(BAVN) - Những cánh đồng màu mỡ, những thị trấn sầm uất, những chuyến hàng nối đuôi nhau qua lại ở các cửa khẩu, những chuyến đò bình yên đưa người dân Việt Nam và Campuchia qua lại biên giới để làm ăn và giúp đỡ lẫn nhau… chính là những hình ảnh thường nhật về một cuộc sống ấm no, bình yên và thắm tình người đang hiện hữu nơi vùng biên giới tỉnh An Giang.

< Một góc thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang nhìn từ núi Sam.

An Giang là tỉnh có nhiều cửa khẩu biên giới kết nối với nước bạn Campuchia. Trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên (thuộc thị trấn Tịnh Biên) bằng đường bộ và Sông Tiền bằng đường sông (thuộc xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu). Ngoài ra, còn có nhiều đường mòn và kênh rạch liên thông qua lại giúp cư dân hai nước trao đổi buôn bán dễ dàng.

< Khách du lịch từ Campuchia sang Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, An Giang.

Tỉnh An Giang có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Tây Nam Bộ, có đường biên giới dài gần 100km  giáp với 2 tỉnh Ta Keo và Kan Dal của Campuchia. Đây là nơi sinh sống của đông đồng bào các dân tộc Khmer, Chăm, Hoa với nhiều tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Tin Lành, hồi giáo.

< Khách nước ngoài đi du lịch từ Campuchia sang Việt Nam bằng đường thủy qua Trạm Liên hiệp Cửa khẩu Quốc tế Sông Tiền.

Sức xuân vùng biên giới
Dulichgo
Chúng tôi trở lại vùng biên giới An Giang trong cái nắng xuân 2017 ùa về tràn ngập trên khắp mọi nẻo đường. Dọc theo đường lên các cửa khẩu biên giới giáp với nước bạn Campuchia, thấp thoáng trong bóng chiều là hình ảnh những khóm ấp nằm bình yên bên những cánh đồng trù phú và những hàng cây thốt nốt đặc trưng của vùng miền Tây Nam Bộ.

< Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Long Bình (BĐBP An Giang) và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tham gia tuần tra biên giới song phương (trên sông Hậu, đoạn qua thị trấn Long Bình và xã Khánh An, huyện An Phú).

Thành phố Châu Đốc nằm cách biên giới Campuchia khoảng 25km. Đây được coi là thủ phủ nơi vùng biên giới của tỉnh An Giang. Châu Đốc có vị trí quan trọng về kinh tế, thương mại và du lịch, nên mỗi năm có tới hơn 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm.

< Phụ nữ dân tộc Chăm ở ấp Phum Xoài (xã Châu Phong, huyện Tân Châu) phát triển kinh tế bằng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Dulichgo
Từ Châu Đốc, theo Quốc lộ 91C chúng tôi đi tiếp lên huyện vùng biên An Phú. Nơi đây có cửa khẩu Khánh Bình nối cả đường sông và đường bộ sang Campuchia. Đứng bên này sông Bình Di nhìn sang bên kia là cửa khẩu Chrey Thum thuộc huyện Koh Thum, tỉnh Kan Dal của Campuchia. Từ lâu, thị trấn Long Bình của huyện An Phú được xem là điểm tập kết và trung chuyển quan trọng đủ mọi loại hàng hóa từ nông sản cho đến quần áo, mĩ phẩm, thực phẩm… giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

< Xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên vào mùa thu hoạch lúa.

Từ cột mốc 246 ở ngã ba sông Bình Di của thị trấn Long Bình nhìn ra, ngày lại ngày, những chuyến đò cần mẫn đưa khách qua lại hai bên biên giới. Chỉ một thời gian nữa thôi khi cầu Long Bình - Chrey Thom hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo thành đòn bẩy để phát triển kinh tế vùng biên và để người dân đôi bờ biên giới xích lại gần nhau hơn.

< Chị Lê Thị Lan ở ấp 3, xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu thoát nghèo nhờ mô hình nuôi dê lấy thịt.
Dulichgo
Thị trấn Tịnh Biên của huyện Tịnh Biên được xem là trung tâm thương mại, mậu dịch ở vùng biên giới của An Giang. Đặc biệt, Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên giáp cửa khẩu Phnom Den (tỉnh Ta Keo, Campuchia), là điểm nối liền giữa Quốc lộ 91 của Việt Nam và Quốc lộ 2 của Campuchia. Từ đây, nông sản, hàng hóa đi thẳng vào Phnom Penh, hoặc có thể đi qua tỉnh Kampot và đi tiếp Quốc lộ 3 về Poset, Odong, Kampong Speu… rất thuận tiện.

< Người dân xã Long Giang, huyện Chợ Mới có nghề đan thúng truyền thống.

Mỗi năm, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này đạt trên 100 triệu USD. Đây là lợi thế rất lớn để An Giang hướng tới xây dựng Tịnh Biên thành Khu kinh tế cửa khẩu, góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của vùng biên giới Tây Nam.

< Người dân hai nước Việt Nam và Campuchia trao đổi, mua bán cá tại xã An Khánh, huyện An Phú.

Xã Khánh An, huyện An Phú cũng là một điểm sáng vùng biên nhờ đã hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới với hệ thống đường giao thông nông thôn, điện lưới, trường học, trạm xá... khang trang, đồng bộ. Đây cũng là xã nông thôn mới đầu tiên ở huyện biên giới An Phú.

< Làng nuôi cá bè trên sông Châu Đốc và cũng là địa điểm du lịch hấp dẫn của Tp. Châu Đốc.
Dulichgo
Ông Huỳnh Tiến Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết: địa phương vốn có điểm xuất phát thấp nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân, nên sau 5 năm xã đã hoàn thành chỉ tiêu nông thôn mới, nhờ đó mà đời sống kinh tế, văn hóa của người nhân được nâng lên rõ rệt.

< Chùa Sây Tà Som ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Để hiểu thêm về đời sống của đồng bào vùng biên An Giang, chúng tôi đã đến xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu. Đến thăm gia đình chị Lê Thị Lan ở ấp 3, một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhờ mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình nuôi dê thịt kết hợp với trồng ổi. Chỉ vào đàn dê to khỏe, chị Lan phấn khởi khoe: “Tôi vừa bán 5 con dê được khoảng 20 triệu nên Tết này sẽ sắm sửa thiệt đầy đủ cho tụi nhỏ”.

< Lễ cưới với tục rước rể về nhà gái của đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên.

Hay như ở ấp 5 có gia đình anh Nguyễn Văn Minh, nhờ có nghề trồng nấm rơm mà mỗi tháng cũng thu về được hơn 30 triệu đồng lãi ròng. Thấy anh làm ăn tốt nên Hội Nông dân xã đang giúp hoàn thành thủ tục vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng trang trại sản xuất.

< Bà con dân tộc Chăm theo đạo Hồi ở Châu Phong (huyện Tân Châu) sau giờ hành lễ tại Nhà thờ.

Vùng biên An Giang đang thay da đổi thịt hàng ngày. Nhiều xã giờ đã là “xã nông thôn mới”, là “điểm sáng văn hóa biên giới”... Mỗi nơi một vẻ nhưng đều thể hiện được cái sức xuân đang bừng lên mạnh mẽ nơi miền biên giới xa xôi.

Tình người nơi biên giới

Vùng biên giới An Giang là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer, Hoa với nhiều tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi giáo…

< Bông súng, một loại rau đặc sản của người An Giang, thường có nhiều vào mùa nước nổi.
Dulichgo
Đây cũng là khu vực giáp ranh với nước bạn Campuchia nên tình hình an ninh, trật tự khá phức tạp, nhất là các tệ nạn xã hội, nạn mua bán người, buôn lậu... hưng với quyết tâm cao, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cùng các lực lượng an ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới, giúp nhân dân hai nước thuận lợi làm ăn sinh sống.

< Bà con dân tộc Khmer nấu bánh chuẩn bị đón tết cổ truyền.

An Giang có 12 đồn biên phòng, trong đó có 2 đồn cửa khẩu quốc tế và 2 đồn cửa khẩu quốc gia. Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động của Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang chia sẻ: “Bà con ở đây thương bộ đội như con vì anh em chiến sĩ rất gần dân, giúp dân từ việc lớn tới việc nhỏ, từ việc bảo vệ trị an cho tới dạy học, làm đường, khám bệnh, phát thuốc, gánh nước, trồng rau...”.

< Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở huyện Tịnh Biên.

Xã Nhơn Hội, huyện An Phú những ngày đầu Xuân Đinh Dậu thật ấm tình quân dân. Anh em chiến sĩ biên phòng ai cũng hồ hởi tham gia dạy lũ trẻ học bài, hoặc tranh thủ đi khám bệnh phát thuốc cho người dân...

Còn ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, trước vốn là xã nghèo nhất của tỉnh, nhưng nay cũng đã đổi thay nhiều. Bằng chứng là ở các phum, sóc ngày càng có nhiều nhà mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng đã hoàn chỉnh. Đặc biệt, người dân Văn Giáo giờ đã có thể phát triển kinh tế bằng chính nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của  mình.

< Rừng tràm Trà Sư ở  huyện Tịnh Biên là khu rừng ngập nước tiêu biểu của Nam Bộ và cũng là điểm đến nổi tiếng trong các tour du lịch đến An Giang.
Dulichgo
Bà Nèang Samon ở ấp Srây Skốth tự tin cho biết: “Nhờ có cán bộ xã giúp đỡ nên gia đình đã phát triển được nghề dệt, nhờ đó mà xây được nhà, con cái đi học đầy đủ, không phải lo cái ăn từng bữa như trước nữa”.

< Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang tổ chức khám bệnh miễn phí cho người dân Campuchia ở huyện biên giới Preychulsa, tỉnh Ta Keo.

Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh An Giang còn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo mọi điều kiện để đồng bào phát huy văn hóa truyền thống, cũng như được tự do theo tín ngưỡng của mình. Nhờ đó mà đồng bào Kinh, Chăm, Khmer, Hoa luôn sống yêu thương, hòa thuận, phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Nhiều nhà thờ Hồi giáo, chùa, thánh đường được trùng tu và xây mới. Nhiều tập tục như đua bò vùng Bảy Núi, đua ghe ngo của đồng bào Khmer… giờ đã trở thành những lễ hội lớn nổi tiếng khắp cả nước.

< Một lớp học do cán bộ, chiến sĩ biên phòng tổ chức cho các cháu học sinh người dân tộc Chăm tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú.

Một điểm thú vị khác ở vùng biên giới An Giang đó là hoạt động giao lưu buôn bán làm ăn, hỗ trợ nhau trong cuộc sống của người dân hai nước Việt Nam – Campuchia.
Dulichgo
Hôm đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, chúng tôi tình cờ gặp anh Chao Sóc Hum, thương lái người Campuchia. Anh Chao Sóc Hum cho biết, hầu như ngày nào anh cũng sang bên này mua 2 đến 3 chuyến hàng nông sản rồi chở về Campuchia để bỏ mối lại cho các chợ ở tỉnh Takeo, vì thế anh có rất nhiều bạn ở Việt Nam. Còn ông Trần Văn Buôl, người ở xã Khánh Bình, huyện An Phú, cũng là dân buôn bán lâu năm ở cửa khẩu này thì cho biết thêm, bà con hai bên biên giới đa phần đều biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Camphuchia, nên việc buôn bán, trao đổi khá thuận lợi và vui vẻ.

< Múa Sadăm trong lễ  hội truyền thống của đồng bào Khmer ở  huyện Tịnh Biên.

Để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị nhằm giúp nhân dân hai nước ổn định làm ăn, sinh sống, nhân dân hai bên biên giới đã lập những cụm dân cư kết nghĩa; còn lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước Việt Nam và Campuchia thì không ngừng tăng cường giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị.

< Các vũ công người Khmwer với vũ điệu truyền thống trong ngày hội.

Lực lượng biên phòng tỉnh An Giang và 2 tỉnh Kan Đal, Ta Keo của nước bạn Campuchia thường phối hợp tổ chức những buổi tuần tra chung. Khi có vụ việc xảy ra, hai bên thường xuyên chủ động thông báo tình hình cho nhau, cùng nhau giải quyết đúng chủ trương, đối sách, hợp tình, hợp lý, không để xảy ra căng thẳng.
Dulichgo
Ngoài ra, bên cạnh hệ thống trạm y tế ở các xã vùng biên, Bộ đội Biên phòng An Giang còn lập thêm 3 trạm xá quân dân y tại khu vực biên giới ở các huyện Tri Tôn, An Phú và Tân Châu để nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho người dân.

< Các em bé dân tộc Chăm sau buổi lễ tại nhà thờ Hồi giáo Châu Phong (huyện Tân Châu).

Đặc biệt, lực lượng quân y biên phòng còn tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân Campuchia tại hai tỉnh Ta Keo và Kan Dal. Nhiều đoàn y bác sĩ giỏi từ Tp. Hồ Chí Minh, Châu Đốc, Long Xuyên… cũng thường xuyên về đây tham gia khám và điều trị bệnh cho người dân hai bên biên giới với tinh thần “nghĩa tình khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia”.

Những ngày ở vùng biên An Giang trôi qua thật nhanh. Xe chúng tôi rời Tịnh Biên trong ánh chiều vàng óng ả. Hình ảnh các phum sóc và những hàng cây thốt nốt lướt nhẹ qua ô cửa kính thật bình yên và êm ả. Một mùa xuân mới lại đang về trên mảnh đất biên cương nơi miền Tây Nam của Tổ quốc.

Theo Nguyễn Oanh - Ảnh: Nguyễn Thắng, Thông Hải, Kim Sơn, MInh Quốc, Kim Phương, Nguyễn Ðức Thắng,  Nguyễn Nhậm (Báo Ảnh VN)
Du lịch, GO!