(BQN) - Đồng hồ réo 3 giờ sáng. Chiếc xe máy cà tàng ngược thành phố Quy Nhơn ra chợ nón Gò Găng (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Trong ánh đèn dầu leo lắt, họ ngồi đôi khi như pho tượng.

Ngay từ đầu cổng, có một người phụ nữ đang ngồi cho con bú, nhẹ ru: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi”. Câu ca dao, cũng như nguồn gốc chợ nón, đều xuất phát từ thời Tây Sơn.

1. Tôi như suýt phải… chưng hửng vì cái sự hoang vắng của chợ nón, nó khác xa so với những gì mình đã đọc được và nghe kể. Lần hỏi mới biết, té ra chợ nón được “chia” thành hai phần, là phần buôn bán nón và phần buôn bán những nguyên liệu để làm nón. Nơi tôi đang đứng, là chỗ sẽ diễn ra việc mua bán nón sau hơn một tiếng đồng hồ nữa, lúc 5 giờ sáng. Còn sâu vào phía bên trong, thì chợ đã xôm rồi. Ở đó, dưới ánh đèn vàng, họ ngồi im lặng đến lầm lũi. Bỏ mặc những thanh nan, lồ ô, lá xâu, lá ké, tre, chành nón… nằm chỏng chơ, chả có tí mời gọi nào.

Những người tham gia phiên chợ này, dường như ý thức được giấc ngủ của những ngôi nhà gần chợ, nên họ rất nhỏ nhẹ, vừa đủ cho kẻ mua người bán nghe thấy nhau; không tranh giành chỗ bán, những người đến sau bày biện bên cạnh người đến trước, cứ thế xếp thành hàng dài hai bên đường; khá thú vị là, mỗi người chỉ bán một loại nguyên liệu.
Dulichgo
Vừa bỏ những bó lá xuống đất, chị Phan Thị Nga (43 tuổi, ở Cát Hanh,  huyện Phù Cát) giải thích thắc mắc của tôi: “Lá này dùng để lợp nón, mỗi bó như thế này có giá 40.000 - 50.000 đồng tùy lớn nhỏ và chất lượng lá”. Để ý, thấy chị mang đến phiên chợ 8 bó lá như thế, nếu được giá chị sẽ thu về 400.000 đồng, một món tiền không nhỏ với những người làm nông. Tuy nhiên, nếu tính ra ngày công, thì chả bõ bèn gì so với sự vất vả. Bởi để có được số lá ấy, chị phải mất 4 - 5 ngày để đi cắt, trên những triền núi, cánh rừng đầy hiểm nguy.

2. Sự có mặt của tôi không làm nhiều người mảy may chú ý. Cũng đúng thôi, họ có lạ gì đâu những kẻ vai mang ba lô và tay kè kè máy ảnh. Bên dưới mép hiên cũ kỹ và đầy vá víu của một căn nhà héo úa, cái lướt nhìn của tôi chạm hình ảnh một lão niên. Thật không khó để nhận ra ông bị mù. Vấn đề tôi quan tâm là, làm thế nào mà ông ta có thể chẻ nan một cách nhuần nhuyễn như vậy? Đó là chưa nói đến những thanh nan mà lão chẻ rất đều và đẹp, và nhanh nữa.

Trong khi trả lời những câu hỏi của tôi, ông vẫn miệt mài với công việc của mình. Tôi có cảm giác, ông như một tay đàn bầu trứ danh. Rất nghệ sĩ. Tôi nghĩ, chẻ nan mà toát lên cái chất nghệ sĩ không phải là việc đơn giản. Ít ra là đối với một người mù!

Trước khi đến với phiên chợ độc đáo này, tôi đã tìm hiểu những thứ thuộc về nó. Và vô cùng thú vị, khi biết nguồn gốc của chợ nón này có từ thời Tây Sơn. Ông Nguyễn Văn Bảy, 73 tuổi, một người dân địa phương, nhà có đến 3 đời làm nón Gò Găng, cho biết: “Cách đây cũng mấy trăm năm rồi, Bình Định có nón ngựa Phú Gia (huyện Phù Cát) khá nổi tiếng, tuy nhiên loại nón này chủ yếu dành cho vua, quan. Còn nón Gò Găng ra đời có trễ hơn, nhằm phục vụ cho những người lính trong nghĩa quân Tây Sơn”.
Dulichgo
Thật ra, ở thị xã An Nhơn khi xưa có rất nhiều làng nghề có quan hệ mật thiết với nghĩa quân Tây Sơn, phải kể đến như nghề đúc đồng ở Bằng Châu và nghề rèn ở Tây Phương Danh (đều thuộc phường Đập Đá) chuyên cung cấp cái loại chuông, cửu đỉnh, vũ khí, móng ngựa… cho nghĩa quân Tây Sơn. Tại khu vực Gò Găng, ban đầu người ta nhóm họp để bán nón cho binh lính, sau dần thành chợ mang luôn cái tên món hàng. Sở dĩ chợ nón họp lúc “gà gáy”, là vì họ tranh thủ bán mua, để sáng ra còn ra đồng, hay làm các công việc chính khác, rồi thành quen, đến bây giờ.

Tôi đem sự hoang vắng của chợ nón thắc mắc với ông lão mù chẻ nan. Ông cười nhẹ, giải thích cái sự vắng vẻ, là bởi hai lý do. Thứ nhất, là tôi đến không đúng ngày phiên; thứ hai, đang là vụ mùa. Rồi hình như, ông nghĩ rằng mình có trách nhiệm giải thích thêm, nên tiếp tục: “Những ngày nào có số 3 và 8 là ngày phiên.

Vào những ngày phiên, người ta đến chợ nhiều hơn. Nhưng phải là không đúng vụ mùa. Vì khi vào vụ mùa, người ta biếng đi chợ nón lắm, vì lúc này, cũng chẳng mấy nhà làm nón. Làm nón, chỉ diễn ra lúc rảnh rỗi, nông nhàn”. Trong mấy phút ngắn ngủi trò chuyện với ông, tôi đếm thì thấy ông lão đã chẻ cả chục chiếc nan. Điều ấy, sau này khi tìm hiểu, thì tôi mới biết, ngay cả những người có đôi mắt bình thường cũng khó làm được. Bây giờ ngồi gõ những dòng này, tôi hối hận, tôi ước mình hỏi ông những điều đấy khi ngồi cạnh, và cả… họ tên của ông.
Dulichgo
3. Trở ra phía ngoài cổng chào, chỉ một vài người ngồi hiu hắt dưới ánh đèn “hột dzịt” để đợi người bán nón. Thi thoảng nhìn xa về phía đường nhựa, những bóng đen lầm lũi xuất hiện, khi thì xe đạp, khi thì đi bộ. Họ đang mang nón đến chợ để bán. Tôi để ý thấy không có sự giành giật ở đây. Khi người bán nón vừa đến. Người mua ùa ra. Nhưng ai “xí phần” trước, thì được mua và những người còn lại cũng không tranh giành, trái lại còn vui vẻ nữa. Cái “xí phần” mà tôi nói là những người mua, nếu ai với tay chạm đến chồng nón mà người bán mang tới trước, thì sẽ được quyền mua nón của người này. Chỉ khi nào người mua không thống nhất được với kẻ bán, thì người mua khác mới được tiến hành giao dịch.

Nhưng chợ nón giờ hoang vắng quá, so với những gì tôi đọc và nghe, về vang bóng một thời của nó. Và như để tô thêm cái phần hoang vắng này, ngay khi việc mua bán vừa dứt, người mua nón cũng tắt đi cây đèn dầu, mà theo họ là cho đỡ tốn dầu. Đèn tắt. Họ như những bóng đen bất động. Nếu không có đèn xe thi thoảng quét qua, dường như không có sự hiện diện của họ.

“Một cái nón, chị được bao nhiêu?” - Tôi hỏi. “Khoảng vài ngàn. Chẳng qua là phụ, để không bỏ phí thời gian rảnh” - chị Huỳnh Thị Mai, một người vừa bán xong nón cho hay. “Nhưng sao ít người buôn bán thế?” - tôi hỏi tiếp. “Được mấy đồng đâu. Nên nhiều người bỏ, tìm việc khác. Vả lại, bây giờ họ đi mua vào buổi chiều nhiều hơn”.  Phần lớn, những nghề cũ thường mất đi, hay mai một, đều có chung một trong hai lý do lớn là “được mấy đồng đâu”. Còn lý do lớn thứ hai, là thời buổi này mấy ai còn đội nón đâu, khi lắm thứ mũ nón bằng nhựa, bằng vải được sản xuất hàng loạt.
Dulichgo
Theo chị Mai, người ta chủ yếu chuyển dần việc mua bán nón vào buổi chiều. Những buổi chiều, kẻ bán chỉ việc mang nón ra ngồi dưới gốc cổ thụ ở làng, hay bụi tre gì đó… Rồi người mua đến. Giao dịch diễn ra. Hết! Chợ nón như tan ra, rã vào từng bóng tre làng hay mấy phiến lá cổ thụ. Và cứ như thế này, sẽ nhanh thôi, chợ nón sẽ không còn là chính nó nữa. Đầu tôi thoáng hiện lời của ông mù chẻ nan. Rằng, ở đất Bình Định này, chỉ có hai nơi nổi tiếng về nón là Phú Gia và Gò Găng. Trong khi nón ngựa Phú Gia dành cho vua chúa, quan tướng thì nón Gò Găng được dành cho binh sĩ, chính xác là lính nhà Tây Sơn.

Hóa ra, nón Gò Găng có lịch sử hẳn hoi, lịch sử gắn liền với nhà Tây Sơn. Nhưng bây giờ, chợ nón Gò Găng đã bước một chân vào miền u tịch mất rồi!

Theo Xuân Thọ (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!

Chợ nón Gò Găng