(TH) - Nằm cách tuyến quốc lộ 1A hơn 20 km theo hướng Bắc, xã Hữu Liên thuộc vùng núi đá của huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số hơn 3.000 người gồm 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông…với hoạt động kinh tế chính là nông - lâm nghiệp.

Thiên nhiên đã ban tặng cho Hữu Liên nhiều tài nguyên quý báu, trong đó đặc biệt có khu rừng đặc dụng Hữu Liên với tổng diện tích tự nhiên 10.604 ha, trong đó có hơn 7.000 ha thuộc diện khoanh nuôi, bảo vệ. Rừng nguyên sinh Hữu Liên có nhiều loài cây nguyên sinh quí hiếm hàng trăm năm tuổi như Hoàng đàn, Nghiến, Trai lý, Cây một lá, Đinh, Thiên tuế... và nhiều loài động vật quí hiếm nằm trong danh mục sách đỏ thế giới như Hươu Xạ, Voọc đen má trắng, Voọc đen tuyền, Gấu ngựa, Trăn đất…

Đây là vùng đất tự nhiên có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao, có nhiều giá trị về khoa học và du lịch, được coi như là lá phổi của vùng Đông Bắc.

Ngoài rừng đặc dụng Hữu Liên, cách UBND xã khoảng 3 km còn có khu Đồng Lâm – một khu đất rộng tới trăm héc ta với cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình; trên núi có hang, giữa có cánh đồng cỏ bằng phẳng và dòng suối chảy qua. Địa điểm này mỗi năm cũng thu hút tới hàng nghìn lượt bạn trẻ và du khách nước ngoài đến tham quan.
Dulichgo
Không chỉ đa dạng về sinh cảnh với  khu rừng đặc dụng quí hiếm, những hang động núi đá và thác nước hùng vĩ, Hữu Liên còn là nơi có nhiều giá trị về di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội và các trò chơi dân gian… tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.

Trên địa bàn xã còn có nhà thờ Tự Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong ba vị tướng được Triều đình phong tước, có sắc của vua ban cho Quý Minh là “Thượng đẳng thần”. Năm 2010, UBND tỉnh đã có quyết định bảo tồn và phát triển di sản văn hoá phi vật thể lễ hội gò chùa Hữu Liên vào ngày 13/3 âm lịch. Đối với lễ hội này, xã đã phục dựng lại các nghi lễ, trò chơi diễn xướng dân gian. Hoạt động bảo tồn loại hình văn hoá đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự và trải nghiệm du lịch tâm linh.

Là điểm nối giữa hai thị trấn huyện Hữu Lũng - Bắc Sơn với tuyến giao thông liên huyện khá hoàn chỉnh, ngoài sự đa dạng về sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, xã Hữu Liên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái và du lịch khám phá cảnh quan tự nhiên.

Dạo quanh xã Hữu Liên, nổi bật giữa những thung lũng lúa nước bằng phẳng là những nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát nằm lưng chừng mây núi của rừng già tựa như một bức họa thủy mặc làm say đắm lòng người. Kiến trúc nhà sàn ở đây cao rộng, thoáng đãng với đa phần các ngôi nhà 4 gian 2 trái nằm rải rác theo từng cụm từ 5 - 7 hộ, lưng dựa vào thế núi, mặt hướng ra cánh đồng bằng phẳng. Nhà cửa của người dân Hữu Liên vừa cao ráo sạch sẽ tránh được muỗi vắt, thú rừng, vừa rộng rãi thoáng mát lại vừa tao nhã mềm mại. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng.
Dulichgo
Người dân xã Hữu Liên gồm nhiều dân tộc thiểu số sinh sống cùng nhau trong một thời gian dài nên có sự hòa đồng nhiều mặt giữa các dân tộc tạo nên một nền văn hóa phong phú và đa dạng biểu hiện trong cách ăn, mặc, tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống…Người dân Hữu Liên còn nổi tiếng bởi sự hiếu khách và lòng chân thực, điều này được mô tả qua câu ca:

Hữu Liên có gốc đào tiên,
Nam nữ đến đó bén duyên chẳng về.
Hữu Liên có gốc bồ đề,
Bạn khách đến đó muốn về ngay đâu.

Du lịch sinh thái cộng đồng là hoạt động du lịch đang trở thành một xu hướng tích cực để đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường, các giá trị nhân văn giàu bản sắc văn hóa thông qua việc giáo dục nhận thức của cộng đồng, xã hội. Việc đánh thức và phát huy được tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng của Hữu Liên là hướng đi đúng đắn cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, doanh nghiệp góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc đồng thời nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Du lịch, GO! tổng hợp từ CTTĐT tỉnh Lạng Sơn, Du lịch Lạng Sơn...