Đã qua rồi ngày lễ tình nhân Valentine, những câu chuyện bùa yêu bí ẩn và hành trình đi tìm bùa vẫn còn nóng trên các diễn đàn, tranh luận.

Câu chuyện về bùa yêu xuất hiện ở nhiều vùng như Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ...

Tin vào phép lạ hay bùa chú như là những nét sinh hoạt tín ngưỡng của bà con dân tộc vùng cao. Mỗi bản làng thường có ít nhất một người biết thuật này, cộng với sự thêm thắt của người kể đã khiến cho những câu chuyện về bùa yêu trở nên bí ẩn, đôi khi pha cả chút đáng sợ. Một đồn mười, mười đồn trăm, những câu chuyện như thế đã lôi kéo sự tò mò của khá nhiều người. Vậy có “bùa yêu” hay không?

Hầu hết đều cho rằng bùa yêu có sức mạnh kỳ bí, có thể khiến một người phải lòng người khác vô điều kiện, nhanh chóng và cực kỳ chung thủy. Nếu vi phạm bùa yêu có thể phải trả giá đắt.

Thực hư bùa yêu của người Mường

Trong nhiều câu chuyện kể về những vùng đất nơi người Mường sinh sống ẩn chứa truyền thuyết bí ẩn về phép chữa bệnh và bùa ngải, trong đó có bùa yêu. Bùa yêu có hàng trăm loại khác nhau tùy theo mục đích, đối tượng, hoàn cảnh. Bùa của người Mường làm từ những vật quen thuộc của đối tượng như cốc nước, hay bộ quần áo, chiếc lược... Các thầy làm bùa sẽ đọc câu cúng và "làm phép" để bùa phát huy tác dụng. Theo lời kể của người dân, chiếc bùa ngải có thể dùng để hàn gắn một cặp đôi đang bên bờ vực tan vỡ hoặc có thể giúp một đôi nên duyên, nên tình.

Trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Mường, thầy Mo, thầy Trượng, bà Mưỡu, thầy nèm... là những người rất được coi trọng và họ mới là những người cho bùa ngải. Các thầy làm bùa luôn phải xuất phát từ mục đích tốt. Nó giống như một lời nguyền thiêng liêng mà bất cứ kẻ nào cố tình làm trái, làm bậy đều sẽ phải trả giá đắt. Ngày xưa, chỉ có con nhà nghèo hoặc quá xấu không có điều kiện lấy được chồng/vợ mới phải cầu đến bùa yêu. Và họ cũng không thể làm cho một người phản bội vợ/chồng của mình để đi yêu một người khác, điều đó là cấm kỵ.

Một nguyên tắc bất di bất dịch trong giới bùa ngải của người Mường là mỗi thầy Trượng chỉ được truyền dạy những lời thiêng dùng để làm phép của mình cho một đệ tử duy nhất. Đó phải là một người được lựa chọn kỹ càng qua các thử thách về tài và đức.

“Ma lực” bùa yêu của người Thái

Chuyện bùa ngải của người Thái ở Việt Nam cũng rất nổi tiếng. Ông Lương Văn Liên, một trong những thầy bùa nổi tiếng (ở Thanh Hóa) được cho là có khả năng yểm nhiều loại bùa khác nhau, đồng thời cũng là người đã từng chứng kiến khá nhiều hệ lụy từ việc sử dụng bùa chú. Ông Liên cho biết, loại bùa yêu đơn giản nhất mà ông biết chính là dạng… vỗ vai. “Nam tay trái, nữ tay phải. Khi thấy người mình ưng ý, chỉ cần đưa tay lên gần miệng rồi lẩm bẩm mấy câu tiếng Thái, đại ý là “anh xa em như chim xa cành, em xa anh như cá xa nước”, sau đó vỗ vào vai đối phương. Bùa này hiệu quả nhanh nhưng cũng nhanh tan lắm. Chỉ cần gần nhau một thời gian là bùa tự hóa giải”.

Ngoài ra, nhiều truyền thuyết về việc người Thái có một loại bùa có sức mạnh lớn, đó là "mằn yêu" bằng mọi thứ.
Cái "mằn yêu" này không cần phải vật thân thuộc của đối tượng mà chỉ cần một nắm muối, cốc nước, chén chè, chén rượu, một cái kẹo, thậm chí một cành cây, viên đá, sỏi cũng có thể làm đối tượng si mê không dứt ra được. Muốn phá bùa yêu chỉ có thể nhờ vào thầy cúng.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thời gian, người Thái, người Mường dần thay đổi quan niệm trong tình yêu và hôn nhân. Nam nữ tìm hiểu một thời gian rồi yêu và tiến đến hôn nhân hạnh phúc.

Bàn về bùa yêu, GS.TS Trần Trí Dõi, Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (thuộc Khoa Ngôn ngữ học) kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các dân tộc thiểu số và miền núi - Trường ĐHKHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), dí dỏm rằng "bùa yêu có thật mà không thật".

"Có nhiều loại bùa yêu, người ta làm bằng bột, trong đó có chứa chất kích dục. Và trong một chừng mực nhất định nào đó, nó có thể khiến cho một người xa lạ bỗng muốn "gần gũi " với người bỏ bùa. Cho nên, nhiều người mới tưởng, thứ bùa yêu đó có tác dụng thần kỳ. Rồi, họ huyền thoại hóa câu chuyện đó lên và truyền bá ra bên ngoài, sau đó tiếp tục lan truyền đến các đời sau".

Những người đời sau nghe chuyện, cũng nửa tin nửa ngờ nhưng cuối cùng lại chấp nhận tin đó là chuyện có thực, lại đẩy những câu chuyện đó lên như một giai thoại. Do vậy, những câu chuyện về bùa yêu luôn khiến nhiều người tò mò. Còn việc dùng bùa yêu rồi mỗi khi chồng đi ngoại tình, vợ ở nhà rang quần áo để chồng trở về là một câu chuyện không có thực. Bởi vì, ngày xưa, không chỉ có người dân tộc, mà người Kinh cũng hay có tục rang quần áo của người đi xa, để họ nóng ruột mà trở về chứ không phải thứ bùa ngải nào cả", GS Trần Trí Dõi giải thích.

Theo Gia đình & Xã hội, số Xuân Ất Mùi.
Du lịch, GO!