(TTO) - Đường bêtông quanh co qua từng ngõ nhà, hai bên đường là những chậu địa lan đắt tiền đang trổ hoa lẫn trong các cành hồng, hoa bướm, dâm bụt. Cổng ngõ sạch đẹp khiến bản Mông trên độ cao hơn 2.000m như một hoa viên.

< Cổng bản Lao Chải 1.

Nhìn quang cảnh phố Mông trên núi Khun Há, chúng tôi ngẩn ngơ, ước được ngồi trước các bậc cửa nhà đồng bào trong se lạnh của chiều núi cao, nhấp ly rượu ngô thơm nồng cùng hương vị bùi ngậy của nồi thắng cố và ngắm mây vờn trên đỉnh Hoàng Liên Sơn...

Người được chọn

Bước chân vào đây, ai từng lên rẻo cao sẽ không thể không ước mơ làm sao cho hàng ngàn bản làng đồng bào dân tộc ít người trên đất nước này đều được sạch đẹp như thế. Cái bản đẹp như hoa viên ấy là Lao Chải 1 thuộc xã Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) và người có công để các bản trong cả xã Khun Há đều thay da đổi thịt là Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Trọng Thi.
Dulichgo
"Khoảng chục năm trước, xã Khun Há rất phức tạp. Địa bàn xã rộng, 15 bản với trên 5.000 nhân khẩu chủ yếu người Mông. Cán bộ xã thì yếu, lại tư tưởng cục bộ, lục đục. Từ năm 2014, khi điều động Đỗ Trọng Thi về xã thì tình hình mỗi ngày một sáng hơn" - Bí thư Huyện ủy Tam Đường Hoàng Thọ Trung đã giới thiệu về Đỗ Trọng Thi ngắn gọn như vậy, khi lần đầu tiên chúng tôi vào Khun Há.

Năm 2014, Đỗ Trọng Thi mới 33 tuổi, đang là phó chánh văn phòng HĐND và UBND huyện được phân công về làm phó bí thư Đảng ủy Khun Há - một xã đặc biệt khó khăn.

Chỉ là xã, nhưng đi từ đầu đến cuối xã mất 40km đường núi. Nắng còn đỡ, mùa mưa chỉ có cách cuốc bộ. Và Thi đã chọn đột phá là vận động dân làm đường bêtông hẳn hoi, để dù mùa mưa vẫn đi được xe.
Dulichgo
Kinh phí làm đường thì "Nhà nước và dân cùng làm", nhưng dân bảo: "Mình không có tiền, Nhà nước cứ làm đi". "Dân không có tiền, nhưng có muốn làm đường không?". "Muốn lắm!". "Thế không có tiền, nhưng có thảo quả không?". "Có thảo quả".

< Bí thư Thi trực tiếp làm việc cùng dân bản.

"Thế này nhé, giờ cán bộ đứng ra vay tiền làm đường bêtông vào tận nhà cho dân, phần Nhà nước thì Nhà nước lo, phần dân thì đến mùa bán thảo quả trả tiền mua ximăng, cát, đá nhé".

Và rồi từ sự "tín chấp" của Bí thư Thi, dân cả 15 bản đều quyết tâm bêtông hóa đường. Thấy nó phát huy hiệu quả ngay mùa mưa, chở con cái đi học nhanh hơn, không phải dầm mưa đội rét, bà con ngay vụ thu hoạch thảo quả sau đó đã trích bán trả nợ.

Với người dân rẻo cao, không có sự thuyết phục nào lớn hơn là thực tế mắt thấy tai nghe. Xong con đường, Thi tính đến chuyện làm điện, thắp sáng đường đi trong bản. Vẫn Nhà nước và dân cùng làm...

Bí thư Thi triển khai các bí thư chi bộ, thầy cô giáo làm trước. Mấy tháng đầu về Khun Há, hầu như Thi không về nhà ở huyện cùng vợ con, cứ thứ bảy, chủ nhật lại tổ chức lao động tình nguyện.
Dulichgo
Mọi người cùng xuống bản làm vệ sinh, trồng cây, dựng cổng chào, sửa đường, đổ bêtông. Dân thấy cán bộ nhiệt tình, nên ai cũng hết lòng tham gia. Bốn năm, từ ngày Thi về Khun Há, giờ đường đến các thôn bản đều đã được bêtông hóa, có thể dễ dàng đi lại vào mùa mưa.

Chỉ ao cá rộng được kè đá cẩn thận, ông Cứ A Dơ, bản Lao Chải 1, hào hứng kể: "Thấy mình có ao cạn trước nhà, Thi bảo phải cải tạo đào sâu xuống một tí, rồi kè đá giữ nước, làm đường ống dẫn nước trên núi xuống. Rồi Thi cùng các thầy giáo trực tiếp làm, chỉ cho mình cách thức và giờ thì thành ao thả cá rồi".

< Người dân Khun Há làm đẹp nhà homestay để đón khách du lịch.

Chủ tịch xã Cứ A Sở nói: Công lớn nhất là của Thi. Ai thiếu tiền thì được Thi “bảo lãnh” để mua ximăng, cát, đá. Bằng cách này, đến nay ít nhất 10/15 thôn bản đã có đường bêtông đến từng nhà. 15/15 thôn bản có đèn điện thắp sáng từng ngõ.

Phố núi trong mây...

Ngay chuyện Cứ A Sở lên làm chủ tịch xã cũng lạ ở Khun Há! Vì Cứ A Sở là thầy giáo. Khi Thi về, tìm hiểu công tác cán bộ, thấy thầy Sở được dân tin, có trình độ, nắm bắt nhanh các vấn đề. Vậy là Bí thư Thi thuyết phục cấp trên điều động thầy Cứ A Sở từ giáo viên bổ nhiệm luôn vào chủ tịch xã. Và Bí thư Thi cùng Chủ tịch Sở đã làm thay đổi Khun Há.
Dulichgo
Từ trung tâm xã qua quốc lộ 4D (cũ) rồi lên hai bản Lao Chải 1, 2 dài khoảng 10km, xe chúng tôi chạy qua các đường đã được bêtông. Các con dốc, cua ngoặt đã được hạ thấp, mở rộng nên ôtô vẫn lên đến độ cao gần 2.000m. Xe đi trong mây và hai bên đường rực rỡ sắc hoa trồng dọc lối.

Cứ A Chu - bí thư chi bộ bản Lao Chải 1, người tiên phong trong việc trồng hoa địa lan - kể: "Ban đầu dân hoài nghi lắm, chưa tin cán bộ Thi đâu. Thi đưa mình đến Sin Suối Hồ bên huyện Phong Thổ học kinh nghiệm và mua lan về trồng thử. Hồi đầu trồng ít nhưng hoa vẫn đẹp, có những chậu bán được cả chục triệu đồng.

< Du khách rất thích thú khi đi dạo trên những con đường hoa lan trong bản Lao Chải 1.

Rồi nhà mình cứ thế nhân lên đến nay có trên 100 chậu địa lan, mỗi năm dịp tết cũng bán được 20-30 triệu tiền lan. Hiện có rất nhiều khách đến đặt mua, bà con sau đó thấy hiệu quả kinh tế nên giờ cả bản gần 40 hộ ai cũng trồng vài chục đến vài trăm chậu lan".

"Nhà nào cũng hàng trăm chậu lan, mỗi chậu giá cả mấy triệu đồng như thế, không sợ mất trộm à?". "Không mất đâu. Giờ nhà nào cũng đèn điện sáng trưng từ ngoài ngõ vào. Hồi trước bảo dân làm cột đèn, Bí thư Thi bảo với dân rằng trộm chỉ ở chỗ tối, chứ chỗ sáng như này ai dám lấy.

Chậu lan thì to, không dễ lấy trộm mà khênh xuống núi được đâu. Với lại ai lấy, bị phát hiện sẽ bị quy tội và phải đền hết cho tất cả mọi nhà mất lan trước đó. Mà giờ nhà nào cũng nhiều lan rồi, dân mình không ai lấy lan của nhau đâu" - Bí thư chi bộ Cứ A Chu hào hứng.

< Dãy hàng nông sản trong “trung tâm thương mại” Khun Há.
Dulichgo
Giờ thì các nhà dân người Mông đều được gắn số nhà, ghi tên và cả số điện thoại di động lên cổng. Dọc đường bản, đường vào nhà dân đều có các cột thép nhỏ dựng cao làm đèn thắp sáng và treo hoa, có các sọt đựng rác, các biển đánh số đường ở những ngã ba, ngã tư. Thi thoảng lại có những nhà vệ sinh công cộng ở bên đường, được dựng kín đáo dưới giàn hoa...

"Trung tâm thương mại" trên độ cao hơn 2.000m

Bên sườn núi, với cái "view" nhìn sang đỉnh Fansipan quanh năm phủ mây trắng, người dân dựng những chòi nhỏ để mọi người có thể dừng chân, ngắm cảnh. Giữa bản, Thi cho xây dựng "trung tâm thương mại" với những dãy lán lợp cọ để người dân có thể trưng bày, mua bán nông sản. Một sân khấu lớn để biểu diễn trong phiên chợ, hội hè. Khu ẩm thực với những bếp lò sẵn sàng nổi lửa nấu những món ăn đặc trưng của người Mông.

Theo LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!