(BTH) - Không chỉ được biết đến là một vùng đất mang đậm dấu ấn với cuộc khởi nghĩa của anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước, với sản vật tiến vua nổi tiếng “quế ngọc châu Thường”... mà nơi đây còn có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch thác nước.

Thường Xuân là huyện miền núi cách TP Thanh Hóa 54 km về phía Tây của tỉnh. Toàn huyện thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống Đông và Nam, có nhiều dãy núi cao trên 1.000m so với mặt nước biển. Địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, có nhiều đồi bát úp và hệ thống hang động phong phú. Chính điều đó đã tạo nên nhiều thác nước tuyệt đẹp như món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho nơi này, như: Thác Yên (lòng hồ Cửa Đạt), thác Thiên Thủy (xã Vạn Xuân), thác Trai Gái (xã Xuân Lẹ), thác Bảy Tầng (xã Ngọc Phụng)...

Nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, chạy qua con đường uốn lượn với hai bên là những cánh rừng xanh ngát, thác Thiên Thủy hiện ra trắng xóa, từ trên cao đổ xuống như một dải lụa nằm vắt trên vách đá cheo leo. Cái tên Thiên Thủy bắt nguồn từ câu chuyện về tín ngưỡng của đồng bào người Thái đặt cho dòng thác này.

< Thác Mù (thác Thiên Thủy) kỳ vĩ nằm trên địa bàn xã Vạn Xuân, nơi có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Dulichgo
Theo điển tích, ngày xưa thác có tên là thác Mù, do dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Gió nơi bốn mùa quanh năm mây phủ, giữa sương giăng mờ ảo mây trời, một dòng thác hiện ra trắng xóa từ lưng chừng núi người dân ở đây đặt tên là Thiên Thủy (nước trời). Cũng từ đó, vào những hôm trời mây mù những ai được ngắm nhìn thời khắc dòng thác hiện ra trong mờ ảo sẽ gặp được nhiều may mắn.

Thác Thiên Thủy thực chất là một quần thể gồm bốn thác nước nằm gối lên nhau bung xuống từ những đỉnh núi của dãy Ta Leo hùng vĩ. Con thác đầu tiên, một dòng nước lớn bung xuống bào mòn cả đá núi, đục xuống lòng sâu tạo thành một hồ tắm khá lý tưởng gọi là vụng Tiên. Đó là nơi có thể ngâm mình trong dòng nước mát trong lành, xua tan đi những mệt nhọc sau quãng thời gian vượt đồi, leo dốc.

Từ con thác thứ nhất, vượt dốc đi qua những cây đại thụ sẽ đến với ba thác nước phía trên. Ba dòng thác được tạo ra từ hai dòng suối từ trên cao gần 500m bung nước xuống để tạo thành một quần thể thác xếp ngay ngắn theo hình cung tròn, trải gần 1 km vô cùng kỳ vĩ. Ở nơi dòng suối bị đứt quãng, tách ra khỏi đỉnh núi buông xuống là vách đá dựng đứng bị nước bào mòn, chạm vẽ nhiều hình thù kỳ dị, tạo nên những bức tranh của tạo hóa. Chân thác là một bãi đá trải dài theo thung lũng với muôn hình khối. Có những phiến rộng bằng phẳng cho nhiều người nghỉ lưng sau quãng đường dài.

Cách đó chưa đầy 3 km là hồ Cửa Đạt mênh mông, xanh biếc như con mắt giữa đại ngàn. Sau khi thăm thác Thiên Thủy, du khách có thể bơi thuyền trên lòng hồ để tiếp tục thăm đền Cửa Đạt, rừng cây pơ-mu, trải nghiệm du lịch thác Yên. Thác Yên nằm yên bình bên hồ Cửa Đạt, với độ cao của dòng thác hơn chục mét, xung quanh thác có quần thể thực vật nguyên sinh, phong phú, với nhiều núi đá, hang động đẹp đến mê lòng...
Dulichgo
< Thác Yên có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn.

Nguồn nước của dòng thác Yên bắt nguồn từ đỉnh Pù Gió cao 1.600m, từ trên cao hơn 900m đổ xuống, thác Yên trở thành dòng suối bất tận của tự nhiên nơi núi rừng Xuân Liên. Từ trung tâm đón tiếp du khách, bằng du thuyền 7 km thưởng ngoạn cảnh sắc hồ Cửa Đạt và dã ngoại 1 km đường bộ, quý khách sẽ được thưởng thức cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ cùng khí hậu trong mát của rừng nguyên sinh. Ở hai tầng thác đầu là khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ như dải lụa trời phơi trắng. Tiếp tục len lỏi trong ngút ngàn của rừng xanh, thác Yên lại trở nên hiền hòa thơ mộng ví như mái tóc dài của nàng sơn nữ giữa đại ngàn.

Từ xã Vạn Xuân đi theo đường liên xã về phía Nam đến trung tâm xã Xuân Lẹ, rồi vào thôn Liên Sơn, theo đường mòn lên núi Sản Phăm. Đường đi băng qua những triền núi với mây mù bồng bềnh huyền ảo, hoa rừng khoe sắc, tiếng chim líu lo. Lọt giữa bạt ngàn màu xanh của rừng, thác Trai Gái như một dải lụa trắng tinh buông xuống từ trời cao.

< Thác Trai Gái hùng vĩ, gọi mời.

Dòng thác bắt nguồn từ dòng sông Nặm Muồng, chảy từ huyện Quế Phong (Nghệ An) qua hệ thống núi Sản Phăm tạo thành bốn thác lớn, trong đó thác Trai Gái lại chia thành nhiều tầng thác nhỏ. Ở các điểm thác có nhiều bãi đá, phiến đá lớn bằng phẳng, nước trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa, nhiều hạt nước nhỏ li ti bay xa hàng chục mét. Độ ẩm cao chính là điều kiện cho thảm thực vật sinh sôi, phát triển chằng chịt phủ kín các bờ đá ven suối...
Dulichgo
Được trải nghiệm vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước, ngồi bên bờ suối nghe tiếng róc rách, tiếng mõ lóc cóc khi đàn trâu đi ăn trở về trong những buổi chiều tà. Đêm xuống bên đống lửa trại cùng các chàng trai, cô gái Thái, Mường, ngây ngất bên chum rượu cần, đắm say với điệu múa xòe, nhảy sạp cùng tiếng khèn, tiếng cồng chiêng vang vọng, khiến lòng thư thái vô cùng.

Để phát huy lợi thế sẵn có, theo ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Thời gian qua huyện đã tích cực quan tâm đầu tư khai thác du lịch tắm thác gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Huyện đang tiếp tục hoàn thiện công trình đường vào thác Yên; đưa vào sử dụng tuyến đường đi thác Thiên Thủy với tổng chiều dài trên 6 km...

Tới đây, huyện tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế về du lịch, trong đó tập trung nghiên cứu, quy hoạch phân khu các khu du lịch thác Thiên Thủy và thác Yên gắn với các dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực... Huyện đã ban hành nghị quyết và đề án phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Huyện cũng xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có, trong đó có du lịch trải nghiệm thác nước gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Theo Nguyễn Ngọc (Báo Thanh Hóa)
Du lịch, GO!