Nằm cách trung tâm Hà Nội 30km, chợ Nủa (xã Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội) là một trong những chợ còn giữ được nét mộc mạc, đặc trưng của chợ phiên vùng đồng bằng bắc bộ.

Chợ Nủa là chợ phiên truyền thống họp đều đặn vào buổi sáng các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Đến đây, ta dường như lạc giữa một phiên chợ đầu thế kỷ trước, bởi có thể bắt gặp những bà cụ quần đen áo nâu miệng bỏm bẻm nhai trầu, mời chào những câu hết sức dân dã.

Vào phiên chợ cuối cùng của năm Bính Thân, chợ Nủa thu hút nhiều người dân từ cả các huyện lân cận đến mua sắm Tết. Vài ba buồng chuối, quả bưởi hái được ở vườn nhà... chỉ cần mang ra ngõ đã có người hỏi mua, ấy vậy mà người ta cứ thích chờ đến chợ phiên mới đi bán.

Những cành đào được bày bán ngay đầu chợ. Phiên chợ cuối năm đông đúc, người mua sắm tấp nập mang đậm nét chân quê mộc mạc.

Ông Nguyễn Đình Thành (56 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Chợ phiên năm nào cũng thế, nhưng cứ đến phiên chợ Tết cuối cùng của năm, dù bận mấy tôi cũng qua chợ mua đồ lặt vặt, cốt là thích cái không khí chợ Tết quê mình. Năm nay đào rẻ, tôi mua tận 3 cành về chưng Tết".

Chợ Nủa cũng là nơi tin cậy để mua sắm đồ nông cụ. Những chiếc dao, cuốc, cày bừa... được bán ở chợ Nủa dường như chắc chắn và bén hơn ở nơi khác thuộc vùng này.

Bước vào chợ dường như lạc vào phiên chợ từ đầu thế kỷ trước, bởi dễ dàng bắt gặp các bà, các mẹ đầu chít khăn mỏ quạ, miệng nhỏm nhẻm nhai trầu, tay cầm làn đi chợ hết sức dân dã.

Người dân đi chợ phiên có thể trả giá thoải mái, không hợp ý, không ưng thì không mua, người bán cũng không tỏ ra khó chịu.

Người dân cả vùng Thạch Thất ai cũng thuộc câu tục ngữ “Gái 22, trai 27”. Cả hai phiên chợ này, các mặt hàng không có gì khác nhau nhưng ngày 22 thì đàn bà đi chợ đông hơn, còn ngày 27 lại đông đàn ông hơn.

Là phiên chợ truyền thống cuối cùng của năm, chợ Nủa thu hút người dân đến mua sắm và tham quan rất đông, các tuyến đường quanh chợ đông nghịt người và rơi vào tắc nghẽn.

Du lịch, GO! tổng hợp từ TTO, Vnexpress