(QĐND) - Đồng nghiệp Việt Hà rủ: “Đi công tác Bạc Liêu không bạn ơi? Dưới đó có thằng em hay lắm, trước vốn là chiến sĩ nghĩa vụ ở Quân khu 9”. “Vậy thì lên đường thôi”, tôi hào hứng.

Việt Hà và tôi khởi hành vào một ngày trời mưa tầm tã cuối năm, đã thế, chiếc xe máy Wave như muốn thử lòng người nên đi chưa đầy 3 cây số mà thủng săm hai lần. Trong lúc đợi vá săm, Việt Hà bảo: “Trưa nay anh em mình đến chơi nhà Võ Văn Hậu ở ấp Phước Thọ Tiền, xã Phước Long (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Em nó chu đáo lắm, kêu hai anh cứ vô nhà là thết đãi đâu ra đấy”.

Con đường từ TP Cần Thơ đi Bạc Liêu thật đẹp. Hai bên đường là những cánh đồng cò bay mỏi cánh, xông lên mùi ruộng đất nhờ trận mưa.

Nhà Hậu không khó tìm như tôi hình dung, nhưng bất ngờ là gần 12 giờ trưa mà chưa thấy chủ nhà chuẩn bị cơm nước gì cả. Ái ngại, tôi hỏi Việt Hà: “Bạn này, sao bảo cậu này hiếu khách. Hay chúng mình rủ em nó ra quán cho vui?”. “Từ từ bạn ơi. Ở đây khách quý đến nhà chơi, thích món gì kêu chủ nhà làm món đó họ mới sướng”. “Ôi trời, thế sao không gọi điện từ lúc đi đường, kêu rau dưa vài món cho nó nhanh”.

Lát sau, hai anh ruột của Hậu là Võ Văn Tùng và Võ Quốc Việt sang nhà, chào chúng tôi: “Biết hai anh từ xa vô chơi nên anh em chúng tôi sang chào. Chúng tôi cơm nước xong từ lâu rồi, tí nữa em Hậu sẽ chuẩn bị cơm trưa cho hai anh. Các anh cứ vô công việc, chiều tối mấy anh em mình ngồi với nhau vui vẻ nhé!”.

Nhà Hậu cùng các anh Tùng, Việt đều là nông dân thứ thiệt ở đất Phước Long. Là em út nên Hậu được bố mẹ ưu ái chia 1,5 mẫu ruộng (1,5ha), trong khi anh trai chỉ được 1 mẫu ruộng. Một năm trời thương thì nuôi được 2-3 vụ tôm và trồng được một vụ lúa, cũng kiếm ngót 150 triệu đồng. Ngồi ăn cơm trưa, tôi được biết ruộng nhà Hậu ở cánh đồng chó ngáp. Địa danh này tôi có nghe qua vài lần nhưng chưa được "thực mục sở thị”. Biết vậy, Hậu gợi ý: “Hay là ba anh em mình ra cánh đồng chó ngáp chơi nhé, em đã bảo mấy chú ngoài đó chuẩn bị trước rồi”. Vợ Hậu thực hiểu chồng, chẳng biết từ lúc nào đã đưa đồ nhậu xuống vỏ lãi, thế là ba anh em xuống kênh phi vỏ lãi thẳng tiến đến cánh đồng chó ngáp. 

Cánh đồng chó ngáp tiếp giáp với 3 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Vùng đất rộng hàng nghìn héc-ta này cơ man những đìa tôm, đồng lúa bạt ngàn. “Khó có nông dân nào có thể đi bộ một lèo xuyên qua cánh đồng rộng lớn này. Đến chó là loài chịu khát tốt mà băng đồng với chủ còn lè lưỡi, há mồm thở, thế nên mới có tên cánh đồng chó ngáp. Còn tên dân gian gọi như vậy có từ bao giờ thì mấy anh em tôi không hay”, chú Hai Dũng cười khà khà cho tôi biết.

Đi công tác ở nhiều vùng miền nhưng tôi chưa từng thấy nơi nào yên bình như ở cánh đồng chó ngáp. Chim cu bay rợp trời. Ở đất này, người dân bẫy chim không dùng lưới, dùng bẫy mà dùng lưới câu cá treo trên mặt ruộng. Chú Ba Bình cho chúng tôi hay “kiểu gì cũng có chim dính lưỡi câu”. Bẫy chim bằng lưỡi câu, lần đầu tôi mới biết.

Những mái nhà lợp lá dừa nằm thanh bình bên ruộng lúa xanh rì, có kênh rạch uốn lượn chảy quanh đẹp như tranh vẽ khiến chúng tôi say chuyện hơn. Đang chuyện vui, miên man cảm xúc thì trời đổ mưa. Hậu gợi ý: “Mấy anh có muốn ngắm đất trời Kiên Giang không?”. Hậu leo thoăn thoắt lên cây me cổ thụ. Chúng tôi cũng nhanh chân nhanh tay bám cành theo Hậu. Lên gần đến ngọn, Hậu “hú, hú”, chỉ tay về phía xa bảo: “Đó, phía có cơn mưa to kia chính là đất Kiên Giang”...

Từ trên cao nhìn xuống, dẫu trời mưa tầm tã trút nước nhưng tôi vẫn thấy ánh lên sắc màu của sự sống trù phú. Cá dưới kênh quẫy nước, cọ mình vào những lạch nước mát lạnh. Cánh đồng bốc lên mùi thơm của ruộng đất đến nao lòng. Vịn vào cành me già, tôi nghĩ: Đất nước mình đúng là "giang sơn cẩm tú". Nào phải đi đâu xa xôi, mỗi vùng quê trên dải đất này đều tiềm ẩn vẻ đẹp riêng, chỉ là lòng người có muốn thưởng lãm hay không thôi.

Theo Minh Nhi (Báo Quân Đội Nhân Dân)

Du lịch, GO!