(BNN) - Nhắc đến Hoàng Liên Sơn là nhắc đến đại ngàn hùng vĩ với những đỉnh núi cao mây phủ ẩn chứa bao bí ẩn của muôn loài động vật, kỳ hoa dị thảo.

Nơi khởi đầu của dãy Hoàng Liên Sơn nay nằm trong sự quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Sau mấy lần lỡ hẹn, có lần lên tận Y Tý “ ăn chực nằm chờ” vẫn không lên núi được vì thời tiết sương mù, một ngày nắng đẹp tôi đã có dịp cùng các cán bộ, kiểm lâm và đồng bào dân tộc nơi đây luồn rừng để tận mắt thấy quần thể Thiết Sam đặc biệt trong vùng lõi rừng già.

Quần thể thiết sam khổng lồ

Sau những ngày sương mù dày đặc thì buổi sáng hôm ấy thời tiết Y Tý như  hiểu được nỗi mong mỏi của chúng tôi và cũng chiều lòng người để mây mù tan đi, cho ánh nắng mặt trời chiếu sáng khắp núi rừng.

9 giờ sáng, khi tôi vừa có mặt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thì đã thấy anh Nguyễn Quang Huy (Kiểm lâm viên cụm Dền Sáng) cùng hai anh Hoàng Văn Quyết, Hoàng Đình Đại (nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát) và hai thanh niên người địa phương đợi sẵn, chân đi ủng cao, tay cầm dao phát, đầu đội mũ bảo hộ, nai nịt gọn gàng.

Lo thời tiết Y Tý sẽ chuyển sương mù lúc nào không biết, nên cả đoàn quyết định lên núi ngay mang theo lương khô ăn đường chứ không đợi ăn trưa xong mới đi như kế hoạch từ trước.

Từ thung lũng Mò Phú Chải, qua đoạn đường trơn trượt, sình lầy, chúng tôi ngược dốc theo con đường nhỏ xuyên qua khu rừng toàn cây cổ thụ đầy rêu, có cả vạt cây phong đang chuyển sang màu lá đỏ đẹp mê hồn.

Thấy tôi mải mê chụp ảnh, có lúc tụt lại khá xa, Hoàng Đình Đại, cậu nhân viên Khu BTTN nửa đùa nửa thật bảo anh để dành pin lên đến quần thể Thiết Sam mà chụp, trên đấy mới thực sự là tiên cảnh.

Thế rồi, chàng trai mê rừng ấy cứ say sưa kể về những cây Thiết Sam đại thụ. Đại bảo cây thiết sam thuộc họ thông, nhìn gần giống cây Vân Sam Hoàng Liên trên núi Phan Si Păng, tuy không quý hiếm bằng Vân Sam nhưng về mặt đa dạng sinh học thì rất có giá trị.

Điều đáng nói là chưa ở đâu phát hiện ra quần thể Thiết Sam lớn như ở Khu BTTN Bát Xát, với trên 100 cây từ 500 - 600 năm tuổi, có đường kính trên 1m, chưa kể cây nhỏ hơn, phân bố trong khoảng 150 ha rừng, từ độ cao 1800m đến trên 2.000m so với mực nước biển.

Sau gần 2 tiếng vượt núi băng rừng, trong khi tôi đang chui qua vạt thảo quả rồi xuyên qua khu rừng trúc lùn thì đã nghe thấy tiếng mấy anh em đi trước reo lên như “bắt được vàng”. Tôi quá ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy cây Thiết Sam cổ thụ đầu tiên đường kính hơn 1m với tán lá tầng tầng lớp lớp đổ theo sườn núi đẹp như một cây bon sai được nghệ nhân kỳ công tạo dáng.

Tôi đã từng “ mục sở thị” cây Vân Sam trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên, nếu ví đó như những tòa tháp xanh khổng lồ, thì những cây Thiết Sam này đẹp chẳng kém. Khi nắng từ trên cao chiếu xuống, cùng với làn mây mỏng bay qua, dáng Thiết Sam sừng sững in hình trên nền mây trắng bồng bềnh không lẫn với bất kỳ loài cây nào khác, phía xa xa là đỉnh núi Lảo Thẩn mây vờn, khung cảnh chẳng khác gì trong những bức tranh thủy mặc.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, quả thực đây là lần đầu tiên tôi được lạc vào một “ vương quốc” Thiết Sam cổ thụ đẹp như thế. Có hàng chục gốc Thiết Sam to tới mức 3 người dang tay ôm không hết, vỏ cây xù xì như da con trăn mốc khổng lồ.

Ở đây hầu hết là những cây cao từ 20 -30m, đã sống qua 500 - 600 năm, xòe tán như cái ô lớn tỏa bóng xuống núi rừng. Tôi đứng lọt thỏm trong một gốc cây Thiết Sam thế chân kiềng bám vào vách đá, tận tay chạm vào cái rễ cây tuổi hơn nửa thế kỷ mà nghĩ đến sự thiêng liêng, vĩ đại của rừng xanh.

Ngước mắt nhìn lên, tán cây xanh rợp, gió thổi ù ù như xay thóc, những tán cây vần vũ như trêu đùa nhau trong gió. Cuối thu, những đám rêu và tầm gửi mọc trên cành Thiết Sam chuyển sang màu vàng thả xuống mềm mại như rong biển.

Bảo vệ kho báu của đại ngàn

Suốt hành trình vào rừng già khám phá quần thể thiết sam cổ thụ, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ tại sao những cây Thiết Sam khổng lồ đẹp như vậy lại còn tồn tại đến ngày nay, trong khi những người anh em cùng họ với nó là những cây Vân Sam, Pơ Mu chỉ còn sót lại rất ít ỏi.

Mặc dù quần thể thiết sam nằm trong tận vùng lõi rừng già, nhưng không phải bước chân con người không tới được. Minh chứng là ngay dưới những gốc thiết sam đại thụ là bạt ngàn thảo quả do người dân bản địa trồng không biết từ bao giờ.

Đem chuyện này hỏi mấy anh em là người dân địa phương tham gia tổ bảo vệ rừng thôn Trung Chải, xã Dền Sáng đang dẫn đường cho đoàn, tôi có thêm những thông tin hữu ích.

Anh Phàn Chỉn Sìn nhìn những cây Thiết Sam cổ thụ bảo: Người Dao ở Dền Sáng gọi cây này là Pơ Mu giả, vì hình dáng của nó rất giống cây Pơ Mu, nhưng gỗ không thơm và không giá trị bằng. Trước đây, một số người lấy gỗ này xẻ ra làm trần nhà, vách nhà, gỗ có vân rất đẹp, hàng chục năm không bị mối mọt, nhưng hay cong vênh nên về sau người dân không chuộng dùng nữa.

Còn Tẩn Sài Vảng, Trưởng thôn Trung Chải, cũng là Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của thôn bảo Thiết Sam là loài cây quý được các đại gia chơi cây cảnh rất thích bởi những cây Thiết Sam cổ có tán đẹp, có người sẵn sàng bỏ cả tỷ đồng để sở hữu một cây mang về trồng trong khuôn viên biệt thự, nhà vườn. Hàng ngày, các cán bộ trạm kiểm lâm, khu BTTN Bát Xát kiểm tra nghiêm ngặt, lại có Tổ bảo vệ rừng các thôn đi tuần thường xuyên, nên không ai dám vào rừng chặt cây nữa.

“Có tháng tổ bảo vệ rừng tuần tra 4 lần, có tháng tuần tra 8 lần, càng gần dịp tết nguyên đán chúng tôi càng tuần tra nhiều hơn để ngăn chặn những kẻ vào rừng chặt cành, nhổ cây non bán cho người dưới phố chơi tết”, anh Vảng nói.

Điều tuyệt vời là chúng tôi đã nhận ra là ngay trong quần thể cây Thiết Sam cổ thụ ở Khu BTTN Bát Xát, dưới tán những cụ Thiết Sam khổng lồ là vô số những cây non đang mọc lên. Có cây non chỉ cao tầm hai gang tay, có cây đã cao chừng 1m và cao hơn, cây nào lá cũng xanh mướt, khỏe khoắn xòe những tán lá nhỏ ra đón nắng gió như những bàn tay đầy sức sống. Vậy là cây Thiết Sam đang tái sinh trong vương quốc của chúng, không còn nỗi lo loài cây này bị đe dọa tuyệt chủng.

Để rừng thiết sam xanh mãi

Dùng ống kính máy ảnh hướng lên tầng lá Thiết Sam cổ thụ zoom lại tôi có thể nhìn thấy hàng vạn quả  Tiết Sam giống như quả thông nhỏ rung rinh treo đầu cành. Thời còn là sinh viên tôi hay có thói quen viết thư tay cho bạn bè, tôi rất thích những con tem có hình các loài cây đặc hữu của Việt Nam, đặc biệt là con tem có hình cành Thiết Sam đầy quả. Từ hình ảnh trong con tem, nay tận mắt thấy cây Thiết Sam giữa rừng già, sự thật mà ngỡ như một giấc mơ.

Khi đi ngắm và chụp ảnh những cây Thiết Sam non trong rừng già, tôi tá hỏa khi phát hiện ra một số cây thiết sam non bị gẫy đổ, nằm lẫn trong đám cây cỏ đang héo dần xung quanh. Mấy cán bộ kiểm lâm đi cùng cũng lắc đầu “ mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều, nhưng tập quán bà con từ xưa khó thay đổi ngay được, một số hộ dân vẫn sống nhờ vào rừng nhưng chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ đa dạng sinh học dưới tán rừng già”.

Chúng tôi về đến trụ sở Khu BTTN Bát Xát khi đã hơn 14 giờ chiều, nắng đã tắt dần, chỉ một lát sau cả núi rừng Y Tý đã chìm trong biển sương mù dày đặc. Lúc này, một tổ bảo vệ rừng khác gần chục người cũng về đến đây. Cả đoàn ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

Nghe tôi kể lại hành trình, anh Ngô Kiên Trung, Giám đốc Khu BTTN Bát Xát chia sẻ: Ở Khu BTTN Bát Xát, quần thể Thiết Sam có giá trị đặc biệt về nghiên cứu khoa học và bảo tồn, phát triển nguồn gen quí hiếm, là “ kho báu xanh” của đại ngàn Hoàng Liên Sơn.

Trong năm 2019 đã có gần chục đoàn chuyên gia trong nước và quốc tế đến nghiên cứu khảo sát sinh thái và đa dạng sinh học ở đây. Cùng với việc tăng cường tuần tra rừng, xử lý nghiêm các vi phạm, giải pháp chính hiện nay là làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không mở rộng diện tích trồng thảo quả dưới tán rừng, hiểu giá trị của quần thể Thiết Sam và nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ loài cây này.

Nhấp chén nhè nóng, mấy anh em kiểm lâm Khu BTTN và tổ bảo vệ rừng ôn lại những kỷ niệm trong những chuyến đi tuần rừng, rồi kỷ niệm lần đầu tiên mang theo lương khô đi tuần rừng, đón tết giữa đại ngàn Y Tý. Ngoài sân, những cành đào mốc ngậm sương lạnh buốt chờ nắng là bung nở rực rỡ. Chúng tôi hẹn nhau mùa xuân tới sẽ cùng đón Tết trong rừng Thiết Sam cổ thụ.

Theo Tuấn Ngọc (Báo Nông Nghiệp)
Du lịch, GO!