(KPDS) - Khi nói về Huế, chắc chắn ai cũng sẽ nói về những khu lăng tẩm, cung điện cổ kính của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam nhưng ít ai biết rằng Huế vẫn còn nhiều thứ để trải nghiệm và khám phá. Bài viết này xin giới thiệu đến các bạn Top 5 cung đường phượt nhất định phải đi cho bằng được khi đến với xứ Huế mộng mơ:

< Cầu Tư Hiền bắc qua cửa biển Tư Hiền trên QL49B.

1. Cung đường QL49B: 5 đầm - 3 biển - 1 động - 1 phá

Nếu là một tín đồ của cung đường ven biển, nhất định bạn không thể bỏ qua cung đường quốc lộ 49B này. Một bên là những đầm phá rộng lớn liên tiếp nhau, một bên là biển mênh mông. Quốc lộ 49B sẽ đưa bạn đi qua đầm Cầu Hai, đầm Thuỷ Tú, đầm Hà Trung, đầm Sam, đầm Thanh Lam và phá Tam Giang vô cùng nổi tiếng. Song song đó cung đường còn dẫn bạn đi qua biển Thuận An, Thuận Hải và biển Hàm Rồng.

< Con đường quốc lộ 49B rợp bóng cây xanh.

Nếu biển Thuận An đã quá quen thuộc, thì bạn có thể chọn đến biển Hàm Rồng vẫn còn vô cùng hoang sơ.

< Hoàng hôn trên phá Tam Giang.
Dulichgo
Hàm Rồng ở một vị trí khá đẹp, cảnh quan nên thơ bởi có núi Linh Thái cao gần 800 mét án ngữ phía sau với những mảng rừng xanh thẳm, uốn lượn theo nhiều vòng cung ôm lấy bãi biển dài gần 6 cây số, với 3 điểm tắm lý tưởng là bãi Hàm Rồng, Đông Dương và bãi Đầm.

< Thành phố lăng An Bằng.

Cung đường quốc lộ 49B còn chiêu đãi bạn hai đặc sản mà không nơi nào có được. Một là làng chài An Bằng, nơi đây có một nét văn hóa vô cùng độc đáo tờ Daily Mail của Anh phải thốt lên rằng đây là “một nghĩa trang kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa“. Tại Huế, người dân vẫn hay gọi làng chài này với những cái tên như “thành phố của người chết” hay “thành phố lăng An Bằng”.

< Động Hàm Rùa.
Dulichgo
Theo dân trong làng chài, 90% dân làng có họ hàng, người thân đang ở nước ngoài (chủ yếu ở Mỹ) và họ thường gửi tiền về để xây cất lăng mộ. Vì vậy, ngư dân ở đây thường cạnh tranh nhau để xây những ngôi mộ ngày càng cao to với nhiều hoa văn tỉ mỉ cho những người đã chết.

Đặc sản thứ hai là động Hàm Rùa, nơi này vẫn chưa xuất hiện trên bản đồdu lịch Việt Nam. Tuy nhiên, bạn có thể tìm trên bản đồ và tự mình khám phá nhé. Vị trí và cảnh quan ở động Hàm Rùa bảo đảm sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy.

2. Cung đường đèo: Hải Vân - đầm Lập An - vườn quốc gia Bạch Mã

< Từ trên đỉnh đèo, bạn có thể nhìn toàn cảnh vịnh Lăng Cô.

Bắt đầu từ đèo Hải Vân, địa phận của tỉnh Thừa Thiên Huế trên đèo Hải Vân, kéo dài đến vườn quốc gia Bạch Mã chỉ vỏn vẹn chưa đầy 60km nhưng bảo đảm bạn sẽ ngất ngây với những gì trước mắt. Đổ đèo Hải Vân, bạn có thể quan sát vịnh Lăng Cô, đường dẫn vào hầm Hải Vân từ trên cao.

Chạy hết đèo, bạn sẽ đến ngã ba để ra quốc lộ 1A, tuy nhiên, bạn không nên chạy đường này mà hãy rẽ trái vào đường Nguyễn Văn để có thể ngắm toàn cảnh đầm Lập An vô cùng đẹp và thơ mộng. Trên đường có nhiều quán hải sản được dựng ngay trên đầm, bạn có thể nghỉ chân vừa thưởng thức hải sản, vừa ngắm cảnh rất tuyệt vời.
Dulichgo
Từ Nguyễn Văn, bạn chạy hết đường là ra lại quốc lộ 1A, chạy qua hầm Phước Tượng là đến ngã ba chợ Cầu Hai, rẽ phải để vào vườn quốc gia Bạch Mã. Tham quan vườn quốc gia Bạch Mã sẽ mang đến cho bạn nhiều bất ngờ. Bạn nhớ đừng bỏ qua những điểm đến siêu đẹp của vườn quốc gia như Vọng Hải Đài, thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, thác Trĩ Sao, rừng Chò Đen, thác Trượt…

Nếu còn thời gian, bạn hãy đến khám phá thiền viện trúc lâm Bạch Mã nằm giữa hồ Truồi. Nơi này được ví như chốn bồng lai tiên cảnh.
Dulichgo
Phóng tầm mắt nhìn xung quanh bạn sẽ thấy những áng mây trắng bồng bềnh trôi dưới đáy hồnước trong xanh. Ngoài ra, khi đến với thiền viện, bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên đồi giữa hồ cao 24m, nặng 1.500 tấn bằng đá rất uy nghi.

3. Cung đường: đèo A Co - thác A Nor

< Đèo A Co huyền thoại.

Một cung đường đẹp ngất ngây về với núi rừng A Lưới đó là QL.49 lên thác A Nor. Cung đường này được khá nhiều bạn trẻ chọn đi vì khung rất cảnh đẹp, dễ đi và có nhiều điểm dừng chân khám phá.

Từ Tp.Huế, men theo con đường QL.49 đến ngã ba Bốt Đỏ, bạn sẽ vượt đèo A Co huyền thoại, cầu Mỏ Quạ, ngược dòng sông Bồ để đến A Lưới.

< Cầu Mỏ Qụa.
Dulichgo
A Lưới là một huyện miền núi tiếp giáp với Lào. Thời tiết ở đây gần giống như với Bà Nà. Ban ngày thì nắng nhưng không gắt gao như ở thành phố. Đêm xuống rất lạnh, sáng sớm thì mờ sương như lạc vào “xứ sở thần tiên”.

Để đến được thác, bạn tiếp tục đi qua thêm một cây cầu sắt lấy tên của một anh hùng dân tộc: A Vẩu. Sự hiện diện của cây cầu này đã làm cho việc đi đến thác thuận tiện hơn trước rất nhiều. Từ xa, bạn đã có thể nghe tiếng nước tuôn xuống ầm ầm. Âm thanh ấy vang vọng giữa núi rừng, như tạo hấp lực cho bước chân của bạn, dẫu đôi chút mỏi mệt nhưng vẫn mạnh mẽ tiến về phía trước.

< Thác A Nor.

Giữa rừng xanh đại ngàn, với hai tầng thác, A Nor hiện lên thật kỳ vĩ. Nước tung trắng xóa cả một góc trời. Đến A Nor, bạn sẽ khó kìm lòng trước dòng nước trong veo đầy quyến rũ.

Nếu thích cảm giác mạnh và biết bơi bạn hãy thử một lần đứng trên mỏm đá và thả mình rơi tõm xuống lòng suối. Cảm giác sảng khoái không thể nào tả được.

4. Cung đường QL14: Hồ Chí Minh - đèo Pêke

< Đèo PêKe.
Dulichgo
Không cần phải nói nhiều về cung đường Trường Sơn huyền thoại, hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh trên quốc lộ 14. Đây cũng là cung đường ven biên giới Việt – Lào. Ở địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cung đường này bạn sẽ phải vượt đèo PêKe và có cái nhìn rõ nét nhất vềcuộc sống của người dân huyện A Lưới.

< Cầu Hồng Vân – đường ra cửa khẩu Hồng Vân.

A Lưới còn là nơi có nhiều địa danh gắn với một thời kháng chiến hào hùng như đèo Mẹ Ơi, suối Máu, đồi Thịt Băm, suối A Lin… cung đường Hồ Chí Minh giúp A Lưới thông thương với Quảng Trị và Quảng Nam. Nơi đây còn có các cửa khẩu thông với nước bạn Lào đã được mở của: Hồng Vân – Cu Tai, A Đớt – Tà Vàng, hứa hẹn cho du lịch A Luới là một tiềm năng đang dần được hé mở.

< Những con suối nhỏ dọc đường Trường Sơn sẽ là nơi dừng chân lý tưởng.

Chạy dọc đường Hồ Chí Minh, bạn sẽ đi qua nhiều rừng nguyên sinh nhưng rừng nguyên sinh được coi là đẹp nhất và được đưa vào hoạt động du lịch của huyện là khu rừng ở xã A Roàng, cách thị trấn A Lưới 30 km, kéo dài từ A Lưới đến tận huyện Giàng của tỉnh Quảng Nam.
Dulichgo
Khu rừng nguyên sinh với nhiều thác cao, vực sâu rất hấp dẫn đối với loại hình du lịch sinh thái và dành cho ai thích phiêu lưu, mạo hiểm, ưa cảm giác mạnh. Chắc chắn đã một lần đi qua, bạn sẽ có nhiều kỷ niệm với cung đường huyền thoại này.

5. Cung đường TL 14: Khe Tre - Thác Mơ

< Cung đường đèo lên thị trấn Khe Tre.

Là cung đường ít được lựa chọn nhất so với 4 cung đường trên bởi đường đi hiểm trở, càng đi càng khó. Cắt với quốc lộ 1A, không khó để bạn tìm đến tỉnh lộ 14B, cung đường ôm sát vườn quốc gia Bạch Mã hùng vĩ. Chạy đến hết thị trấn Khe Tre là cũng hết đường. Từ đây, nếu muốn đi tiếp, bạn chỉ có một cách đi bộ ngược con sông Thượng Lộ để vào vườn quốc gia. Tuy nhiên, đó lại là một câu chuyện khác dành cho những ai đam mê khám phá thiên nhiên.

< Khu vực ven vườn quốc gia Bạch Mã rất hoang sơ.
Dulichgo
Nếu chỉ muốn du lịch nhẹ nhàng, trên đường đến thị trấn Khe Tre, bạn sẽ đi qua khu du lịch thác Mơ, Nam Đông. Nếu ở vùng đồng bằng Huế đang là những ngày nắng nóng thì không khí ở huyện miền núi Nam Đông thời tiết lại mát mẻ. Thác Mơ đón những con nước bắt nguồn từ núi rừng Bạch Mã cao hơn 1.400m so với mực nước biển đổ về nên càng mát mẻ hơn.

Người dân địa phương và quanh vùng biết đến nơi này khá lâu bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những cánh rừng xanh ngát bao phủ soi mình dưới làn nước trong veo, mát lạnh.

Nằm trên trục đường mòn chính dẫn lên các dãy núi địa phương và xa hơn là dãy núi Bạch Mã kéo dài trùng điệp, thác Mơ như một điểm nhấn giữa vẻ đẹp ngút ngàn, hùng vĩ của núi rừng xứ Huế.

Bạn sẽ ấn tượng với hồ nước rộng lớn, xanh ngắt, đánh dấu điểm cuối cùng của 3 ngọn thác bắt nguồn từ núi cao. Được thiên nhiên ban tặng 3 vũng nước lớn khá sâu, rộng trên dưới cả 100m² mỗi vũng, đủ để phục vụ tất cả các du khách muốn ngâm mình trong dòng nước mát lành.
Dulichgo
Ở phía đầu nguồn, một tảng đá lớn cao ngất hiện ra hoà cùng tiếng nước ầm ầm đồ về các hồ bên dưới. Có người bảo, đó là “khúc nhạc núi rừng”, là tiếng thác, tiếng gió hòa trong tiếng chim muông và là “tiếng” đặc trưng của thác Mơ.

Theo Binhqb94 (Khám Phá Di Sản)
Du lịch, GO!