(QHO) - Trong những ngày Tết, khi sắc đào hồng tô thắm những bản làng miền Bắc, mai vàng rực rỡ vùng đất phương Nam, thì đất trời Tây Nguyên cũng chuyển mình đón mùa Xuân mới. Tây Nguyên mùa Xuân không mưa phùn bay bay trong cái rét ngọt, mà vàng rực nắng dưới trời xanh thăm thẳm với núi đồi hùng vĩ, ngập tràn sắc hoa của núi rừng, hương hoa lan tỏa để lòng người ngơ ngẩn, ắp đầy những dấu yêu.

Mùa Xuân Tây Nguyên sóng sánh trong ánh mắt của người con xa quê trở về với bao cảnh sắc vừa lạ vừa quen. Lang thang trên những con đường đất đỏ bazan, ta thấy mình lạc trôi giữa mùa Xuân trắng bởi sắc hoa cà phê phủ trắng xóa khắp các vạt đồi, bát ngát, điệp trùng. Từ Lâm Đồng qua Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắc, Kon Tum, từ chân đèo Bảo Lộc đến chân núi Langbiang, từ Biển Hồ đến đỉnh Chư Yang Sin hùng vĩ, nơi đâu cũng nồng nàn hương thơm của loài hoa ấy.

Cũng có mai vàng như Nam bộ nhưng có lẽ hoa cà phê trắng tinh khôi, rực rỡ mà bình dị mới là vẻ đẹp riêng, đặc trưng của vùng đất đỏ bazan mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Không khí rộn ràng, ấm áp của mùa Xuân tràn ngập khắp các buôn làng, khắp núi rừng cao nguyên hùng vĩ. Cái nắng, cái gió Tây Nguyên cũng mang theo hương hoa cà phê nồng nàn và nụ cười người dân Tây Nguyên dường như ngọt ngào, say đắm hơn. Tây Nguyên vào Xuân, các buôn làng rộn rã tiếng cồng chiêng, bà con dân tộc Ê Đê, M'nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng... cùng nhau tổ chức nhiều lễ hội độc đáo, hòa mình vào những cuộc vui miên man ngày tháng. Khắp buôn xa làng gần náo nức trong ngày hội, cùng cầu xin các vị thần ban cho một năm mới sung túc, bình an, mùa màng bội thu, ấm no, hạnh phúc.

Qua những thác nước Dray Sáp, Dray Nur… trắng xóa, qua những cánh rừng đại ngàn biếc xanh để tìm về những huyền thoại với các lễ hội gắn liền với đời sống đồng bào nơi đây như lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ đua voi, lễ cầu mưa... Hòa trong không khí rộn ràng mùa lễ hội là tiếng cồng tiếng chiêng vang vọng khắp điệp trùng sông núi, mọi người quây quần quấn quýt bên nhau, cùng thả hồn trong những điệu nhạc, lời ca. Với muôn hoa rừng đua nhau khoe sắc, hương thơm của hoa cà phê và các lễ hội mùa Xuân trên các buôn làng làm lòng người rạo rực, nhung nhớ.

Đi giữa mùa Xuân Tây Nguyên, lạc trôi giữa các buôn làng, đắm chìm trong những sắc hoa của núi rừng, ta như say trong vũ điệu hoang dã, ché rượu cần đượm nồng rồi cảm tình đất tình người nơi đây mà quên lối về.

Để ta chợt nhận ra, bên cạnh biển trời tuyết trắng của hoa cà phê, có một mùa hoa pơ lang trên cao nguyên đại ngàn nồng nàn sắc đỏ, loài hoa của buôn làng, của tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, nguồn cội.

Người Ba Na có câu truyền miệng “thấy pơ lang nở biết mùa mới lại về”, đó là mùa Xuân, mùa Tết, mùa chuẩn bị cho vụ rẫy nương năm mới. Và với sắc hoa càng đỏ thắm thì đồng bào tin rằng, sắp tới là những vụ mùa bội thu, tràn đầy hạnh phúc và yêu thương.

Dạo bước trên phố núi Đà Lạt, ta lại ngỡ ngàng trước những con đường quanh co phủ hồng sắc hoa mai anh đào – loài hoa làm say đắm bao thi nhân lữ khách.

Xuân về, mai anh đào điểm tô khắp núi đồi cao nguyên Đà Lạt, xen giữa rừng thông, rực rỡ bên những ngôi biệt thự cổ, lung linh soi bóng mặt hồ, trên những con đường dốc nơi trung tâm thành phố đến những bờ ruộng vùng ngoại ô đều được nhuộm hồng đầy vẻ lãng mạn, nên thơ. Sắc hồng mai anh đào đã khoác cho thành phố sương mù một chiếc áo mới, rực rỡ và hoang dại, tạo sức hút kỳ lạ khiến lòng người ngây ngất, rạo rực khó quên.

Mùa xuân trên quê hương Tây Nguyên ấm áp và bình yên với những bức tranh thiên nhiên đẹp đến vô cùng, với những con người bình dị, chân chất, gần gũi, thân thương đến lạ. Để lại sự lưu luyến, bâng khuâng trong lòng người con đi xa nay trở về với đất Mẹ, mai này sẽ chẳng thể nào quên tình đất, tình người nơi quê nhà dấu yêu.

Theo Cam Ly (Tạp chí Quê Hương)
Du lịch, GO!