(VTO) - “Thời gian đầu mọi người nhìn thấy mình rất ái ngại, như thằng đồng nát, ve chai vậy. Nhưng với mình không quan trọng, bởi mình thích và có ích thì mình làm. Và bây giờ thì ai cũng hiểu, thấy rất bình thường, rồi cùng chung tay gìn giữ Sơn Trà”, anh Đào Đặng Công Trung nói.

“Bén duyên”nhặt rác ở Sơn Trà!

Bất cứ du khách nào lên Sơn Trà (Đà Nẵng) vào buổi sáng sớm, hoặc chiều về cũng sẽ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông to khỏe, da rám nắng, săn chắc cùng một mớ bao bì chai lọ dắt quanh chiếc xe máy cà tàng chạy quanh núi, đó là anh Đào Đặng Công Trung (SN 1978, Giám đốc công ty Danang Ocean Tour). Mặc dù là Giám đốc của doanh nghiệp, nhưng Trung vẫn không ngại ngần, hàng ngày âm thầm cùng chiếc xe máy cà tàng nhặt từng vỏ chai nhựa bị du khách vứt bỏ trên Sơn Trà với mong muốn giữ môi trường và màu xanh nơi đây.

Là người quê gốc Hội An, ra Đà Nẵng lập nghiệp từ năm 2011 đến nay, Trung “bén duyên” với Sơn Trà vào những năm 2005 khi một lần đi xe máy vòng quanh bán đảo này, rồi yêu Sơn Trà từ ngày đó. “Ngày đó, Sơn Trà còn rất hoang sơ, đường cũng hẹp, cây cối um tùm và chưa bị xả bẩn như bây giờ nên rất thích và rất mê. Tuần nào không vài lần lên Sơn Trà là thấy nhớ, nên từ đó cho đến nay, gần như các cung đường, các hang hóc của Sơn Trà tôi cũng đã từng đi đến”, Trung nhớ lại.

Nói về cái duyên với Sơn Trà, anh Trung chia sẻ: “Năm 2011 em mới có duyên được ở trên Sơn Trà hàng ngày khi nhận nhiệm vụ điều hành các hoạt động giải trí của công ty tại đây, nên cứ trước hoặc sau giờ làm là đi một vòng để ngắm cảnh giải căng thẳng cũng như quan sát xem có điều gì mới mẻ của thiên nhiên nơi đây. Cứ vậy rồi quen, rồi nghiện, rồi cũng nhận thấy rằng, Sơn Trà rất đẹp, nhưng ngày càng bị làm bẩn đi bởi rác thải, chai lọ, túi nilong mà người dân, du khách để lại”.

Ban đầu thấy rác thì nhặt, càng nhặt càng thấy nhiều rác, nên anh Trung quyết định đem theo đồ để đựng, từ túi nhỏ rồi đến túi to. Ngay cạnh bên đường cho đến tận hốc cây. Thậm chí khu vực vực sâu, cây bụi  cũng cố thò tới để nhặt lấy. Và cứ như vậy, suốt hơn 6 năm qua Trung đã vào vai “anh chàng nhặt rác” ở Sơn Trà.
Dulichgo
“Có như vậy mới biết có những chai lọ đã tồn tại hàng mấy năm, thậm chí hàng chục năm mà không có ai nhặt lấy. Càng nhặt càng thấy rằng không thể ngẫu hứng là đi mà cần có kế hoạch nhặt lượm, chia từng khu vực, chuẩn bị bao túi,…”, anh Trung tâm sự.

Và vậy là kế hoạch cho từng chuyến đi nhặt rác sau mỗi giờ làm việc được Trung vạch ra gồm: buổi sáng từ 6h-7h30, chiều từ 17-19h vào các ngày thứ 2, thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.

Đi kèm theo đó là các cung đường, khu vực được Trung chia ra để đi. Đầu tiên là từ chỗ làm đi Hố sâu,Tiên Sa, rồi từ Tiên Sa về đỉnh Bàn cờ và quay về chỗ làm. Tiếp nữa là từ chỗ làm đi Cây Đa nghìn năm, ngọn Hải đăng, khu Trường Mai. Tuyến tiếp là từ Cây Đa nghìn năm đi Mũi Nghê, rồi Ghềnh Bàng. Sau cùng là dọc từ Hồ Xanh lên đến chỗ làm…. Cứ vậy, đều đặn, nắng cũng như mưa, Trung làm vì niềm tình yêu với Sơn Trà.

“Khó khăn nhất là đi nhặt rác ở đoạn Mũi Nghê, Ghềnh Bàng vì tuyến này nguy hiểm và cần có sức khỏe, thông thạo đường rừng, leo trèo, bơi và cả kinh nghiệm. Hay buổi sáng sớm đi vào các bụi cây nhặt rác thấy cả tổ rắn lục khiến mình cũng chợn người. Nhưng rồi quen, rồi cũng thành kỹ năng”, Trung chia sẻ.

Mình làm vì cái tâm mình muốn!

Nói về niềm đam mê của mình, Trung (cười) nói: “Em còn nhớ, có hôm chuẩn bị cả 3 bao lớn đi nhặt nhưng vẫn không đủ, rác đâu mà lắm vậy. Vậy là trưng dụng luôn cái áo mưa tiện lợi để làm bao. Cái xe như cái bang, bao bì chai lọ lỉnh kỉnh chừng 30kg chai lọ nhựa trên xe đi tìm thùng rác đổ vào thì trời đổ mưa ầm ầm. Ai đi đường cũng nhìn ái ngại, nhưng mình vui vì làm được điều gì đó cho Sơn Trà”.

Mỗi ngày bình quân Trung nhặt được chừng 10-15kg, đỉnh điểm là 30kg rác thải gồm: chai lọ, bao nilong,... Ban đầu Trung cho tất cả vào các thùng rác được đặt tại các điểm thu gom. “Nhưng nghĩ lại, rác này có thể tái chế, có thể sử dụng được nên gom lại, rồi bán lấy tiền ủng hộ vào các hoạt động thiện nguyện lo cho các em vùng cao, những hoàn cảnh khó khăn lại thấy càng ý nghĩa. Nghĩ lại việc nhỏ, rác nhặt cũng không nhiều, nhưng giúp Sơn Trà giữ được môi trường sạch đẹp, không nguy hiểm cho các loài động vật và giúp khách du lịch thoải mái khi lên Sơn Trà và nâng cao thêm ý thức giữ gìn môi sinh là cảm thấy vui!”, Trung chia sẻ thêm.
Dulichgo
“Thời gian đầu mọi người nhìn thấy mình rất ái ngại, như thằng đồng nát, ve chai vậy. Nhưng với em không quan trọng, bởi mình thích và có ích thì mình làm. Và bây giờ thì ai cũng hiểu, thấy rất bình thường, rồi cùng chung tay gìn giữ Sơn Trà.

Lời ra tiếng vào cũng có, nhưng được sự ủng hộ của vợ và con gái, nên việc nhặt rác dần thành quen, thấy rác không nhặt bỏ vào đúng nơi quy định là cảm thấy khó chịu. Mà cả cô con gái lên ba của em cũng vậy, rất ý thức trong việc giữ vệ sinh nơi công cộng và bỏ rác đúng nơi quy định”, Trung tâm sự.

Không chỉ nhặt rác, Trung còn là người phát hiện nhiều vụ xâm cháy rừng, xâm hại rừng từ sự thiếu ý thức của người dân. Và nhất là trong chương trình của công ty, Trung xây dựng cả một tour nhặt rác và bảo vệ môi trường giành cho du khách để thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên.

Việc nhặt rác của Trung không chỉ ngoài giờ làm mà được làm ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí lúc đi chơi với bạn bè trên Sơn Trà, thấy rác Trung cũng dừng nhặt, cho vào bao rồi đem đến nơi có thùng rác để vứt bỏ. Anh em bạn bè ban đầu nghĩ Trung gàn, nhưng sau thấu hiểu nên càng yêu mến.

"Còn một vấn đề nữa mà em đang đau đáu, đó là nạn xả rác hủy hoại rạn san hô quanh chân núi Sơn Trà. Em rất thích bơi lặn, ngắm cá và san hô. Nhưng nhiều lần lặn sâu xuống đáy thấy đầy những túi nilong, lưới, vỏ chai bia, chén đĩa,..du khách vứt xuống biển bị sóng đánh, quấn chặt vào những cây san hô rất đẹp, khi ấy lại thấy xót xa mà việc nhặt rác dưới ấy thật khó khăn. Nên mong muốn mọi người hãy cùng chung tay gìn giữ Sơn Trà, đừng xả rác" - Trung nói.
Dulichgo
Và công việc nhặt rác cứ vậy gắn với Trung, cùng với tình yêu đối với Sơn Trà như Trung hay tâm sự: “Mê Sơn Trà lắm! Không được lang thang trên Sơn Trà là cảm giác như mình thiếu một cái gì đó!. Rất bức rứt và ngột ngạt!”

Tóm lại: Nếu bạn không xả rác trên Sơn Trà thì sẽ không có 'người nhặt rác' - Xin hãy giữ gìn thiên nhiên bạn nhé!

Theo Hồ Xuân Mai (VietTimes)
Du lịch, GO!