(BQN) - Giữa mây ngàn gió núi, bản Cát Cát, thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sapa (tỉnh Lào Cai) sẽ là điểm du lịch lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá đời sống văn hóa của người Mông ở vùng cao Tây Bắc.

Bản Cát Cát hình thành từ giữa thế kỷ 19. Cái tên gọi Cát Cát được bắt nguồn từ một thác nước ở trong bản rất đẹp, có tên gọi theo tiếng Pháp là CatScat. Với vẻ đẹp thơ mộng, bình yên của mình, từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lựa chọn nơi đây là khu nghỉ dưỡng cho các quan chức đương nhiệm. Nhiều bậc cao niên cho hay, Cát Cát được biết đến nhiều hơn từ đây.

Một Cát Cát mộng mơ

Dù đã tháng 5, khắp nơi bước vào mùa khô nóng bức nhưng ngược lại, khí hậu ở Sapa lại mát mẻ, trong lành như mùa thu. Thi thoảng có cơn mưa bất chợt, khiến Sapa dù đang là mùa hè nhưng lại giống với mùa đông, sương phủ kín. Có ngày, thiên nhiên còn ban tặng cho Sapa đến bốn mùa.
Dulichgo
Từ trung tâm thị trấn Sapa, men theo con đường hướng về phía đỉnh núi Fanxipan gần 2km là đến được với bản Cát Cát. Đường sá đi lại dễ dàng nên du khách có thể di chuyển bằng các phương tiện xe máy, ô tô.

Để khám phá hết vẻ đẹp của Cát Cát và có thể lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất, đầu tiên, bạn hãy chi ra khoảng 50 nghìn đồng để thuê một bộ trang phục, với đủ các phụ kiện như nón, dù của người Mông. Những người bán, cho thuê trang phục ở cổng chào sẽ hướng dẫn tận tình cách mặc.

Bước chân vào cổng chính, bạn sẽ có ngay cảm nhận yên bình về Cát Cát với những ngôi nhà truyền thống của người Mông lẫn trong màu sắc rực rỡ của hàng trăm loài hoa, róc rách nước chảy. Bên hiên nhà, những người phụ nữ Mông trong bộ trang phục truyền thống say sưa thêu, dệt thổ cẩm. Khung cảnh ấy, khiến cho những ai lần đầu đến đây đều thích thú, không khác gì trong phim ảnh.

Kiến trúc nhà ở Cát Cát mang đậm nét cổ kính xa xưa, với dáng dấp của đồng bào vùng cao phía Bắc. Các ngôi nhà nằm san sát nhau vài sải chân. Nhà có ba gian lợp ván gỗ pơmu, hoặc lá cọ. Vách thì được che chắn bằng gỗ xẻ, có 3 cửa ra vào, cửa chính ở gian giữa, cửa phụ ở hai đầu nhà. Đặc biệt, ngoài gian thờ, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách, trong mỗi ngôi nhà đều có sàn gác lương thực, thực phẩm.
Dulichgo
Đi được nữa đoạn đường, giữa khoảng không gian trong lành, bạn sẽ nghe văng vẳng đâu đó tiếng thác đổ như ru tai.
Men theo tiếng gọi ấy, vượt qua những thềm đá là một dòng thác với những mảng nước đổ trong vắt, trắng xóa hiện ra ngay trong mắt du khách.

Nhiều du khách khá là thích thú khi được thư giãn, ngắm cảnh bên những chiếc ghế đá, xích đu. Gần thác, chiếc cầu tre kiên cố, nối hai bờ, cùng những bờ xe nước quay chậm rãi, liên tục như những nhịp đồng hồ chậm rãi, níu chân du khách.  Khu vực này, được xem như điểm nhấn của cả bản.

Đan xen vào suối Cát Cát là những thửa ruộng bậc thang, xanh mướt một màu lúa mới mỗi khi bắt đầu vào mùa gặt hay mênh mông nước vào mỗi mùa mưa. Những vườn trúc thẳng tắp, cao vút mà nhiều người ví nó giống như những cây tre trăm đốt trong câu chuyện cổ tích năm xưa… Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh thiên nhiên hài hòa, sống động, đầy tinh tế.

Nét truyền thống độc đáo

Không dừng lại ở phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình, Cát Cát ngày càng thu hút khách du lịch bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào Mông.
Dulichgo
Vào những ngày trời trong xanh, mát dịu, không mưa, bạn sẽ có cơ hội được nhảy sạp, giao lưu với những chàng trai, cô gái trong bản. Cô gái Mông xinh đẹp, dịu dàng trong điệu múa truyền thống, hòa cùng điệu khèn, tiếng đàn môi như làm say đắm lòng người.

Người Mông ở Cát Cát vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục độc đáo từ thuở ban đầu như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết, đem lòng yêu một cô gái, họ sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, rồi giữ cô trong ba ngày.

Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ thì chàng trai sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Còn không thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra.

Bên cạnh phong tục độc đáo, người dân Cát Cát còn lưu giữ khá nhiều nghề truyền thống thủ công như dệt vải, chạm trổ bạc, rèn công cụ… Du lịch phát triển, những ngành nghề này phát triển theo. Du khách không chỉ được tham quan khu trưng bày các sản phẩm thủ công mà còn có cơ hội chứng kiến qui trình hình thành một sản phẩm. Những tấm thổ cẩm được làm thành khăn, túi xách, trang phục, những chiếc vòng trang sức bằng bạc hay đồng là những sản phẩm tinh xảo “hái” ra tiền của người Mông, trong khi trước đây chỉ biết làm lúa nước.

Hiện nay một bộ phận người dân đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Không chỉ rành tiếng Việt, họ đa phần đều biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp và không khác gì những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Ở bản Cát Cát, dọc khắp con đường, du khách còn có cơ hội khám phá và tìm hiểu từ những món ăn được chế biến độc đáo như thắng cố, thịt nướng, thịt hun khói, các món cá tầm, cá hồi đến những món đơn giản như cơm lam, các loại bắp, trứng, khoai lang nướng.
Dulichgo
Du khách vừa ăn, vừa trò chuyện cùng người Mông bản địa, vừa nhâm nhi chén rựu thóc… Cuộc sống bình yên, thư thái khiến ai đã đến một lần rồi sẽ muốn quay trở lại nhiều hơn nữa.

Theo Gia Nghi (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!