(BNA) - Từ thị trấn Mường Xén lên chợ vùng biên dài 24 km, nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến cửa khẩu Nậm Cắn. Đất trời vừa chớm thu, nhưng ở vùng biên viễn này, cái lạnh đã thấm vào da thịt, những tia nắng yếu ớt của ngày mới chưa thể xua tan sương mù trên đỉnh Trường Sơn…

Đường lên Nậm Cắn ngoằn ngoèo với những khúc cua ngoặt và những con dốc như nối dài vô tận. Có những đoạn, dừng chân đỉnh dốc nhìn xuống, con đường y hệt sợi chỉ nhỏ lẩn khuất trong sương. Lên đến miền biên viễn này, chúng tôi đã hiểu vì đâu mà Kỳ Sơn được ví von là Sapa của Nghệ An, với độ cao có nơi trên 1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình ở đây chỉ từ 15 - 20 “độ xê”.

Bữa đón chúng tôi lên, anh bạn người bản địa đã nhắc, nhớ cầm thêm áo ấm. Chúng tôi còn cười: “Dưới xuôi đang còn nắng nóng, đêm ngủ phải nằm máy lạnh đây ông ơi!”... Nhưng quả là lời anh bạn nhắc không thừa.

Đi được gần nửa chặng đường, leo lên mấy khúc cua tay áo, Noọng Dẻ chợt hiện ra trong sương mờ, chúng tôi quyết định nghỉ chân ở bản Noọng Dẻ, bà con người Thái ở đây cũng đang soạn sửa cho kịp phiên chợ biên, mọi người đang í ới gọi nhau để xuất phát cùng lúc. Bà con Noọng Dẻ thường buộc sau xe cuộn hàng thổ cẩm, là sản phẩm nghề dệt (Noọng Dẻ được công nhận là làng nghề truyền thống) từ lâu đã có thương hiệu trong vùng. Bản nằm gần như chính giữa cung đường Mường Xén đi Cửa khẩu Nậm Cắn nên việc tiêu thụ mặt hàng thổ cẩm cũng khá thuận lợi.
Dulichgo
Tuột dốc Tiền Tiêu, chúng tôi mới cảm nhận được sự đông đúc nhộn nhịp của dòng người đang dồn về bên kia biên giới. Chợ phiên Đỉnh Đam hiện ra, nằm lọt giữa hai Cửa khẩu Nậm Cắn và Noọng Hét. Là khu chợ duy nhất của cư dân vùng biên, họp 3 phiên vào ngày 10, 20, 30 hàng tháng, nên từ già tới trẻ đều mong ngóng tới ngày phiên để được xuống chợ. Trước đây chợ nằm ở khu đất trống thuộc xã Nậm Cắn của Kỳ Sơn, khi Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào.

Từ phía Cửa khẩu Noọng Hét, dòng người đông đúc cũng đang tiến về khu chợ, nét mặt ai cũng phấn chấn, tay xách đủ các loại hàng hóa. Đan xen trong dòng người ấy là hàng loạt xe tải nhỏ chất đầy các mặt hàng nông sản như gạo nếp, gà đen, lợn đen và các loại rau, củ, quả. Xe tải và bán tải đã trở thành phương tiện khá phổ biến của nông dân Lào nên việc vận chuyển được một khối lượng lớn hàng hóa đến phiên chợ trở nên dễ dàng.

Niềm vui và nỗi chờ mong sau nhiều ngày được gửi vào phiên chợ, mà ở đó tiếng cười, lời gọi mời dễ làm mê hoặc lòng người. Người dưới thung lũng đi lên, người từ trên núi xuống gặp nhau tay bắt mặt mừng làm náo động cả vùng đất vốn ngày thường rất yên ả. Người tay không, người gùi hàng, người xách gà, xách lợn, người đi xe máy, người xe đạp nhưng chủ yếu vẫn là đi bộ xuống chợ. Mọi người từ trẻ đến già có thể mang bất cứ thứ gì xuống chợ, ít hay nhiều không quan trọng và với họ bán được hàng hay không cũng dường như không thực sự quan trọng.
Dulichgo
Tuyến đường thông suốt từ Mường Xén - Kỳ Sơn sang tận Xiêng Khoảng nước bạn Lào đã giúp cho việc giao thương của cư dân vùng biên ngày nay vô cùng thuận lợi. Từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm, vật dụng sinh hoạt của gia đình cho đến những chiếc điện thoại đời mới đã trở thành những mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ. Thế nhưng, điều đặc biệt nhất ở khu chợ vùng biên chính là những sản vật được cư dân Kỳ Sơn và Noọng Hét thu hái từ chính vùng núi non kỳ vỹ này.

Cư dân bao đời quây quần bên những sườn núi, cuộc sống của họ gắn với rừng, với đá núi cheo leo và những con suối vét qua những thung lũng đá. Cũng chính nơi đây đã cho họ những sản vật nức tiếng gần xa, được ưa chuộng vì độ ngon, sạch. Hàng hóa được trải dưới tấm bạt đặt trên nền đất nhưng vẫn theo hàng lối, trật tự, nào hoa chuối, cải ngồng, dưa chuột, hoa gừng Lào, măng Loi, lê Lào, măng đắng… hay mớ bắp ngô nhỏ xíu được hái từ trên sườn đồi đầy đá sau những tháng ngày gieo hạt.

Những mớ rau cải ngồng sặc sỡ hoa vàng như rực lên trong không gian đa sắc màu của chợ phiên, sáng lên cùng niềm vui gặp gỡ. Bà con dân tộc Kỳ Sơn và người dân Noọng Hét gặp nhau tay bắt mặt mừng, hòa trong tiếng người bán kẻ mua ngã giá là tiếng cười nói hỏi thăm nhau như người quen lâu ngày gặp mặt. Những mớ rau, con gà đã tạo nên những cuộc gặp gỡ, làm quen rồi nên duyên chồng vợ, kết giao bạn bè để khi chợ tan, họ lại mong mỏi đến ngày gặp mặt. Sự giao thoa văn hóa giữa bà con người Việt và người Lào cứ thế mà thêm bền chặt. Bởi thế người ta thường gọi chợ phiên Nậm Cắn là phiên chợ thắm tình hữu nghị Việt - Lào.
Dulichgo
Đó là phiên chợ hội ngộ của bạn bè, người quen. Họ gặp nhau thăm hỏi về cuộc sống gia đình, con cái, chuyện làm ăn và trong dịp này họ không quên mời chào nhau dăm ba chén rượu trong niềm vui hội ngộ. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp thuần khiết, mộc mạc như chính vùng đất này vậy. Và đến chợ đâu phải để bán mua hàng hóa, họ đến còn để trao nhận niềm vui. Anh bạn của chúng tôi còn nói: “Nhiều bữa, cánh đàn ông Mông còn mang khèn bè ra chợ thổi. Thế nên đi chợ còn kiếm được vợ đấy!”. Những thiếu nữ Lào và Việt, đi chợ nhưng đã chọn mặc những bộ đồ đẹp nhất. Với họ, đi chợ cũng là đi hội.

Chúng tôi theo chân một vài thực khách người Lào sà vào hàng ăn nằm trong khu chợ. Cô bán hàng người Lào nói tiếng Việt trọ trẹ cười chào khách. Các gian hàng ẩm thực ở đây nằm sát bên nhau, trên lò than những miếng thịt quay xì xèo tỏa mùi thơm phức giữa cái lạnh đầu mùa. Cách ăn uống ở đây cũng thật đặc biệt, mọi người đều dùng tay để vắt xôi, xé thịt gà nướng và trộn một ít rau rừng chấm với nước tương đỏ cay, bên cạnh là một chậu nước và khăn lau. Trong cái lạnh chưa tan, chúng tôi cùng ngồi vắt xôi và xuýt xoa với vị thơm ngon của nếp Lào và món thịt gà đen nướng. Ở chợ biên, người mua bán có thể dùng tiền Việt và cả tiền kíp Lào.
Dulichgo
Không khí chợ cứ nhộn nhịp, hân hoan và đầy tiếng cười, lời thăm hỏi như thế. Đến gần 2 giờ chiều cũng là lúc chợ bắt đầu vãn khách, hàng hóa của bà con cũng vơi dần. Bên chiếc xe bán tải nhỏ, một đôi vợ chồng người Lào đang xếp mớ hàng còn lại lên xe, chuẩn bị kết thúc một phiên chợ. Bà con Kỳ Sơn cũng mang gùi lên lưng trở về sau ríu rít niềm vui, lời chào tạm biệt nhau cứ vấn vương mãi...

Theo Lan Thái – Vương Vân (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!

Phiên chợ lạ lẫm miền biên viễn
Hồi ức Nậm Cắn
Xuân nơi địa đầu xứ Nghệ
Chợ phiên ở biên giới Việt - Lào