(BNA) - Vùng đất Nho Lâm (nay là xã Diễn Thọ - Diễn Châu) có lịch sử hàng ngàn năm (thể hiện qua hiện vật được khai quật) đã hun đúc nên nét đẹp truyền thống từ bao đời. Mạch nguồn truyền thống chính là điểm tựa, là động lực giúp thế hệ con cháu hôm nay tự tin và vững bước trên hành trình xây dựng cuộc sống mới.

Với tôi, vùng đất Nho Lâm có một sức hút lạ kỳ, không phải bị cuốn hút bởi danh lam thắng cảnh hay sự hấp dẫn của các món ăn, mà vì nơi đây tình người sâu đậm và những câu chuyện thú vị, thấm đẫm tình đời. Mỗi lần về đây là một lần có thêm một cuộc gặp gỡ, một sự trải nghiệm để hiểu thêm về một lẽ nhân sinh, một điều thú vị giữa dòng chảy cuộc đời.

Nơi đây, những tên núi, tên đất, tên làng còn mang đậm dấu tích cổ xưa nhưng vẫn gợi lên những gì rất đỗi giản dị và gần gũi: rú Ta, rú Mụa, rú Kìm, rú Ong, rú Chạch, rú Bà, rú Lá, ngàn Đại Vạc, khe Chanh, khe Bò, khe Dọc, khe Dài, khe Nằm Ngang...


< Một góc Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu) hôm nay.

Nơi đây, quê hương của Cao Lỗ - vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, người có công giúp vua chế nỏ thần chống quân xâm lược. Nơi đây, từng nổi tiếng với nghề đúc sắt và rèn sắt, với truyền thống hiếu học và khoa bảng, với câu chuyện khai đất lập làng, với điệu hát reo đặc sắc.

Tôi đã từng được gặp những con người đặc biệt của mảnh đất Nho Lâm, dù khác nhau về hoàn cảnh và tuổi tác nhưng điểm chung của họ là bầu nhiệt huyết không bao giờ vơi cạn. Đó là ông Nguyễn Thế Phúc, một người lính từng tham gia 3 cuộc chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc). Là ông Đặng Xuân Huynh, một thương binh từng đi khắp các nghĩa trang chụp ảnh mộ liệt sỹ quê Nghệ An rồi lần theo địa chỉ gửi về cho các thân nhân. Là ông Nguyễn Thế Chu, một “lão nông” đam mê nhạc cụ dân tộc, sử dụng nhuần nhuyễn đàn nhị, đàn nguyệt và sáo. Là Cao Cự Hùng, người đàn ông tật nguyền, phải di chuyển bằng tay, sống bằng nghề sửa xe máy và được tôn vinh là “kiện tướng”...
Dulichgo

< Bia văn hội, sỹ hội và Bia Giếng hội trong khuôn viên UBND xã Diễn Thọ (Diễn Châu).

Về Nho Lâm lần này, tôi ghé thăm ông Đặng Quang Liễn (82 tuổi) - giáo viên nghỉ hưu, là người luôn có niềm say mê với việc sưu tầm, nghiên cứu về truyền thống của quê hương. Gặp ông, được nghe ông chuyện trò, tôi lại có thêm một cơ hội để nắm bắt mạch nguồn của một vùng đất cổ, được đắm mình trong dòng chảy từ muôn xưa.

Đến nay vẫn chưa đủ cứ liệu để xác định thời điểm ra đời của tên gọi Nho Lâm, vấn đề này vẫn đang là một ẩn số. Chỉ biết rằng qua mấy lần khai quật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều công cụ thuộc hậu kỳ đá mới như lưỡi cày, lưỡi rìu, đạn đá, khuyên đá, vòng đá và chày đá...

Những hiện vật khảo cổ tìm thấy ở Nho Lâm đã khẳng định trên dưới 5.000 năm trước nơi đây đã có cư dân người Việt sinh sống. Người chiêu dân, lập ấp và khai cơ nên làng Nho Lâm được cho là một người có tên hiệu Thiện Trí Giải Sỹ, gia phả dòng họ Cao nơi đây gọi là “Hoàng sơ thủy tổ”.


< Những bức tường rào xây bằng gạch táp lô làm từ xỉ sắt ở Diễn Thọ (Diễn Châu).
Dulichgo
Đối chiếu với các cứ liệu lịch sử và những vùng đất lân cận, có thể xác định Nho Lâm được khai phá vào những năm cuối thế kỷ 14 - thời kỳ người xứ Bắc di dân vào vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh mở đất, lập làng, xây dựng “lá chắn” nơi “phên dậu” phía Nam của quốc gia Đại Việt. Nghĩa là làng quê này đã được hình thành từ hơn 600 năm trước, một quãng thời gian không hề ngắn trong dòng chảy lịch sử với bao thăng trầm, hưng phế.

“Đến Nho Lâm, anh có thấy những bức tường rào xây có màu đen trông rất đặc biệt ko? Đó là do những viên gạch táp lô được làm xử xỉ sắt, xỉ sắt ở đây nhiều vô kể, là kết quả của nghề đúc sắt có từ hàng trăm năm trước. Nói vậy để thấy rằng, nghề đúc sắt và rèn sắt đã từng phát triển rực rỡ ở vùng quê này” - ông Đặng Quang Liễn rất đỗi hào hứng khi nói đến truyền thống quê hương.

< Nghề rèn ở Nho Lâm.

Nghề đúc sắt còn lưu lại dấu vết cả trong những câu ca được bao thế hệ lưu truyền: “Nho Lâm than quánh nặng nề/Em có đang được thì về Nho Lâm”. Quặng sắt được lấy về từ mỏ quặng thuộc xã Quả Trình (nay là Nghi Công - Nghi Lộc), về cho vào lò hông thành chai sắt. Nơi đây từng có hàng trăm lò hông và lò rèn, người làng kể rằng lò hông quá nhiều nên không đủ nơi thải lượng xỉ sắt quá lớn, đường sá, ruộng vườn, lòng đất đều tràn ngập xỉ sắt. Không còn nơi đổ, đêm đến người Nho Lâm phải gánh sang các làng khác đổ trộm, nên những làng này dù không có lò hông nhưng xỉ sắt vẫn nhiều. Ngày nay, bà con vẫn thường lấy xỉ sắt dưới lòng đất để đóng gạch xây tường rào và công trình phụ, chất lượng của loại gạch này rất bền và tốt.
Dulichgo
Chai sắt hông xong được bán cho các lò rèn trong làng để sản xuất các loại nông cụ như lưỡi cày, cuốc, xuổng, dao... Sản phẩm nghề rèn của Nho Lâm có chất lượng cao, được bán khắp các khu chợ trong vùng, ra tận địa bàn Yên Thành, Quỳnh Lưu, ngược lên Đô Lương, phủ Quỳ.

Tương truyền, khi Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, lúc dừng chân ở Nghệ An được người dân Nho Lâm tiếp tế thêm binh khí. Rồi sau này, trong cuộc khởi nghĩa nông dân do Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo; và phong trào Cần Vương dưới sự chỉ huy của Nguyễn Xuân Ôn, người dân Nho Lâm hưởng ứng bằng cách rèn binh khí cho nghĩa quân đánh giặc.

Ở Diễn Thọ vẫn còn lưu giữ được có hai tấm bia đá khắc chữ Hán là Bia Văn hội, sỹ hội và Bia Giếng hội. Bia Văn hội, sỹ hội trước đây được đặt tại nhà Văn chỉ, về sau nhà Văn chỉ bị xuống cấp nên được chuyển về đặt trong khuôn viên UBND xã Diễn Thọ. Tương tự, Bia Giếng hội trước đặt bên bờ giếng làng, nay cũng được chuyển về khuôn viên ủy ban. Bia Văn hội, sỹ hội khắc tên 318 người con làng Nho Lâm thi đỗ tại các khoa thi thời phong kiến, trong đó có 01 Tiến sỹ (cụ Đặng Văn Thụy, đỗ Tiến sỹ khoa Giáp Thìn (1904), đời vua Thành Thái); 04 Xuân thí tam trường và Phó bảng; 19 Hương cống và Cử nhân; 294 Hiệu sinh, Sinh đồ và Tú tài.

< Đền thờ Cao Lỗ - vị tướng của Thục Phán An Dương Vương, người con của đất Nho Lâm - Diễn Thọ (Diễn Châu).

Tấm bia ấy đã nói lên truyền thống hiếu học và khoa bảng của đất Nho Lâm, chưa thể so với Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) hay Hành Thiện (Xuân Trường - Nam Định) nhưng cũng không mấy nơi có thể sánh bằng. Ở Nho Lâm còn lưu truyền bao câu chuyện về khổ học thành tài, trở thành tấm gương cho muôn đời con cháu. Các dòng họ: Cao, Hoàng, Nguyễn, Đặng luôn tự hào vì đời nào cũng có người thành danh trên con đường học hành, khoa cử.

Ngày nay, nghề đúc sắt không còn, nghề rèn cũng đã mai một, nhưng bù lại, thế hệ con cháu ở Nho Lâm đã phát huy được sự thông minh, năng động và cần cù, chịu khó của người xưa. Truyền thống hiếu học vẫn được tiếp nối, nhiều người con của vùng quê này tiếp tục được ghi danh bảng vàng, các dòng họ đều xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Riêng dòng họ Nguyễn dành một góc của từ đường để đặt Tủ sách khuyến học, hiện tủ sách đã có hơn 1.000 cuốn sách khoa giáo, tài liệu tham khảo và các loại sách về khoa học - kỹ thuật.
Dulichgo
Hàng năm, Diễn Thọ có trên dưới 100 em thi đậu vào các trường đại học, hầu hết đạt số điểm khá cao. Đặc biệt, năm 2014 có em Cao Ngọc Thái đoạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế. Con em Nho Lâm - Diễn Thọ lập nghiệp phương xa có nhiều người thành đạt và luôn hướng về quê cha đất tổ. Ông Đặng Quang Liễn cho biết thêm, hiện con cháu Nho Lâm ở Hà Nội đang có kế hoạch vận động đóng góp kinh phí phục dựng nhà Văn hội và một số công trình kiến trúc - văn hóa đã bị mất mát do tác động của thời gian và những biến động của lịch sử, để mạch nguồn văn hóa quê hương mãi trường tồn.

Cùng với việc duy trì và phát triển nghề nông, người dân Diễn Thọ còn tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, cơ khí và nghề mộc. Nhờ đó, nguồn thu nhập được nâng lên, bộ mặt kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà cao tầng khang trang nằm dọc hai bên con đường thẳng tắp, việc kinh doanh, buôn bán ngày một sầm uất. Diễn Thọ luôn khẳng định được vị trí trung tâm của khu vực phía Nam huyện Diễn Châu và đang được quy hoạch thành thị tứ.

Một ngày ở đất Nho Lâm, tôi đã gom nhặt được bao điều thú vị, hình dung được phần nào mạch nguồn của một vùng quê văn hiến của xứ Nghệ. Và chắc chắn tôi sẽ trở lại nơi này...

Theo Công Kiên (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!