(AGO) - Nhìn trên bản đồ, cồn Én như một chiếc lá lững lờ trên dòng sông Tiền, hay như cánh én chao đảo giữa ngút ngàn sông nước hữu tình…

Cồn Én nằm trên địa bàn ấp Tấn Long (xã Tấn Mỹ, Chợ Mới), cách sông Tiền gần 2km, nằm sát bên huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Nếu trước đây giao thông chủ yếu bằng đò, nay đường sá khang trang, đò có thể chở cả xe ôtô 16 chỗ qua cồn.

Tuy không thuận lợi về giao thông, nhưng đời sống người dân ở đây ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, nhà cửa trở nên đông đúc, khang trang.

Có tên gọi cồn Én, vì từ xưa đây là một vạt đất bãi bồi do con sông Tiền tạo nên, nước thượng nguồn quanh năm đổ xuống cặp hai bên cồn, tạo thành 2 doi đất chạy dài tựa như cánh chim én, nên người dân đặt cho tên gọi cồn Én.

Giai đoạn trước năm 1975, vì quyền lợi riêng tư tranh chấp đất đai, ở đuôi cồn Én xảy ra mâu thuẫn rồi dẫn đến ẩu đả, nên phần đuôi cồn có người đặt là tên cồn Lựu Đạn, cồn Chém... nhưng thật ra chỉ là một phần đất trong khu vực cồn Én.

Cồn Én ngày nay có 753 hộ với 3.748 nhân khẩu, đa số người dân sống bằng  nông nghiệp. Diện tích tự nhiên 338 héc-ta, trong đó đất sản xuất chiếm gần 300 héc-ta, gồm: Sản xuất lúa, màu và vườn cây ăn trái, còn lại là đất thổ cư và sông rạch.
Dulichgo
Trưởng ấp Tấn Long Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Tuy nằm xa trung tâm xã, nhưng Cồn En có trường học, tổ y tế, nhà máy nước…; phong trào văn nghệ, thể dục-thể thao cũng phát triển khá, có hẳn một Câu lạc bộ đờn ca tài tử, tối chủ nhật văng vẳng điệu Xàng Xê, Nam Ai.. đậm chất Nam Bộ”.

“Quá trình xã hội phát triển, dù là một vùng đất nằm biệt lập giữa sông nước, nhưng đời sống dân cư ổn định, hộ nghèo chỉ còn 2%, còn lại hộ trung bình hoặc khá giàu. Mùa lũ về, nơi đây càng “thịnh hành” nghề đánh bắt, bội thu tôm cá…”- anh Thanh, UBND xã Tấn Mỹ nói.
Dulichgo
Cồn Én còn có bãi tắm cồn, cát vàng mịn trên 3 héc-ta không thua gì các nơi du lịch nổi tiếng, nhưng chưa được đầu tư đưa vào khai thác du lịch. Nơi đây có nhà thờ của đạo Thiên Chúa, kiến trúc vuông vức theo dạng hình khối. Trong và trước khuôn viên là nhà trẻ, thư viện, trường mẫu giáo... đều do con chiên của nhà thờ đảm trách.

Là người gốc Kiên Giang, Linh mục Trần Đức Thuân chia sẻ: “Tôi rất thích nơi đây, cây cối xanh tươi, sông nước mát mẻ, dân hiền lành chất phác, hiền hòa và hiếu khách. Kinh tế phát triển, đời sống đồng bào có đạo cũng khấm khá hơn”. Kế nhà thờ, du khách choáng ngợp trước căn nhà rất đặc biệt, thiết kế tinh xảo hòa quyện giữa phong cách nhà sàn Nam Bộ và hiện đại.
Dulichgo
Nơi đây đang dần hình thành hơn 2.000 vèo, trên 14,4 héc-ta diện tích mặt nước nuôi cá, giải quyết việc làm 600 lao động địa phương. Đứng trên đê bao bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy sản, cả một vùng hoa màu xanh biếc, với những giàn mướp lủng lẳng quả xanh um, nhiều ruộng ớt chạy dài đỏ rực một góc trời.

Dọc theo con kinh Khai Long, người dân tận dụng mặt nước thả rau nhút gần chục héc-ta thẳng cánh cò bay. Đêm, tại vùng nuôi thủy sản, đèn bật chiếu sáng, nhấp nhá trên sông, không thua gì thị trấn, thị tứ, tạo nét lung linh huyền ảo trên sông.

Rời cồn Én, xa dần những ngôi nhà mái ngói dưới bóng cây. Nhìn nước sông trôi bàng bạc, lòng vẫn thấy còn luyến lưu, hẹn một ngày không xa sẽ trở lại, tay vẫy chào cồn Én.

Theo Hạnh Châu (Báo An Giang)
Du lịch, GO!