Vị ngọt đậm đà của nước dùng hòa cùng độ giòn sừn sựt và vị thanh mát nhã nhặn của sứa khiến món bún sứa như chạm sâu đến tận tâm can người thưởng thức.
Và như mọi món ngon khác, bún sứa cũng góp mặt vào nền ẩm thực phồn thịnh của Sài Gòn. Nhưng điều đặc biệt, hầu hết các hàng bún sứa ở Sài Gòn đều tự xưng rằng quán mình có xuất xứ từ Nha Trang. Có lẽ món ăn này được chuộng nhất ở Nha Trang chăng?

Từ Nha Trang xứ biển
Có lẽ, bún sứa khởi nguồn từ món bún cá mà cũng hầu hết các tỉnh miền Trung từ Phan Thiết trở ra đều có. Nên trong bát bún sứa "đúng điệu" vẫn phải có lát chả cá hấp, lát chả cá chiên và cả ít lạc cá thu trắng ngần, chắc nụi. Có thể ban đầu, sứa chỉ thêm vào như một nguyên liệu lạ để gia tăng sự thú vị cho thực khách, lâu dần, bún sứa "tách" hẳn ra thành một món mới, nổi tiếng không kém món bún cá cũ, thậm chí còn gợi sự tò mò của khách phương xa hơn cả bún cá.

Bún sứa thường cũng lấy nước dùng hầm từ xương cá thu. Nước dùng ấy cứ trong veo veo mà vị ngọt lại đậm đà, húp một miếng như thấy cả tinh hoa xứ biển. Cá chỉ cho ra vị nước dùng ngọt thanh thanh thôi, nhưng bí quyết làm cho nồi nước ấy thêm đậm đà là nêm bằng ruốc. Còn làm thế nào để nước dùng không tanh mùi cá mà cũng chẳng khẳn mùi mắm ruốc, ấy lại là cả một bí mật mà các hàng bún sứa, không dễ ai truyền nghề cho ai.

Nếu nói như vậy thì bún sứa cũng chỉ như bún cá là cùng. Có điều, riêng tên gọi đã nói lên tất cả, dù thường chỉ thêm vào rón rén vài ba miếng trong cả tô bún thôi, nhưng những lát sứa khiến món ăn rộn ràng, thú vị hẳn lên. Là vì những miếng sứa ấy cứ giòn bần bật trong miệng. Cái độ giòn kì lạ của sứa, vừa như sụn mà lại mềm hơn sụn, vừa như gân mà lại không dai bằng gân. Người ăn quen sẽ nhận ra đó là sứa chân, chắc nụi và giòn rụm. Sứa tai thường nhão hơn, nhiều nước hơn, ăn cũng nhạt và kém giòn nhiều lần.
Tô bún sứa đúng kiểu trình bày cũng vô cùng thanh thoát. Một hai múi cà chua màu đỏ, ít chả cá vàng ruộm, sứa trắng trong, bún trắng sứa, rắc thêm ít hành xanh xanh nữa đã đủ khiến thực khách phải hít hà thèm thuồng. Lại còn mùi thơm "chết người" của nước dùng. Tô bún cứ nóng hôi hổi, bốc khói nghi ngút. Những ngày se se lạnh cuối năm này, ăn bát bún sứa thanh cảnh mà nồng nàn thì không còn gì bằng, húp tới đâu nghe ấm lòng tới đó.

Trên bàn ăn sẽ có thêm ít tỏi tươi, ớt nguyên quả, chanh xắt miếng, lọ mắm ruốc và lọ ớt sa tế. Ai ăn thế nào thì nêm thế ấy. Rau sống khá đa dạng với xà lách, rau chuối, giá sống, bắp cải và các loại rau thơm. Trừ giá và rau thơm, tất cả đều thái ghém thật mỏng để tăng phần hấp dẫn cho món ăn.

Bún sứa ở Nha Trang bán nhiều ở Dốc Lết. Ngoài ra còn có ở đoạn giao Bà Triệu -Yersin. Riêng hàng bún ở Phan Bội Châu thì lại thêm cả tôm, thịt, cua, người thích ăn thanh cảnh thường ít chuộng. Là một món ăn mang cả niềm tự hào của người Nha Trang, bún sứa có mặt ở khắp ngóc nghách xứ biển này.

Đến Sài Thành phồn hoa
Nếu người viết không lầm, bún sứa có mặt ở Sài Gòn cách đây khoảng 10 năm. Hàng bún sứa đầu tiên mở trên đường Huỳnh Văn Bánh, quán nhỏ xinh, bàn ghế thấp, chủ quán rất thân thiện, hiếu khách. Về sau, quán chuyển qua Trần Huy Liệu, rồi mở thêm chi nhánh, rồi thêm rất nhiều hàng bún sứa khác mọc lên ở đất Sài Thành.

Người Sài Gòn có phần thiệt thòi khi thưởng thức món bún sứa, vì nhiều nơi không có được sứa tươi nên đành dùng sứa muối, màu vàng ngà, hơi dai, ăn chán hẳn. Nhưng những năm gần đây, giao thông thuận lợi hơn, cách bảo quản cũng tốt hơn, sứa tươi ở Sài Gòn cũng không còn hiếm hoi như trước nữa. Hầu hết các hàng bún sứa nổi tiếng đều dùng sứa tươi, rất dễ phân biệt bởi màu sắc trong veo, độ giòn lý tưởng.

Bún sứa ở Sài Gòn bán cũng không nhiều, có thể vì phần tìm kiếm nguyên liệu không dễ, tất cả đều phải chuyển từ Nha Trang vào. Nhưng điểm đặc biệt là hầu hết các hàng bún sứa, dẫu là món ăn đường phố, quán nhỏ và chẳng trang hoàng gì, tất cả đều gọn ghẽ, ngăn nắp và sạch sẽ chu đáo đến lạ thường.

Theo Món Ngon Việt Nam