(DTTT) - Nằm ẩn khuất, yên bình dưới chân dãy núi Tam Đảo hùng vĩ, có một vùng đất mà cảnh vật, con người ở đó hoang sơ đến kỳ lạ. Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến địa bàn xã  Ký Phú,huyện Đại Từ, Thái Nguyên- đều lấy làm thú vị.
Dọc theo dòng suối chảy dài hàng cây số từ trên đỉnh Tam Đảo đến hồ Gò Miếu là lớp lớp những bãi đá kỳ lạ tọa lạc giữa dòng nước trong vắt. Và đằng sau những “kỳ thạch” ấy chứa đựng rất nhiều câu chuyện kỳ thú về vùng đất sơn thủy hữu tình.

Nhân dịp cuối tuần, trốn không khí ồn ào, ngột ngạt của Thủ đô, chúng tôi được một người bạn rủ du lịch Thái Nguyên. Sau 2 tiếng chạy xe, chúng tôi có mặt tại một hồ nước ngọt có tên rất lạ Gò Miếu, thuộc xóm Chuối, xã Ký Phú, huyện Đại Từ với phong cảnh núi non, sông nước nên thơ, trữ tình tựa bức tranh thủy mặc. Chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng, chúng tôi đã được ngồi ngắm cảnh trên chiếc thuyền nhỏ cùng người dân bản địa.

Được biết, hồ mang tên Gò Miếu do xa xưa có ngôi miếu thiêng tọa lạc giữa lòng hồ. Khi thi công xây dựng đập, ngôi miếu đó đã chìm sâu dưới mặt nước hàng trăm mét, giờ chỉ còn dấu tích qua trí nhớ của người dân.

Ban mai trên hồ Gò Miếu

Sự tích hồ Gò Miếu được một vị cao niên trong xóm Chuối kể lại rằng, ngày xưa người dân Ký Phú nghèo lắm, chủ yếu sinh sống bằng nghề hái củi đổi gạo, dầu, mắm muối... Chính vì nghèo nên chẳng nhà nào đủ tiền mua nổi chiếc nồi luộc bánh chưng mỗi dịp năm hết tết đến.

Thương người dân nơi đây hiền lành, chịu khó, mỗi dịp tết thần núi cho nổi lên ở thượng nguồn hồ Gò Miếu một chiếc nồi đồng để dân làng mượn luộc bánh. Sau đó trả ơn thần linh bằng việc để lại một chiếc bánh chưng trong nồi trước khi thả xuống nước.
Dulichgo
Sự việc như vậy cứ êm đềm trôi đi, cho đến một ngày chiếc nồi đồng đến tay gia đình mới từ nơi khác đến khai hoang, lập nghiệp. Do lòng tham trỗi dậy, sau khi mượn nồi, gia đình nọ thay vì để chiếc bánh chưng đã “lại quả” thần linh một chiếc bánh nhân bằng đất sét. Ngay đêm đó, sớm chớp, mưa gió nổi đùng đùng như thần linh nổi giận, oán trách.

Nơi chiếc nồi đồng nổi lên nước sôi ùng ục phá tan đất đá tạo thành vũng nước y hệt chiếc nồi đồng. Dân làng thấy vậy, sợ quá lập miếu thờ gần đập nước để tạ lỗi với thần núi. Sau này, khi Cty Xây dựng Thủy lợi 2 (Bộ NN-PTNT) đầu tư xây dựng hồ tại đây phục vụ thủy lợi cho toàn khu vực phíaNamhuyện Đại Từ, tưởng nhớ sự tích khi xưa người ta đã lấy tên hồ là Gò Miếu.

Người dân Ký Phú giờ không còn nghèo như xưa, nhờ nguồn thu nhập từ cây chè và làm du lịch nên kinh tế của bà con dù không giàu nhưng cũng đủ ăn, đủ tiêu. Đường làng, ngõ xóm thay đổi, khang trang hơn rất nhiều nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư. Duy chỉ còn những chứng tích khi xưa vẫn được giữ lại nguyên vẹn đến hôm nay.

Đang phiêu diêu cùng câu chuyện cổ tích về vùng đất Ký Phú và sự tích hồ Gò Miếu, chúng tôi giật mình bởi tiếng các cô sơn nữ mười tám, đôi mươi hái chè trên nương cười đùa. Cô nào, cố nấy má đỏ hây hây với vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động. Có lẽ do khí hậu, thiên nhiên nơi đây đã ban cho họ một sức khỏe dẻo dai và niềm lạc quan vào cuộc sống.
Dulichgo
Rất nhiều đôi uyên ương chọn hồ Gò Miếu làm nơi chụp ảnh cưới

Tạm biệt mấy cô sơn nữ, chúng tôi tháo giầy khoác lên cổ lội chân trần ngược dòng nước mát lạnh, trong vắt nhìn rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội dưới nước.

Ngay giữa mùa hè mà tôi cảm giác se lạnh như những ngày đầu đông. Bỏ lại những áp lực của công việc, gia đình, tinh thần chúng tôi trấn tĩnh trở lại. Để ý, lúc này tôi nhận ra mình đang lạc vào “ma trận” của đá.

Những tảng đá to bằng cả tòa nhà với những hình thù kỳ dị chồng xếp lên nhau. Có tảng giống con gấu đang ngồi sưởi nắng, tảng khác giống cô tiên tắm bên bờ suối, xa xa có tảng đá tựa con chim đại bàng vỗ cánh… Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, anh bạn vỗ vai bảo rằng, phía trên thượng nguồn còn rất nhiều “kỳ thạch” hoành tráng hơn gấp trăm lần.

Quả thực, tiến lên thượng nguồn tôi lạc vào hết “bảo tàng” đá này đến trận địa đá khác. Chúng tôi thấy khá ấn tượng với khu vực bãi đá cầu Nồi Đồng. Theo truyền thuyết, đây là nơi chiếc nồi đồng nổi lên. Nay dấu tích còn lại là một ủng nước trong vắt được bao quanh bằng loại đá kỳ lạ có màu vàng xám giống hệt màu đồng thau. Bên cạnh ủng nước, có cây si cả nghìn năm tuổi tọa lạc trên tảng đá khổng lồ to bằng mấy căn biệt thự. Được biết, đây là một điểm du lịch được du khách rất thích thú khi chụp ảnh.
Dulichgo
Đi xa thêm chút nữa, chúng tôi bị bao quanh bởi bãi đá hình chiếc cối giã gạo. Được biết, ngày trước người dân nơi đây mỗi lần đi hái chè vẫn thường gùi theo thóc, buổi trưa tranh thủ đem xuống những hòn đá giã gạo để tối về thổi cơm. Nhưng nay do có máy xay xát nên bà con không còn giã gạo ở bãi đá này nữa.

Những bãi đá kỳ lạ nối tiếp nhau

Sau Đá Cối, địa điểm tiếp theo chúng tôi khám phá là địa danh Đá Cọc. Sở dĩ nó được người dân đặt tên như vậy vì xung quanh khu vực này có hàng trăm khối đá nhọn hoắt như những chiếc cọc đâm thẳng lên trời, nhìn kỹ thấy chúng không khác là mấy so với những tảng đá bay trong phim 3D.

Thấm mệt vì leo qua rất nhiều bãi đá kỳ lạ, chúng tôi trút bỏ quần áo hòa mình vào dòng nước mát với thiên nhiên. Đang lim dim tận hưởng cảm giác khoan khoái hiếm có tôi bỗng cảm thấy nhột nhột ở chân. Cúi mặt nhìn xuống mới tá hỏa phát hiện một đàn cá đang “ăn thịt” mình, tôi rùng mình liên tưởng tới loài cá piranha chuyên ăn thịt người ở sông Amazon bên Châu Mỹ.

Đến khi được anh bạn giải thích đó chỉ là những chú cá suối nhỏ bé, hiền lành đang dọn dẹp tế bào chết trên da giúp tôi mới yên tâm để chúng “ăn thịt” tiếp. Trong khi người ta phải bỏ ra rất nhiều tiền để được đi mát xa cá thì tôi chẳng mất xu nào vẫn được thưởng thức thứ dịch vụ xa xỉ này ngay trong tự nhiên, cuộc đời còn gì thú vị hơn nữa!
Dulichgo
Đem câu hỏi, tại sao một khu vực có tiềm năng du lịch như vậy không đưa vào khai thác, một cán bộ xã Ký Phú cho biết, hiện nay hồ Gò Miếu đã là khu du lịch sinh thái tự phát, mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình, địa lý cách xa trung tâm TP. Thái Nguyên cũng như Hà Nội nên chưa được các DN quan tâm, biết tới.

Theo Nguyễn Huân (DaituTintuc.Violet)
Du lịch, GO!