(LĐO) - Chỉ còn được truyền miệng do người già trong bản nhiều đời truyền lại, những câu chuyện tưởng như chỉ có trong truyền thuyết lại là ông vua có thật xưng bá vùng đất người Tày ở Chiềng Ken (Văn Bàn, Lào Cai).

Nổi tiếng với những câu chuyện không được chép trong lịch sử nhưng lại được truyền khẩu qua nhiều thế hệ từ đời này sang đời khác, cho đến nay, con cháu người Tày vẫn kể cho nhau nghe “thâm cung bí sử” về ông vua Chà Liều lập ngai vua trên đỉnh núi cao chót vót nhưng lại uống nước tận khe suối, nơi có mạch nước ngầm ở chân núi Gia Lan...

Cậu bé người Thái đen “ôm mộng bá vương”

Đến xã Chiềng Ken, ai cũng nói có vua Chà Liều ở vùng đất này. Nhưng để biết chắc về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp về ông vua này chỉ còn sót lại trong dân gian những câu chuyện được chúng tôi chép lại từ những người già trong bản. Thế nên, đến giờ vẫn còn địa danh Pú Chà Liều (tiếng Tày “pú” nghĩa là núi), chỉ đỉnh núi trước đây là nơi vua Tày đã lập ngai ở đó... Năm tháng đã đi qua, thời gian đã phủ mờ dấu tích, chỉ còn lại đỉnh núi cao ít người đặt chân đến.

Từ thuở chăn trâu cắt cỏ, cậu bé Chà Liều người Thái Đen ở xứ Mường Thát đã tỏ ra thông minh lanh lợi khác người. Cậu bắt bọn trẻ trâu phải làm kiệu để “công kênh” mình trên vai... mà trẻ con thời ấy đều răm rắp phục tùng Chà Liều. Ông Vấn Xuân Tới, người thôn Chiềng năm nay tròn 60 tuổi, nói rằng ông nội của ông đã kể lại như vậy.
Dulichgo
Gặp và trò chuyện với nhiều người Tày bản địa ở Chiềng Ken đều nói, đời ông bà truyền lại cho con cháu nghe về cậu bé chăn trâu Chà Liều vốn xưa ương bướng lắm, lại ngỗ nghịch, không giống ai... thế nên trẻ con trong làng bây giờ hễ đứa nào không ngoan thì ông bà bố mẹ đều gọi với cái tên Chà Liều.

Sau này lớn lên, Chà Liều lập thủ lĩnh cai quản cả một vùng đất núi non trùng điệp, rừng xanh, muông thú muôn loài... Lập ngai vua trên núi cao, xây thành, đắp lũy... lấy thế núi, thế rừng làm nơi phòng thủ. Ngày đó, dù chỉ bằng sức người và ngựa kéo, quân lính của vua đã xây thành, đắp đường đi từ chân núi, vòng qua mấy quả đồi dẫn lên dinh thự của vua ở.

Phải đi bộ vào bản một quãng khá xa, vòng qua những nếp nhà sàn của người Tày, chúng tôi đến được nhà bà La Thị Hà, thôn Chiềng 3, xã Chiềng Ken. Sau khi trò chuyện, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về vua Chà Liều, bà La Thị Hà đã dẫn chúng tôi ngược dốc men theo lối mòn nhỏ đi lắt léo dưới rừng cọ, phải nghỉ mấy chặng chúng tôi mới đến được con đường của vua Chà Liều, dù giờ đây con đường ấy đã không còn đúng nghĩa là con đường đi như ngày xưa nữa. Có những đoạn tôi tưởng chừng mình như không thở được bởi dốc đứng, vậy mà thuở trước quân lính đã san được con đường bằng trên đỉnh núi khi không có máy móc, thiết bị gì...…Con đường rộng bằng chiều ngang của một chiếc chiếu hoa, rồi vòng vèo băng qua mấy ngọn đồi cao, lên đến khu Chà Liều bắt gặp con đường hình xoáy trôn ốc, đưa mọi người đến một khu rừng giờ chỉ là rừng tái sinh, gỗ tạp...
Dulichgo
Bà La Thị Hà cho biết: Ông nội của chồng bà kể lại cho con cháu nghe, có lần đi làm nương xa nhà, lúc nằm ngủ trên nương lúa đã “gặp” được vua Chà Liều... Cũng chỉ là được gặp trong giấc mơ và kể lại như vậy. Dù không có ghi chép lịch sử, nhưng theo như nhiều người già trong làng thì nếu có hậu duệ của vua Chà Liều đến bây giờ cũng phải là ở đời thứ 40 rồi!

Đã qua bao biến đổi của thời gian, những dấu tích về cung điện xưa kia, cùng thành lũy và ngai vua không còn nữa. Cũng bởi lý do, chưa có một nghiên cứu khảo cổ học nào về khu Chà Liều. Có thể, tất cả vẫn đang ngủ yên dưới khu rừng yên tĩnh này. Chỉ còn lại những câu chuyện kể về cậu bé chăn trâu người Thái đen xưng vua người Tày ở vùng đất bên dòng Nậm Chăn.

“Vua kin nặm bó dê, mê kin nặm bó da”

Dịch nghĩa tiếng Tày có nghĩa là “Vua uống nước ở Gia Lan, vợ vua uống nước ở Hòa Mạc”... Có người nói vua Tày Chà Liều chỉ có 1 vợ, nhưng cũng có người nói rằng, vua có vợ chính và một vợ bé là sau khi giao chiến với thủ lĩnh người Kinh chiến thắng, nên được thủ lĩnh người Kinh gả con gái cho ông. Cũng chính người vợ ân oán này đã là mối nguy tiềm ẩn về cái chết bí ẩn của ông sau này.

Lại nói về cuộc sống thường nhật của vua thời hoàng kim. Chà Liều có rất đông quân lính, trong triết lý của riêng ông, dù sống ở Chiềng Ken, vùng đất khá trù phú tốt tươi, nhưng có điều đặc biệt ông không bao giờ uống nước tại chỗ... mà phải chọn nguồn nước mạch hay theo quan niệm của người Tày, đó là nơi có nước thiêng sai quân lính đem về dùng.

Vì sao có giai thoại “Vua uống nước Gia Lan, vợ vua uống nước ở Hòa Mạc” là bởi, dù vua và vợ đều ăn chung, ngủ chung, cùng ở trên núi cao ở Chiềng Ken, nhưng hai vợ chồng lại uống nước ở hai nguồn khác nhau. Ở Gia Lan (Khánh Yên Trung) có một mó nước, hay còn gọi là mạch nước ngầm, dân trong làng, trong bản và cả vùng Mường Thát coi đó là mỏ nước thiêng... không ai được uống nước ở đó mà chỉ là nơi để lấy nước dâng vua. Còn nguồn nước cho cung phi và người hầu ăn uống, tắm giặt lại ở nơi khác.
Dulichgo
Đi hỏi mấy người già trong làng, họ đều kể lại giai thoại dâng nước, quân lính xếp hàng từ nơi có mạch nước ngầm đến tận đỉnh đồi cao... rồi truyền tay nhau mang nước về cho vua uống. Đã vậy, nếu ai không lấy kịp nước về cho vua dùng, cũng bị “hóa” ngay lập tức. Thế mới biết thời ấy quân lính của vua đông đến nhường nào, nguồn nước ở tận mạch nguồn nơi xa cách đó hàng mấy chục cây số, ấy vậy mà quân lính đứng xếp hàng dài, từ nơi có nguồn nước lên đến tận “ngai vàng” trên đỉnh núi...

Nguyên chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Chài, năm nay đã 74 tuổi cho biết: Châu Văn Bàn xưa được chia thành các mường: Mường Thát, Mường Chăn, Mường Khoa. Khu Chà Liều, hay đỉnh Chà Liều thuộc đất Chiềng Ken là một khu đất thiêng thuộc Mường Thát xưa. Người già trong làng kể lại có người đã nhìn thấy cái chảo gang 12 quai nấu được 9 con trâu, nhưng cũng chính ông cụ Vấn Văn Ngân (già đã chết) nhìn thấy chiếc chảo đó rồi cũng không có đường ra. Chứ thực ra, không có sử sách nào ghi chép cụ thể về ông vua này mà chỉ có những câu chuyện truyền miệng từ đời này sang đời khác ở vùng đất này mà thôi...

Chuyện ông vua người Tày Chà Liều sống ở Chiềng Ken mà uống nước tận nguồn ở Khánh Yên Trung cũng là điều khác lạ, nhưng điều khiến con người ta tò mò hơn cả là Chà Liều sinh ra như một sứ mệnh của người Trời. Cũng chính vì điều đó, mà nhiều người rắp tâm rình sơ hở của vua hòng giết hại, thế nhưng bí mật về điều đó cũng không được tiết lộ. Vậy nên, chính điều bí ẩn đó đã trở thành câu chuyện “truyền kỳ” về ông vua xứ Tày Văn Bàn...

Bí ẩn về cuộc đời và cái chết

Nhiều người nói rằng, Chà Liều là tên của vua từ nhỏ, cũng có người cho rằng Chà Liều dịch nghĩa từ tiếng Tày, có nghĩa là dựng ngai (lều) trên núi cao. Không biết hiểu theo nghĩa nào cho đúng, nhưng chỉ biết giờ đây người Tày khắp châu Văn Bàn thuở trước đều biết đến một ông vua có tên Chà Liều... Thế nên, cuộc đời, những bí sử và những dấu tích còn lại của vua Tày Chà Liều rất cần được khảo cứu, sưu tầm, chắp nối và ghi lại để cho con cháu người Tày biết về lịch sử phát triển của dân tộc mình, đã từng xuất hiện một ông vua thời trước.
Dulichgo
Cũng nhiều lần xung đột giữa các bộ tộc, trong đó có những trận quyết liệt với một thủ lĩnh người Kinh. Nhưng bao giờ Chà Liều cũng là kẻ chiến thắng. Không có một thủ lĩnh nào có thể “địch” lại được Chà Liều... bởi không có tên, súng nào có thể làm Chà Liều gục ngã, cũng không có một kẻ nào có thể dùng gươm đao, súng ống giết được ông vua này.
Dân bản và người vợ vô cùng ngạc nhiên thấy được khả năng “siêu phàm” của vua thì tò mò lắm... Trong những lúc tỉ tê bên chồng, được chồng yêu thương chiều chuộng, vợ vua mới biết được “điểm yếu” của vua...

Tin tưởng và hết mực yêu thương vợ, ông đã giãi bày tình cảm của mình cũng như đã “thổ lộ” về điểm yếu ấy: Không thể tên nỏ, gươm đao nào có thể giết chết được ta, trừ khi có ai đó dùng kim châm lên đúng cái huyệt ở thóp trên đỉnh đầu... Biết được điểm yếu đó, vợ vua nuôi chí để hãm hại vua như ý nguyện ban đầu của cha mình, một thủ lĩnh người Kinh đã từng bại chiến khi chiến đấu với Chà Liều.

Nhân một hôm, sau khi đã tham quan vãn cảnh xong, vua về nghỉ, vợ vua đã chuẩn bị sẵn một cây kim rồi cắm vào nải chuối, bưng lên thết đãi nhà vua. Sau khi cơm rượu no say, vua lăn ra ngủ, người vợ đã lén lút dùng chiếc kim lấy từ trong quả chuối và thực hiện ý định của mình. Đúng như lời vua đã nói, Chà Liều không thể sống nổi... trước mũi kim đâm đúng huyệt thóp trên đầu.

Trước lúc lâm chung, Chà Liều đã dặn vợ khi chôn phải đặt úp mặt xuống để sau này còn có người kế nghiệp vua cha... Thế nhưng người vợ không làm theo lời chồng dặn, khi chôn vẫn lật ngửa thi hài của vua, nên từ đó, dòng tộc của vua Chà Liều bỗng dưng lụi tàn, không còn người nối dõi... Mặc dù ở Chiềng Ken mọi người vẫn bảo rằng có nhiều ngôi mộ cổ “vô chủ” của người Thái đen, bởi do mất họ từ lâu nên ít người để ý, chẳng ai hương khói thăm nom gì...

Sau khi vua chết, người Tày ở Chiềng Ken đã làm một ngôi nhà sàn 5 gian để thờ tự ở một gò thấp hơn nơi vua ở... theo ý nghĩa là “chầu” lên ngai vua. Ngôi nhà gỗ 5 gian được làm theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày rất công phu và là công trình kiến trúc độc đáo. Ông Hoàng Văn Bàn, năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Ông kể lại, những năm 1950, ông đã từng được chứng kiến lễ mổ trâu để tế vua Chà Liều, dân làng tổ chức rất to. Trong năm có 2 lần mổ trâu tế vua như thế vào tiết Thanh Minh (thường là ngày 3/3) và dịp Rằm tháng Bảy. Trâu mổ để dùng tế vua thường là trâu trắng...

Khi cúng lễ phải có thầy mo và có sự chứng kiến của 3 dòng họ: Ma, Vương, Vi. Lễ tế cũng là ngày hội rất đông vui của làng. Trai gái trong vùng đến đây vui hội, đánh quay, hát then... Sau khi mổ trâu làm lễ xong, dân làng được ăn uống linh đình ở ngay tại ngôi nhà sàn 5 gian đó. Hồi ấy còn chưa có rượu uống như bây giờ mà có thức uống gọi là rượu tương tư, tức là một loại cỏ “tương tư” mọc ở rừng người dân lấy về vò ra uống lẫn với nước suối.

Sau này, chiến tranh kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... ngôi nhà sàn dựng trên khu đất thờ đã bị tàn phá, không còn nữa. Hòa bình lập lại, nhiều gia đình người Tày cũng đã từng lên khu đất này dựng nhà để ở, song không ai ở đây được lâu. Anh Hoàng Văn Chiến, năm nay 45 tuổi cho biết: Khu đất thờ ấy trở thành khu đất thiêng bởi gia đình nào dựng nhà cũng bị làm ăn thất bát, mất mùa, trong nhà có người ốm đau nên ở một thời gian rồi đều chuyển đi nơi khác. Thế nên giờ đây, khu đất dựng nhà sàn thờ vua Chà Liều trước đây giờ vẫn chỉ là khu đất trống, không có ai đến ở nữa.

Trước đây khu này là rừng già có nhiều gỗ lim, táu với những cây to hàng chục người ôm không xuể. Dãy núi nơi mà Chà Liều chọn nơi làm cung điện, thành lũy để xưng vua hùng bá một vùng kéo dài đến tận chân đền Chiềng Ken, ngôi đền thiêng bằng gỗ. Sau này khi đất nước vẫn còn chiến tranh chưa dứt, thì chính đồi Chà Liều đã là nơi đặt trạm phòng không, tập kết pháo 12 ly 7... Trở lại chuyện ghi ở Đền Chiềng Ken này mới biết cũng trong những năm tháng chiến tranh, chính ngôi đền đã bảo vệ con em chiến sỹ trong bản. Bởi ngày ấy, mỗi khi ra trận, những chàng thanh niên người Tày ở Văn Bàn đều “gửi áo vào đền”...
Dulichgo
Cũng không thể lý giải hết được, nhưng cái lạ ở vùng đất Chiềng Ken là chỉ có một thương binh duy nhất, bởi những thanh niên đã gửi áo vào đền đều được “các cụ che chở”... nên vẫn an toàn trở về. Ngày nay, ngôi đền gỗ thiêng ở Chiềng Ken đã được trùng tu, tôn tạo, đang trở thành điểm du lịch tâm linh có rất nhiều người đến tham quan, vãn cảnh đền và chiêm bái cầu may.

Ông Nguyễn Xuân San (thị trấn Khánh Yên, Văn Bàn) - người bao năm nay dày công sưu tầm, ghi chép lại câu chuyện về vua Chà Liều đã viết nên một truyền thuyết khá hấp dẫn về vị vua ở xứ Mường Thát. Đây cũng là một “dị bản” về vị vua người Thái đen “ôm mộng bá vương” đất người Tày Văn Bàn. Ông San đã nghiên cứu, chắp mối các tư liệu lịch sử và cho rằng: Dù trong dân gian lưu truyền về một ông vua ngỗ nghịch từ thuở “chăn trâu cắt cỏ” rồi lại có những hà khắc trong việc chọn nguồn nước uống và bắt quân lính phục vụ dâng nước theo nghi lễ riêng của mình...

Song cũng phải nhìn nhận rằng, đây là một ông vua cũng đã từng có công chống giặc loạn ngoại xâm phương Bắc lúc bấy giờ; có công khai phá đất đai, dẫn thủy nhập điền, lập nên một vùng Mường Thát trù phù, là vùng đất Chiềng Ken (Văn Bàn) ngày nay...

Qua thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh đã làm mai một đi đền, đồn và đường lối lên nơi vua ở giờ chỉ còn dấu vết lờ mờ. Các thế hệ thầy cúng vua cũng mất dần theo năm tháng. Ba vị cuối cùng thuộc ba họ là ông Vương Văn Đán (ở Khuổi Mèo - xã Liêm Phú), ông Ma Văn Yên và ông Vi Văn Cả (thôn Sung Lảng - xã Khánh Yên Hạ) giờ đã mất hai, chỉ còn ông mo Đán đã 74 tuổi sức yếu không thực hiện được việc thờ cúng nữa. Bởi trước đây khi cúng vua Chà Liều phải có đủ 3 thầy mo ở 3 họ Ma, Vương, Vi. Các mo phải gọi “ma” từ pác ót (giáp bản Ken), sau gọi đến Cốc quang rồi gọi đến đền thờ (đền Chà Liều). Đền thờ là nhà chung, khi thắp hương gọi, hết hương phải cắm vào cốc quang sau đó rước nước hương vào đền thờ. Lợn thờ là “mu cháy” (lợn hạch) lấy từ pác ót, người khiêng vừa đi vừa chọc gậy cho lợn kêu, đó là tiếng gọi ma về (gọi hồn)...
Dulichgo
Chỉ tiếc rằng, câu chuyện về cuộc đời của vua Chà Liều còn “khá ít ỏi” nếu không sưu tầm, khớp nối lại... thì cùng với năm tháng qua đi, dần dần những câu chuyện ấy sẽ không còn được kể cho nhau nghe nữa, mai một dần, chắc hẳn lúc ấy những “thâm cung bí sử” của vua Chà Liều cũng chìm sâu trong lòng đất như cây rừng phủ xanh kín khu Chà Liều ở trên núi, nơi rừng Chiềng Ken... Và điều lạ lùng đến giờ vẫn chưa giải mã được vì sao một thủ lĩnh người Thái đen lại “hùng cứ” ở xứ người Tày.

Đem những trăn trở ấy trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, ông khẳng định: Đầu những năm 1980 của thế kỷ XX, đoàn công tác của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã đi điền dã tại Chiềng Ken và có nghe được nhiều câu chuyện hấp dẫn về Vua Chà Liều. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, Vua Chà Liều là con người có thật và có tài thao lược.

Những câu chuyện về vị vua này do được truyền miệng qua rất nhiều đời, nên có thể có những chi tiết chưa chính xác... Sở Văn hóa tỉnh Lào Cai cũng đã có phương án sưu tầm những thông tin về Vua Chà Liều thông qua lời kể của người dân địa phương và dịch những tài liệu về Văn Bàn do người Pháp viết, như Văn Bàn châu chí”, “Tiểu địa chí Văn Bàn” để có thêm tài liệu về vị vua này.

Theo Thanh Cường (Lao Động)
Du lịch, GO!