cũng đều bỏ lại sau lưng chặng đường dài đi bộ để đến chợ, bỏ lại bể nước ngọt đã cạn khô ở nhà, những thửa ruộng nhỏ xíu lẫn trên cao nguyên đá, nơi mà ngô lúa phải lựa từng chỗ, gạn từng giọt nước để nảy mầm…

Mỗi tuần qua họ lại đến chợ một lần, để được mua bán và được vui cười.

Góc chợ đầu khu phố cổ là nơi tập trung của cánh đàn ông với những lồng chim choàng khăn đỏ. Có kẻ bán, có kẻ mua nhưng chủ yếu là người chơi đứng lố nhố dưới rặng cây và ngửa cổ cùng nghe đám chim chóc ríu rít treo trên đầu.
Góc chợ cũng là nơi có những chiếc máy khâu giày luôn hoạt động hết công suất trong ngày phiên. Mấy chàng trai làm việc luôn tay, giày mới khâu cho chắc, giày cũ khâu vá, sửa lại để sử dụng được lâu hơn, chả mấy khi vắng khách. Bên cạnh thế nào cũng có vài cụ già ngồi trầm tư bên đống giấy bản trang trí nhà, thứ hàng hóa chỉ đắt hàng mỗi độ xuân về.
Góc chợ ấy cũng là nơi mà cánh đàn bà bán rượu đứng xếp hàng bên nhau chờ người mua đến thử, tiếng nói cười, mặc cả mua bán rộn ràng.
Góc chợ nằm về phía đồn biên phòng và nhà khách ủy ban xã lại là nơi tập trung bán trâu, bò, lợn, gà nguyên con, hàng còn đang sống. Con nào con nấy được xích vào một sợi dây, đứng ngồi lố nhố cùng chủ hàng.

Cảnh cắp gà, dắt lợn đi long rong trên đường khiến nhiều lữ khách cảm thấy rất thú vị và có chút gì đó hơi nghẹn ở trong lòng. Nhưng đó lại là những kỷ niệm khó quên nhất mỗi khi nghĩ về phiên chợ Đồng Văn.

Cổng chợ là nơi bán rau xanh và hoa quả. Cánh phụ nữ cứ gùi từng gùi đầy ăm ắp, cải mèo, ngô bắp, đậu răng ngựa… đứng túm tụm bên nhau. Cánh thanh niên quây quần bên dàn xe máy xếp dọc phố, áo chàm đen chín nút, mũ nồi đội đầu, khăn len quấn cổ.

Người Mông ở Đồng Văn có một chiếc khăn dài nhiều dải màu rất đẹp và đặc biệt bởi là vật cha truyền con nối. Khăn có màu hơi cũ xỉn và nếu mua được khăn xịn thì sẽ phải trả hàng triệu đồng. Có một số loại tương tự đã được làm nhái và bán rẻ hơn từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn. Khăn màu càng tươi mới thì càng không phải là khăn thật.

Mấy cô du khách đến Đồng Văn thường tìm mua khăn vuông choàng đầu màu xanh, đỏ, cam hoặc kẻ sọc của đám đàn bà con gái, những mong tìm cho mình được sự hồn nhiên, trong trẻo và mộc mạc của người vùng cao…

Tôi luôn bị đánh thức bởi những âm thanh giản dị của phiên chợ mỗi sớm mai, khi trời vẫn còn mờ hơi sương và những người dân vùng cao đang bước vội vàng trên triền núi.
Tôi ra chợ từ khi còn vắng người, từ khi người bán hàng mới bắc bếp, nổi lửa hay dọn hàng. Nhiều bà con đã đến chợ từ rất sớm tụ tập sưởi lửa hay nói chuyện vãn trong lúc chờ đợi.

Tôi chờ mặt trời lên trong ngày nắng, chờ ánh sáng âm u trong ngày đông giá lạnh… rồi men qua phố cổ, theo con đường vắt qua khe núi hay con đường như dải lụa đào trên cánh đồng Đồng Văn…
Tôi ngồi đó và ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn những bước chân quấn xà cạp và váy áo lấp lánh ngang qua trước mặt mình, ngắm nhìn sự vội vã của bà mẹ địu con, cái thong dong của anh chàng dong lợn xuống chợ, cái tíu tít hồn nhiên của đám trẻ con...

Tất cả đọng lại trong tôi thành những ký ức quá đỗi ngọt ngào… để ước mỗi năm ít nhất một lần tôi lại được tìm về phiên chợ Đồng Văn…

Theo Tuoitre.com.vn