(Tiếp theo) - Long Hải đi và ghé rất nhiều, thông tin về nơi này trong Dulichgo cũng vô số nhưng hiểu tường tận về nơi ni, mình nói thật là không dám nhận là 'thổ địa' đâu vì vẫn có rất nhiều điểm mà mình ngày qua ngày mới thấy ra. Ví dụ như bạn có biết ở Long Hải và vùng phụ cận có bao nhiêu ngọn núi không thì chắc chắn ai cũng sẽ nói 1: Núi Minh Đạm - hoặc cùng lắm là 2: thêm núi Chân Tiên.

< Đỉnh Đồi Cô Sơn bây giờ nó chán ngắc như thìa này đây: trơ trọi, còi cọc như một núm đất!

Thôi thì, Điền Gia Dũng này lại nhiều chuyện vậy...
Đầu tiên, danh từ 'Long Hải' có thể là:
- Thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.
- Đá Long Hải thuộc quần đảo Trường Sa.
Ở đây, ta chỉ nói về TT Long Hải và vùng phụ cận xung quanh bao gồm cả huyện Long Điền..

< Nửa kia là 'cái chân đi', xuống xế là dzọt hướng này, hướng kia liền. Nhưng mà bi giờ, đồi Cô Sơn đâu còn đẹp như thuở trước nữa đâu?

Xin nhắc lại vị trí địa lý của huyện Long Điền:

- Đông giáp huyện Đất Đỏ
- Tây giáp thành phố Vũng Tàu
- Phía nam giáp Biển Đông
- Tây bắc giáp thành phố Bà Rịa.
Tổng diện tích tự nhiên là 7.699,36 ha.

< Bất chợt lúc này trời đổ mưa! Nhìn về phía đèo Nước Ngọt thì mấy đen phủ, nước đổ ầm ầm và đám 'mây mưa' đang kéo tới - Đi thôi em, mà đi đâu bi giờ...

< Đi qua Mộ Cô chứ đâu. Áo mưa thì trang bị đầy đủ, áo xịn đàng hoàng, cho mưa ngút trời cũng không sợ nhưng ít hột này mà trùm lên thì mất công phơi.
Bên Mộ Cô, có người đang cưa cây. Ôi mẹ ơi, sao dám cưa cà? Hóa ra anh nhân viên cưa cái cây gãy ngang. Chẹp, gió dữ nên cây đổ, phải 2 năm sau nhánh mới mọc ra như cũ.

< Bãi biển lúc ni thía này đây. Thật ra trời âm u hơn, Google ảnh làm tài lanh chỉnh sửa rồi réo mình khoe, thôi thì cũng đẹp.

Huyện Long Điền gồm có 2 thị trấn: Long Hải, Long Điền và 5 xã: An Ngãi, An Nhứt, Phước Hưng, Phước Tỉnh, Tam Phước.

^ Panorama cũng của ảnh luôn đây, Gugồ giỏi thật dù có lúc nó hơi tửng! Biển vắng teo không người, tắm thì tuyệt vì nước đang lớn. Tuy nhiên, đến đây chỉ 'đớp' còn tắm bên Hồ Tràm hoặc Hồ Cốc.

Xưa huyện Long Điền là toàn bộ tổng An Phú Thượng, thuộc tỉnh Bà Rịa. Là vùng đất hình thành trên 300 năm từ thế kỷ 18 do những người dân từ miền Trung tránh cuộc chiến tranh tương tàn giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã đi bộ, lớp xuôi thuyền về phương nam tìm đất sống hình thành nên vùng đất này.


< Trên trạm gác cứu hộ chỉ có ông nụi này ngồi tụng từ lúc bọn mình đến đến rồi đi.

< Biển cắm toàn cờ đen. Tuy nhiên, nếu muốn tắm thì ở gần bờ thôi cũng chết ai đâu, sâm sấp lổ rún là đủ, muốn đến cổ thì... ngồi xuống (he he).

Vùng đất ven biển (nay là Thị trấn Long Hải này) với tiềm năng đánh bắt hải sản phù hợp với tập quán cư dân miền trung "đất lành chim đậu", dân miệt ngoài về càng đông, lập làng, khai khẩn đất hoang trồng cây, phát triển nghề thủ công đóng ghe thuyền đi biển, dệt lưới đánh bắt cá …v…v dần dà trở thành làng chài ven biển đông đúc, trù phú và không ngừng phát triển như hiện nay.

< Xuống bãi vậy. Dưới nấc thang cuối cùng nghe nặng mùi... amoniac! Các quý ông xả bậy đây, phải tống cho trận mưa bự thì trôi hết. Đề nghị địa phương dán hình cái kéo bén ở ngay đây ạ.

< Còn dưới bãi thì hoàn toàn mùi biển, thật sảng khoái. Bãi cát sạch lắm nha...

Người ta cho rằng Long Điền Trước kia là Luỹ Thành của Chiêm Thành. Trên địa bàn thị trấn ngày nay còn có nhiều di tích lịch sử từ thời mở cõi như Bàu Thành, đình Thần Long Điền và chùa Long Bàn. Bàu Thành mình đã từng đề cập đến trong bài 'Phần 2: thăm Bàu Thành ở Long Điền', Đình Thần Long Điền mình cũng từng đề cập trong bài 'Đất xưa Bà Rịa'. Còn chùa Long Bàn thì sao?

< Chỉ thấy 'món rác' này: Một con sứa tử nạn.

Chùa cổ Long Bàn còn gọi là chùa làng Long Điền (xưa thuộc tổng An Phú Thượng, quận Long Điền) ở thôn Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền. Chùa tọa lạc trên một khu đất cao tương đối bằng phẳng. Trải qua gần 175 năm xây dựng chùa vẫn gần như nguyên trạng, lưu giữ những nét kiến trúc văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

< Biển vắng hoe, chỉ có du khách 'nửa kia'...


< ... và ta! Tít phía xa là Vũng Tàu với Núi Lớn và Núi Nhỏ. Thằng con mình ở ngoài ấy.

Chùa được xây dựng vào năm Thiệu Trị thứ 5 - năm Ất Tỵ 1845 do 2 vị hòa thượng Hải Chánh và Bảo Thanh làm trụ trì đầu tiên và được dân làng tôn làm tổ sư. Kiến trúc chùa Long Bàn nguy nga, tráng lệ với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc mang đậm nét truyền thống độc đáo, lưu giữ văn hóa tâm linh, thờ phượng Phật pháp.

< Nhận xét thía này: biển Mộ Cô ngày nay sạch đẹp hơn nhiều năm trước, chỉ thiếu cái bảng cảnh cáo có hình 'cái kéo'.

Ngôi chùa được xây cất theo kiểu chữ “Tam” mang phong cách Á Đông gồm 3 lớp nhà song song là tòa Giảng đường, tòa Chánh điện, nhà Tổ. Khuôn viên chùa bằng phẳng, rộng hơn 3.000m2 với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cổng chùa được xây dựng mới năm 1963 bằng đá hoa cương. Cửa 2 bên cuốn vòm, phía trên là lầu chuông và lầu trống. Phía trên 2 trụ cổng là tấm biển có hàng chữ “Long Bàn Cổ Tự”.

< Bảng cảnh báo chữ to, gắn ở cái khung hình chữ nhật kia là ok.

Trước tòa Chánh điện của chùa có ngôi nhà sàn bằng gỗ, trong đặt tượng “Tiêu Diêu Đạo Sĩ”. Mái chùa được lợp ngói âm dương, đầu ngói có gờ viền bằng gốm men xanh. Trên đỉnh nóc chùa có gắn tượng “Lưỡng Long chầu nguyệt” và các bức tranh vẽ phong cảnh sơn thủy, hoa lá. Các kèo, cột bên trong chùa sử dụng hoàn toàn bằng gỗ tốt.

< Lên trên, phía biển có chiếc ghe chài dần tấp vào bờ. Chị gái trên này cẩm giỏ bước nhanh xuống bãi: cá dìa, mực dìa nè. Chậc, bảo đảm tươi ngon... Giá mà mua mớ mực đem lại quán Cây Nhãn để họ tẩm liệm, làm món thì ngon phải biết! Mực tươi nó trong veo...

Bên trong tòa Chánh điện, ở gian giữa thờ Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm, Thế Chí, Ngọc Hoàng, Di Lặc, Bồ Tát. Gian bên trái thờ vị sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma, gian bên phải thờ Quan Thánh. Ngoài ra, tại đây còn có bàn thờ La Hán và Thập điện Diêm Vương. Phía sau Chánh điện là nhà thờ Tổ, thờ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và 2 bài vị của hòa thượng Hải Chánh và hòa thượng Bảo Thanh.

Tòa Giảng đường rộng 227m2, mặt trước có những câu đối khắc chìm bằng sơn đen. Phía trên 3 cửa ra vào gần sát mái là những ô trang trí, miêu tả hoa, núi và các hoạt động của con người. Đây là nơi thuyết pháp về đạo Phật, làm đàn chay cúng cô hồn, tổ chức các giờ kinh sám hối.

Đã trải qua gần 175 năm xây dựng, nhưng chùa Long Bàn vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật lâu đời quan trọng như các pho tượng Phật, Ngọc Hoàng Thượng đế, Quan Thánh đế, 18 vị La Hán, Long Thần, Hộ Pháp… bằng gỗ mít; 8 khuôn in kinh khắc chữ Hán trên gỗ; các quả chuông, trong đó có đại hồng chung bằng đồng đường kính 0,4m, cao 1,2m, niên đại hơn 150 năm. Đọc để biết chứ sau này, bọn mình ít viếng phong cảnh các chùa như ngày xưa.

< Ngồi chán đến 9h10 thì chuẩn bị đi. Đi Hồ Tràm à? Không, đi Cây Nhãn, đi đớp! Chờ hoài oải quá, giộng cho nó hả nư.

Những ngọn núi ở Long Điền có thể ai cũng biết là núi Minh Đạm, núi Chân Tiên (đây là một ngọn núi rất nhỏ). Ngoài ra, còn có núi Hòn Thùng, núi Đá Dựng nằm trên địa bàn ấp An Thạnh, xã An Ngãi.

Riêng núi Minh Đạm có 3 đỉnh chính: đỉnh 1 gần khu di tích lịch sử cao nhất hơn 300m, đỉnh giữa eo rặng núi cao hơn 200m và đỉnh ở Phước Hưng cao 280m. Đỉnh này có thể có đường lên núi nhưng bọn mình đã sai lầm bỏ sót, lần khác sẽ thử vậy. Núi là mình mê nhất, leo không nổi thì chạy xe lên: khoái không thể tả khi nhìn quan cảnh trên đỉnh cao.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần cuối

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!