Không phải là ngôi tháp độc đáo nhất Bình Định, không phải là ngôi tháp có kiến trúc hoàn mỹ nhất, càng không phải là ngôi tháp có niên đại cổ nhất vùng đất này nhưng tháp Thủ Thiện được xem là ngôi tháp linh thiêng, điểm du lịch Bình Định gắn liền với nhiều sự vật, sự việc huyền bí bậc nhất nhì của tỉnh.

Tháp Thủ Thiện là một ngôi tháp cổ Chămpa ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách quốc lộ 19 khoảng 1km. Dù không đứng trên các gò đồi cao như các tháp khác nhưng Thủ Thiện vẫn vươn mình kiêu hãnh trên vùng đất bằng phẳng, tô điểm thêm vẻ hữu tình cho bờ nam sông Kôn. Đến với tháp Thủ Thiện, du khách có dịp chiêm ngưỡng kiến trúc một tháp bình đồ hình vuông tiêu biểu của xứ sở này.

Về tên gọi, do từ thế kỷ XIX, thôn Thủ Thiện được gọi là Thủ Hương nên trong sách Đại Nam nhất thống chí, tháp này được gọi là Thủ Hương cổ tháp. Các tài liệu của người Pháp gọi là Tour de Bronze (Tháp Thau). Ngày nay, người ta thống nhất với tên danh tính Tháp Chăm Thủ Thiện.
Dulichgo
Tháp có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ 11 trong thời kỳ chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định nhưng đậm nét phong cách Bình Định nhiều hơn.

Các cửa giả ở giữa ba mặt tường Tây, Nam, Bắc và cửa ra vào phía Đông đều có hình cung nhọn lớn như mũi giáo khổng lồ phía trên, đầu các cột ốp hợp thành bộ diềm mái nhô ra mạnh, các tháp nhỏ ở góc các tầng mái không còn là một ngôi tháp thu nhỏ nữa mà biến thành một khố hình chóp nhiều tầng. Giống như các ngọn tháp chàm khác, tháp Thủ Thiện cũng rỗng chóp đỉnh ánh sáng có thế chiếu vào bên trong tháp.

Mỗi chiều của tháp là 8,5m, đế của ngôi tháp khá cao nhưng thắt eo lại ở phần giữa, trông duyên dáng như hình hài người thiếu nữ Chăm-pa. Trên phần thân của tháp có cửa chính mở về phía Đông, kết hợp với vòm cửa có cấu tạo nhọn, hình mũi lao, khiến cho tòa tháp nhìn từ xa như người anh hùng đang dũng mãnh với ngọn lao trên tay.

Tuy nhiên, trước sự bào mòn của thời gian, vòm cửa tháp Thủ Thiện đã hư hại đi nhiều nhưng người ta vẫn phỏng đoán được phần trên của mỗi cửa được tạo dáng như các khám thờ, trong mỗi khám thờ đều có các tượng thần hoặc các bức phù điêu.
Dulichgo
Vào sâu bên trong lòng tháp, du khách sẽ còn ngất ngây bởi những vết tích cổ là nơi gắn phù điêu hay các tượng thờ. Đặc biệt, nếu sự cầu kỳ là vẻ đẹp cấu thành nên các tháp khác ở Bình Định thì sự thanh nhã, đơn giản đến giản lược tối thiểu của tháp Thủ Thiện chính là nét độc đáo của ngôi tháp này với các cột ốp hoàn toàn không trang trí, các tháp góc được xếp thành nhiều tầng sát nhau.

Khi đã đến với Thủ Thiện, du khách sẽ được nghe qua một câu chuyện truyền kỳ của tòa tháp này. Chuyện là, từ năm 1980, trên đỉnh tháp Thủ Thiện từ đâu xuất hiện một cây đa to, tán phủ kín cả tòa tháp. Dần dần tháp Thủ Thiện như biến thành hình hài một cây đa ngàn năm tuổi, nên người dân trong vùng vô cùng tôn kính tòa tháp bởi sự linh thiêng đặc biệt này.

Tuy nhiên trận bão năm 1985 đổ bộ vào tỉnh Bình Định đã thổi bay cây đa khổng lồ khỏi đỉnh tháp, nhưng rất kỳ lạ là cây đa đổ xuống mà không hề làm hư hại lớn cho tòa tháp cổ này càng khiến người người tin vào sự linh thiêng của tháp hơn.
Dulichgo
Tháp Thủ Thiện được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật Chăm đầu thế kỷ XII, xếp hạng từ ngày 20/1/1995.

Du lịch, GO! tổng hợp