Lâu nay, các nhà khảo cổ học thường nhắc nhiều đến quần thể di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam hay những ngọn tháp sừng sững bên trời của Bình Định mà ít đề cập đến thành cổ Châu Sa ở trong khi đây gần như là thành Chămpa duy nhất còn sót lại.
Tại Quảng Ngãi có một thành cổ được đắp bằng đất của người Chăm: Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.

Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, X thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa được người Chăm xây vào thế kỷ thứ IX, đến đời Lê tiếp quản và gia cố thêm vào thế kỷ XV. Chu vi chừng 4km vuông, mặt thành rộng 4m, cao 6m, được đắp bằng đất.
Những cuộc chiến tranh liên miên cộng với thời gian một ngàn năm đã làm cho thành cổ này gần như bình địa nhưng những gì còn lại sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu hình dung được phần nào tính quy mô của thành. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m... và là thành bằng đất duy nhất của người Chămpa được phát hiện tại miền Trung.

Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (do người Chăm rất giỏi thuỷ chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn).

Châu Sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm điểm xây thành. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nổi với Cổ Lũy vốn là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ở đây là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới.

Ở gọng thành phía đông ngày xưa vốn là nơi sản xuất gốm. Qua khai quật người ta đã tìm thấy ở đây nhiều loại gốm với chủng laọi văn hoá khác nhau. Ở vùng của biển Sa Kỳ và bến sông Vực Hồng vùng Thu Xà cũng tìm được những mảnh gốm có cùng niên đại với Châu Sa. Ðiều đó đã nói lên sự giao thương mở rộng giữa thành cổ với khu vực phụ cận qua mạng lưới đường thuỷ.

Ngoài ra người ta cũng phát hiện ra nhiều hiện vật gốm cổ như thẻ bài để đeo trên người gọi là "cút". Các "cút" này dày 1cm, bề ngang 5cm và dài chừng 7-10cm. Cách thành Châu Sa chừng 500m có tháp cổ Gò Phố là nơi hành hương của các tín đồ Bàlamôn vào những ngày lễ. Trong thành cổ người ta còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn.
Năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp Henry Parmentier đã phát hiện ra thành Châu Sa gồm toàn bộ phần đất của thành nội ngày nay và một “càng cua” ở phía đông. Ông tình cờ phát hiện trong khuôn viên của viên công sứ người Pháp ở Quảng Ngãi có một tấm bia mang nội dung ca ngợi công đức của vua Chămpa Indravacman II cùng xuất xứ của tấm bia này.

Năm 1988, Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) phát hiện thêm một “càng cua” nữa ở phía tây thành. Còn Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi thì phát hiện thêm thành ngoại của Châu Sa, hiện vẫn còn thành đất dài 6km.

Vào khoảng cuối thế kỷ XV, người Việt tiếp quản thành Châu Sa và đặt trụ sở hành chính tại đây, cai quản thừa tuyên Quảng Nam (Từ Quảng Nam đến Phú Yên). Người ta đã phát hiện tại thành cổ này một con triện bằng đồng từ thời nhà Lê cai quản vùng đất này. Con triện hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử TP. HCM.

Đáng tiếc là ngành văn hóa quá chậm chân trong việc công nhận di tích này để có cách can thiệp cần thiết nhằm ngăn chặn việc đào thành của người dân để làm nền nhà. Sự việc này diễn ra trong nhiều chục năm, mãi đến năm 1994 thì chấm dứt sau khi Châu Sa được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, suốt 12 năm nay, Châu Sa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như nó đã từng chịu trận suốt một nghìn năm qua.

Tổng hợp từ web Quangngai, TTDL, mangxahoi.ohavi...