(TQO) - Nằm bên vùng lòng hồ sinh thái Na Hang rộng hơn 8.000 ha, thác Khuổi Nhi, thuộc địa phận xã Thượng Lâm (Lâm Bình - Tuyên Quang) là điểm dừng chân lý thú, không thể thiếu của du khách. Bắt đầu hành trình chạy thuyền khách từ chân đập thủy điện Tuyên Quang, hơn 1 giờ lênh đênh trên lòng hồ, ngắm cảnh đẹp hai bên, du khách đã tới được thác Khuổi Nhi. Nhìn từ xa, thác có nhiều tầng, chảy dài 3 km từ trên đỉnh núi xuống lòng hồ mềm mại tựa như suối tóc nàng tiên giữa đại ngàn.

Hiện nay, trên lòng hồ có khoảng 50 thuyền du lịch đều chọn thác Khuổi Nhi làm điểm dừng chân. Tại đây, du khách được trải nghiệm câu cá, leo thác, tắm thác, cho cá rỉa chân, nấu nướng ven hồ, cắm trại, vui văn nghệ, bơi thuyền nan, thuyền kayak. Trên thuyền du lịch của gia đình có đầy đủ dịch vụ ăn uống, giải khát cho du khách.

Gần chân thác, một số hộ đã làm bè nổi phục vụ việc nghỉ ngơi, ăn uống của du khách với nhiều món cá đặc sản trên lòng hồ. Tận dụng dòng thác, nhiều hộ sử dụng máy phát điện mini, dẫn điện về bè nổi để thắp sáng, chạy quạt, xem ti vi.
Dulichgo
Đến tối, nhiều thuyền còn lán lại để câu cá đêm, xem ngư dân đánh cá, sáng ra chụp ảnh bình minh trên khu vực Cọc Vài. Đây là một trong những trải nghiệm đầy thú vị khi du khách đến với hồ sinh thái Na Hang.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Na Hang, thác Khuổi Nhi đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên vùng lòng hồ. Đơn vị đã tiến hành khảo sát, làm các bậc lên thác một cách thuận tiện, an toàn. Hệ thống cây xanh, rừng nguyên sinh được bảo vệ nguyên trạng, tránh tác động của con người.
Dulichgo
Ban Quản lý đã tích cực tuyên truyền cho các chủ thuyền du lịch, nhà bè, khách du lịch cùng chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, cam kết không vứt các loại rác thải, đặc biệt là vỏ chai nhựa, túi ni lông ra khu vực thác và lòng hồ. Nhờ có sự chủ động trên mà khu vực thác Khuổi Nhi đã hạn chế tối đa sự tác động của con người vào thiên nhiên.

Lên thác Khuổi Nhi thích nhất vẫn là hoạt động leo thác, tắm thác, cho cá rỉa chân. Với chiều dài khoảng 3 km, thác đổ từ trên đỉnh núi xuống vách đá với dòng nước trong, mát lạnh. Thác có nhiều tầng, nước chảy mạnh, tung bọt vào vách núi trắng xóa. Những giọt nước nhỏ theo gió bay ly ty tạo một không gian mát lạnh.

Du khách leo lên đỉnh là tầng thác chính, thác dội từ trên cao xuống nhìn như “mái tóc nàng tiên giữa đại ngàn”. Nhiếp ảnh gia Hoàng Hưng (Na Hang) cho biết, anh đã dẫn nhiều đoàn khách du lịch đến đây để chụp ảnh thác. Cảm nhận của họ là thác nước quá đẹp, phong cảnh hữu tình.
Dulichgo
Một “đặc sản” mà không ở đâu trên lòng hồ có được, chỉ có ở thác Khuổi Nhi. Đó là cảm giác “buồn buồn, tê tê” khi du khách cho cá rỉa chân. Đây là một loại cá nhỏ, sống ở vùng thác nước trên núi cao.

Cá chịu được tốc độ dòng chảy rất lớn nên có hình thù đầu nhọn, người dài, mình mỏng. Mồm cá được cấu tạo đặc biệt, có thể bám chắc vào cây, vách đá. Cá ăn rong rêu, phù du. Khi du khách ngâm chân xuống nước, đàn cá ngay lập tức đến rỉa. Bởi trong tuyến mồ hôi của người hay có một lượng muối nhất định, cá rất thích “vị mặn” này. Chị Trần Lan Hương, một khách du lịch ở Hà Nội chia sẻ, chị có một cảm giác khó tả khi được đàn cá rỉa chân và thấy rất thú vị. Nhất định trong một ngày gần đây, chị sẽ đưa cả gia đình lên Na Hang, Lâm Bình du lịch và không thể bỏ qua điểm thác Khuổi Nhi.

Với vẻ đẹp tự nhiên riêng có, thác Khuổi Nhi đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với hồ sinh thái Na Hang.

Theo Quang Hòa (Báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!