Rời TP HCM vào buổi sáng nắng nhẹ, chúng tôi hướng về Côn Đảo, địa danh với 16 hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Càng đến gần Côn Đảo, trong lòng chúng tôi chúng tôi càng cảm thấy rạo rực, xen lẫn cảm giác hồi hộp, khó tả.

Khi cơ trưởng chuyến bay thông báo máy bay chuẩn bị hạ độ cao để đáp xuống sân bay Côn Sơn thì chúng tôi không ai bảo ai đều cố nhoài người nhìn ra ngoài qua những khung cửa sổ nhỏ để ngắm nhìn quang cảnh phía dưới.

Côn Đảo đã hiện ra ngày một rõ trong mắt chúng tôi. Nhìn từ xa ở trên cao, Côn Đảo trông như một chú gấu biển dũng mãnh đang săn mồi. Không hiểu để chào hòn đảo thân yêu hay để chiều lòng du khách, chiếc máy bay trước khi đáp còn luợn một vòng trên không trung. Nhờ vậy chúng tôi có thể chỉ cho nhau xem những đàn sơn dương đang nhảy trên vách đá dựng đứng hay từng đàn chim quây quần trên ngọn cây khu rừng phía dưới.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Côn Đảo là một hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ. Biển xanh ngắt và những bãi cát trãi dài, trắng mịn óng ả hiện ra dọc đường chúng tôi đi về trung tâm thị trấn.

Không khí trong lành cùng với tiếng sóng biển rì rào khiến mọi người đi dường như quên hết mệt mỏi, thay vào đó chỉ còn thấy tiếng nói cười và những lời khen tặng dành cho cảnh đẹp của hòn đảo nhỏ này.

Thị trấn Côn Đảo rất nhỏ, kể hết cả dân và lực lượng vũ trang thì chỉ khoảng 5000 người mà thôi, không bằng một phường của Sài gòn. Chính vì ít dân nên người Côn Đảo có những thứ mà người trong "đất" có mơ cũng không có:

Những con đường sạch sẽ đáng kinh ngạc và vắng, thật hiếm khi thấy một chiếc xe hơi hay hàng đoàn xe máy. Không cảnh sát giao thông, không kẹt xe, không khói bụi và ồn ào. Thị trấn mơ màng dưới bóng những cây bàng cổ thụ và những bờ tường rêu phong.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến là Nhà Chúa Đảo, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đây là nơi thực hiện sự cai quản hà khắc của 53 đời Chúa đảo, trong đó có 39 đời Chúa đảo người Pháp và 14 đời Chúa đảo người Việt.

Hiện nay nơi đây là Nhà trưng bày di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Những bức ảnh, những hiện vật ở đây tái hiện lại một phần sự áp bức, tra tấn dã man mà các chiến sĩ cộng sản phải chịu đựng trong thời gian bị giam cầm tại đây. Trước khi rời nhà trưng bày, chúng tôi còn được nhận một chiếc huy hiệu lưu niệm do những nữ nhân viên ở đây tự tay đeo cho mỗi người cùng với lời cảm ơn và hẹn gặp lại.

Cạnh nhà giam cầm “buồng đơn” và “buồng đôi” còn thấy được tấm bia ghi những dòng suy tư của cụ Phan Bội Châu với bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn”:
“…Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể chuyện con con...”

Sau khi rời nhà Chúa đảo, chúng tôi được đi tham quan hệ thống nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ở bên ngoài, nắng vẫn chói chang, nhưng trong khu trại giam, tất cả, kể cả thời gian dường như ngưng đọng lại, tất cả toát lên một vẻ tăm tối và âm u mà những ai yếu bóng vía chắc chắn không khỏi ớn lạnh.
Đến với Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hơn hai vạn tù nhân đã nằm xuống nơi này. Chúng tôi thật xúc động khi được tận mắt nhìn thấy hàng ngàn ngôi mộ chỉ đơn giản có một tấm bia đỏ gắn ngôi sao vàng năm cánh, bởi vì các chiến sĩ hy sinh mà giờ đây không thể tìm được tên tuổi để trả lại cho các anh, các chị.

Con đường đẹp nhất Côn Đảo là đường Tôn Đức Thắng chạy dọc ven biển với hàng cây bàng có tuổi hàng trăm năm ngăn cách một bên là các khu nhà nghỉ khách sạn và một bên là bãi biển tuyệt đẹp. Sáng sớm và chiều tà là những lúc ta thấy con đường có thưa thớt người tập thể dục buổi sáng hay hóng gió biển. Nó giống như một con đường dành cho người đi bộ. Không hàng rong không ồn ào. Nếu bạn có một chai rượu và nằm ngắm bầu trời đêm Côn đảo với muôn ngàn vì sao trên nền trời đêm đen thẫm thì thành phố và những lo toan sẽ lùi xa và hư ảo. Cuộc sống ở đây chỉ có những gì tối cần thiết trong một khung cảnh thiên nhiên mỹ lệ .

Mặt biển với ánh trăng lấp lánh như dát bạc, từng đoàn thuyền với soi đèn đánh cá ngoài khơi nhìn như những ánh sao nhỏ xíu nơi chân trời. Đêm hôm đó, chúng tôi cứ thao thúc mãi dường như không ai muốn ngủ để tận hưởng trọn vẹn cái khoảng khắc ngọt ngào và êm đềm này.

Nếu nghĩ rằng ra Côn đảo ta sẽ được ăn hải sản thoải mái thì bạn đã nhầm to đó. Cả Côn đảo chỉ có 57 hộ dân làm nghề chài lưới và mang tính tự cung tự cấp nên rất khó để có được một bữa ăn hải sản đúng nghĩa. Người ta có thể mua được hải sản ngon ở bến đầm nhưng vấn đề là chế biến vì ở Côn đảo không có một nhà hàng nào tạm được. Chỉ duy nhất có Tư kỳ là nơi có bể nuôi hải sản tươi sống nhưng cũng rất ít loại. Quán Dê lang thang ở sau kho bạc là một địa chỉ nên đến vì bạn có thể thưởng thức thịt dê đúng là thịt dê và thịt heo mọi. Những ngày ở Côn đảo tôi toàn đến quán này. Ở đây còn bán cả đồ quốc cấm nữa là trứng vích và thịt vích ?! Ở Côn đảo còn một thứ cũng hiếm là rau xanh. Bạn chỉ có rau muống và rau mùng tơi là những thứ trồng được trên đảo. Cũng hơi ngộ ngộ nếu bạn ăn lẩu sườn dê với rau muống.

Côn đảo có một đặc sản là nhân hạt bàng, gói thành từng gói bán cho du khách. Ai cũng khen ngon và nhiều người thậm chí còn không biết đó là cái gì. Nếu bạn mua về làm quà thì đó là một thứ đặc biệt nên mua.

Để đi chơi xa bạn có thể mướn xe máy cả ngày và không cần đổ xăng, còn đi trong thị trấn thì chẳng có nơi nào xa quá mà không đi bộ được. Nếu lỡ xe có hỏng bạn cứ để xe đó và đi về sẽ có người đến lấy sau, xe để ngoài đường không cần khóa ở bất cứ đâu trên đảo.

Ở đảo có cafe, có quán chè có TV DTH nhưng những thứ đó không quan trọng khi bạn đến Côn đảo để tìm sự quên lãng.Có một nơi không thể bỏ qua khi đến Côn đảo là hồ An hải. Một hồ nước ngọt quanh năm có nước và phủ đầy hoa súng. Sáng sớm hoa súng nở đầy mặt hồ rất đẹp.

Tôi đã đi hết các bãi biển miền trung, ra Phú Quốc nhưng không ở đâu tôi thấy đẹp như Côn đảo. Trên hết tất cả là chỉ có ở Côn Đảo ta mới có được sự vắng vẻ và yên tĩnh cần thiết cho một kỳ nghỉ dù là một mình hay có đôi. Không có các dịch vụ du lịch thường thấy nên ở Côn đảo ta có thể hoà mình một cách thật sự vào thiên nhiên.
Mấy ngày về nguồn nhanh chóng trôi qua, chúng tôi lưu luyến tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt những tán lá bàng biển rợp bóng mát mà tấm lòng của chúng tôi sẽ còn lưu lại mãi nơi đây. Và trời hôm ấy xanh, xanh lắm. Xanh như những ước mơ mà chúng tôi đã mang theo khi rời mảnh đất lịch sử này...

Theo VnExpress, Printmediavn + internet