Núi Tà Cú là điểm leo núi hấp dẫn, một thắng cảnh kỳ thú của đất Bình Thuận. Núi Tà Cú cao gần 650m nằm ven quốc lộ 1A thuộc xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, cách Phan Thiết 30km về phía nam. Phong cảnh nơi đây thật hữu tình với bờ biển dài, đá núi muôn hình, rừng xanh bao quanh tạo cho Tà Cú thêm uy nghiêm, hùng vĩ. Nơi đây có khu du lịch rộng hơn 250.000 m2 vơi rừng, núi và biển với quần thể sinh thái phong phú.

Có 2 cách để khách du lịch muốn lên đỉnh núi này là đường bộ và cáp treo. Nếu quyết đinh leo bằng đường bộ: bạn cần ăn mặc gọn gàng, đủ ấm, mang giày dép nhẹ và đem theo đủ nước uống.
Đoạn đường bộ lên núi Tà Cú có chiều dài khoảng 2.250m đường dốc cheo leo, khúc khuỷu với những bậc đá chông chênh. Có lẽ rất ít người theo con đường này nên nhiều nơi cây cỏ bắt đầu vươn ra che khuất lối mòn.

Chỉ vài trăm mét đầu tiên, du khách sẽ bắt gặp những dòng suối nhỏ nước trong vắt mát lạnh len qua những hòn đá cuội rồi tuôn chảy xuống sườn núi tạo nên một hình ảnh kỳ thú giữa cánh rừng bạt ngàn.

Đi được khoảng 1 cây số sẽ bước vào những đoạn dốc cao nhất, bước chân du khách sẽ như đeo chì nặng trịch nhưng bù lại có thể ngắm nhìn những thân bằng lăng cổ thụ cao vút, nghe tiếng chim ríu rít hót vang như điệu nhạc và dường như dễ thở hơn bởi không khí lành lạnh.
Đường đi sẽ dễ dàng hơn khi cách đỉnh 1.250m, lúc này khách có thể vừa đi vừa chiêm ngưỡng trời xanh thoắt ẩn, thoắt hiện qua những tán rừng và thung lũng mờ ảo bởi màn sương bên dưới. Khung cảnh thật hùng vĩ và nên thơ của núi rừng.
Nơi đến là điểm giao nhau của lối leo núi bằng đường bộ và cáp treo, từ nơi này lên chùa và đỉnh núi còn vài trăm bậc thang nữa.

Với du khách không đủ sức leo núi thì có thể đi cáp treo (hic, tôi chọn cách này). Tại đây có tuyến cáp dài 1.600m, cao 505m với 35 ca-bin đóng mở tự động có thể phục vụ hàng ngàn khách mỗi giờ. Có hai nhà ga: nhà ga cáp dưới, nhà ga cáp trên, một quảng trường và những khu phụ trợ rộng rãi, khang trang cùng lúc có thể phục vụ hàng nghìn khách du lịch.

Sau khi mua vé, chúng tôi bước vào nhà ga dưới trình vé rồi bước vào cabin khi nó chạy chầm chậm qua góc cua và tự động mở cửa.
Tiếng cóc cách rồi ầm ầm khi cabin móc vào cáp nhưng rời khỏi ga, sự im lặng dịu kỳ sẽ bao phủ ngay. Chúng tôi được đưa lên cao dần, cao nữa - Bên ngoài là một khung cảnh thiên nhiên với núi rừng rộng mở bao la vô cùng. Nhìn xuống phía dưới, cabin lướt trên những ngọn cây dong hoa đỏ rực hòa với tiếng hót lanh lãnh của nhiều loài chim khiến những người lữ khách cảm thấy thật thư giãn và dễ chịu.

Lỗ tai bắt đầu nghe lóc bóc do áp xuất không khí giảm dần khi lên cao. Gió dìu dịu vi vu qua các khoảng trông trên cửa kính, tôi nhìn thấy xa tí ngoài kia là biển Hàm Thuận Nam, bên trái là ngọn hải đăng Kê Gà nổi tiếng có hơn 100 tuổi, hằng ngày vẫn cần mẫn hướng dẫn tàu, thuyền đi lại trên biển ban đêm an toàn.

Đến nhà ga phía trên rồi, cabin chần chậm vào cua rồi tự động mở cửa để chúng tôi bước xuống. Vượt qua hàng trăm bậc thang đá nữa thì đến chùa Núi. Đây là cụm di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật văn hóa. Hơi tiếc là ngay trong dịp chúng tôi đi thì chùa đang trùng tu nên còn rất bề bộn dù quang cảnh chùa vẫn toát lên vẻ trang trọng, linh thiêng.

Nơi này là cả một quần thể gồm di tích "Song Lâm Thị Tịch" với tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn (nghe nói lớn nhất Ðông Nam Á, dài 49m, cao 11m) và nhóm Tam Thế Phật đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Sử cũ nơi này có ghi lại: tác phẩm tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn do ông Trương Đình Ý chủ trì được tạo tác từ năm 1958 đến 1962 do công sức lao động của con người, không có máy móc hay cần trục, cùng với sự hỗ trợ của đông đảo Phật tử khắp các tỉnh miền Nam. Đó là công việc thầm lặng, không phô trương, chỉ có niềm tin vượt lên trên mọi trở ngại của núi rừng. Xung quanh pho tượng là rừng cây xào xạc

Leo lên hàng trăm bậc đá, vãn cảnh chùa, thăm hang động, du khách còn thấy những giò lan rừng nở đầy hoa, thơm ngát, vắt vẻo trên những cây dầu, cây bằng lăng... trong rừng nguyên sinh. Khuôn viên nhà chùa trên núi vừa rộng, vừa mát có nhiều ghế đá, ghế gỗ là nơi ngồi để tận hưởng ngọn gió trong lành từ biển. Khách có thể rửa mặt từ những vòi nước trong vắt, mát rượi từ núi chảy ra và nghỉ ngơi ở đây.

Du lịch núi Tà Cú có thể kết hợp trong một chuyến tham quan nhiều nơi khác, ví dụ như tour Thày Thím - Cổ Thạch - Tà Cú... để tạo ra nhiều thích thú khó quên trong lòng khách du lịch.

Điền Gia Dũng
Có dùng thêm thông tin từ báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ + ảnh internet