(BNA) - Nằm ở vùng hạ nguồn - nơi dòng Lam đổ về biển lớn, vùng quê Phúc Thọ (Nghi Lộc) thường được gọi là mảnh đất “tiền tiêu” của xứ Nghệ. Nơi đây, với lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời đã tạo nên bề dày trầm tích văn hóa.

Ngày cuối tuần, tôi dành thời gian xuống Phúc Thọ thăm thầy giáo Trần Vân Nam - giảng viên môn Triết học khi tôi còn là sinh viên, nay đã gần tuổi 80, thầy về nghỉ hưu ở quê nhà. Nằm cách trung tâm thành phố Vinh chỉ hơn 10 km nhưng khi đặt chân đến Phúc Thọ, tôi cảm nhận rõ nét sự yên bình và tĩnh lặng của một không gian làng quê.

Phía bãi sông, rừng bần đã thay lá, khoác lên mình tấm áo xanh thắm; lòng sông trải rộng đến mênh mông, con nước lững lờ như lưu luyến đôi bờ trước khi hòa vào biển cả. Phía trước là mặt biển bao la, hòn Song Ngư bao đời nay lừng lững, hiên ngang đứng chắn sóng, ngăn gió cho làng mạc ven bờ. Những con tàu gối bờ ngơi nghỉ sau những ngày đêm ra khơi đánh cá nhường lại những tiếng lao xao từ khu chợ...

Về nghỉ hưu đã hơn chục năm nhưng thầy Trần Vân Nam dường như không ngơi sức, vẫn dành thời gian và niềm tâm huyết với mạch đất và dòng chảy quê hương. Rảo bước trên đê Tả Lam, còn có tên gọi khác là tuyến đường sinh thái, thầy Nam cho biết: “Phúc Thọ xưa gọi là làng Cổ Đan, nằm phía trong cửa biển Đan Nhai (Cửa Hội), thời Trần thuộc phủ Vĩnh Doanh, là vùng đất tiền đồn phía Đông Nam của quốc gia Đại Việt.

Về sau, khi Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí) được triều đình Hậu Lê phong Trấn thủ thập nhị hải môn, tức là trông coi 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng, ông đã chọn cửa Cổ Đan làm đại bản doanh”. Cũng từ đó, các triều đại đều chọn nơi đây làm căn cứ thủy quân để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và mở mang bờ cõi. Hiện tại, trên đất Phúc Thọ, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đều có các đơn vị đứng chân để thực thi nhiệm vụ.
Dulichgo
Một vài tư liệu lịch sử đã khẳng định vùng Cổ Đan thời xa xưa là biển, bao lần trải qua cảnh “bãi bể nương dâu”, biển tiến rồi biển lùi, quai đê lấn biển mới ổn định như hôm nay. Vì thế, bao đời nay, nguồn thu nhập chính của cư dân Phúc Thọ luôn là sản xuất nông nghiệp, vận tải sông biển và đánh bắt hải sản.

< Điện Đông Hải đã được phục dựng gần 10 năm.

Cổ Đan xưa, Phúc Thọ nay là mảnh đất hội tụ các dòng họ đến từ khắp mọi vùng, miền và kết thành một cộng đồng gắn bó bền chặt, cùng nhau xây dựng quê hương. Các dòng họ ở đây đều trải qua khá nhiều đời, nhiều nhất là hơn 15 đời, ít nhất cũng đã 5 - 6 đời. Đó là họ Trương Xuân có nguồn gốc ở Huế, bị truy đuổi ra cư ngụ ở Hà Đông, sau có người vào lính tham gia trấn giữ ở Diễn Châu rồi sinh cơ lập nghiệp ở vùng Phủ Diễn.

Về sau, một chi họ vào Phúc Thọ lập cư, đến nay đã trải qua 15 đời. Họ Hoàng Văn có nguồn gốc ở làng Vạn Phần (Diễn Châu), thủy tổ là Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, hơn 600 năm trước một số gia đình vào sinh sống ở Cổ Đan. Họ Lê có gốc từ Thanh Hóa, là dòng dõi của Vua Lê Anh Tông (1556 - 1573) vào đây lánh nạn và cư trú đã được hơn 10 đời. Nguyễn Hữu là một dòng họ lớn, sinh sống ở Cổ Đan từ nhiều đời nay, có chung đức tổ là Thái Sư Cương Quốc công Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp (Nghi Lộc). Rồi họ Nguyễn Văn, Nguyễn Khắc, Nguyễn Đình, họ Trần, họ Hồ, họ Bùi, họ Cao, họ Chu và họ Đinh đến từ khắp mọi nơi đều chọn mảnh đất này làm nơi cư trú.
Dulichgo
Ở đây còn có 2 dòng họ nguồn gốc từ Trung Quốc là họ Lưu và họ Mạnh, do hoàn cảnh lịch sử đã chọn đất Cổ Đan làm chốn nương thân. Họ Lưu có nguồn gốc tự một Đô đốc thủy quân của nhà Minh là Lưu Bá Thang, trong một trận quyết chiến trên vùng biển Nghệ An bị Thái úy Nguyễn Sư Hồi bắt làm tù binh và cho ở lại sinh sống, lập nghiệp. Còn họ Mạnh do loạn lạc, phải chạy sang Đại Việt lánh nạn, một bộ phận đến vùng Phúc Thọ lập nghiệp, đến nay đã trải qua hơn 10 đời.

< Cây phượng cổ thụ hơn 100 năm tuổi ở xóm 11, xã Phúc Thọ (Nghi Lộc).

Đến từ khắp mọi miền, các dòng họ cùng tụ hội về vùng Cổ Đan - Phúc Thọ và chọn vùng cửa biển này làm quê hương, hình thành nên cộng đồng làng xã với những mối quan hệ gắn bó bền chặt. Nơi đây từng có hệ thống đình, chùa, đền, miếu khá dày đặc, thể hiện đậm nét đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của toàn thể cộng đồng. Trong số hơn 20 công trình văn hóa tín ngưỡng ở Cổ Đan, điện Đông Hải nổi bật lên bởi sự bề thế, được xây dựng cách đây trên dưới 700 năm. Đây là nơi thờ Tiến sỹ Phạm Huy- người được tôn làm Thành hoàng của làng. Theo tộc phả, Phạm Huy quê ở tỉnh Hưng Yên, theo người mẹ hành khất vào vùng Đan Nhai, được một gia đình giàu có nhận làm con nuôi và cho ăn học.

Đến khoa thi năm Qúy Sửu (1493) niên hiệu Hồng Đức thứ 24, Phạm Huy đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ và được bổ làm quan. Hồi hưu, ông đưa gia đình về làng Cổ Bái sinh sống, giúp dân khai khẩn mở mang đất đai phát triển sản xuất. Sau khi ông mất, dân làng lập đền thờ ông. Phạm Huy chính là người khai khoa cho đất Phúc Thọ, bởi từ khi ông đỗ đạt đến kỳ thi cuối cùng của nền Nho học, mảnh đất này có thêm 13 vị đỗ đại khoa.
Dulichgo
Điện Đông Hải còn là nơi cư dân thuộc 2 làng Cổ Đan và Lộc Thọ phối thờ 2 vị anh hùng Yết Kiêu và Hoàng Tá Thốn - 2 vị thần được tôn làm thủy tổ của nghề sông nước. Ban đầu, chỉ là một ngôi miếu nằm bên bờ sông Lam, đến nửa sau thế kỷ 18, trong thời gian được Vua Lê cử về Nghệ An chuẩn bị binh lực cho triều đình, ông huy động tới “mười vạn lượt dân binh”, góp phần lớn kinh phí công đức để xây mới.

< Tàu thuyền ở vùng Cửa Hội.

Là mảnh đất “tiền tiêu” nên trong những năm chiến tranh ác liệt, Phúc Thọ trở thành “túi” hứng pháo hạm và bom đạn của hải quân và không quân Mỹ. Làng mạc, nhà cửa và những công trình văn hóa tâm linh thoáng chốc trở nên tan hoang, khiến cư dân vùng cửa biển Đan Nhai phải bao lần đau đớn. Dù vậy, người dân nơi đây vẫn kiên cường đánh trả để giữ đất, giữ làng. Vì thế, Phúc Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Thầy trò chúng tôi rảo bước trên những tuyến đường phẳng lỳ, đường lớn, đường nhỏ đều đã được rải nhựa. Những thửa ruộng đang kỳ trổ bông được những dòng kênh bê tông dẫn nước về tưới, những vườn lạc mơn mởn hứa hẹn một ngày bội thu. Trường mầm non, tiểu học, THCS và Trạm Y tế của xã được xây dựng khang trang trên miền quê đầy nắng gió, và tất cả đều đã đạt chuẩn Quốc gia.
Dulichgo
Được biết, trong những năm qua, Phúc Thọ đã huy động được gần 170 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 130 tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi dân sinh để “về đích” chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 2%,  xã Phúc Thọ đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, bộ mặt làng quê đã thực sự đổi thay và khởi sắc...

Phía trước, Khu du lịch biển Cửa Lò đang vào mùa sôi động, làng quê Cổ Đan - Phúc Thọ cũng đang trở mình để đón những luồng gió mới. Lúc chào tạm biệt, thầy Nam chia sẻ: “Nhờ đức tính siêng năng, cần cù, chịu khó, gắn bó và đoàn kết, yêu đất và bám biển nên người dân nơi đây không mấy khi rơi vào cảnh đói nghèo...”.

Theo Công Khang (Báo Nghệ An)
Du lịch, GO!