Hằng năm, cứ vào dịp tết đến xuân về, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức như một lời chào tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới.

Trong các hoạt động vào dịp xuân về, thì phải kể đến loại hình nghệ thuật truyền thống đó là múa lân sư rồng – đây được xem là nghệ thuật đặc trưng nhất của Châu Á được nhiều người ưa thích.
Bởi hình ảnh của lân, sư, rồng tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng, là sự khơi mở cho những điềm lành trong năm mới.

Từ truyền thuyết đến cuộc sống…

Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có một thầy thuốc nhân hậu, vui tính, suốt ngày đi lên non, xuống biển tìm thảo dược để trị bệnh cho bá tánh. Một hôm, ông tình cờ hái được cây tiên thảo linh chi có tác dụng trường sinh bất lão. Nhà vua biết được tin này liền đòi ông tiến cung, dâng lễ vật và sẽ được ban cho vinh hoa phú quý nhưng ông không đồng ý mà bỏ làng trốn đi biệt tích.

Nhiều năm sau, vào tháng chạp âm lịch (tức tháng 12) có một con quái vật hình thù quái dị, rất hung hãn, có sức mạnh kinh hoàng từ biển lên bờ, ăn gia súc của người dân trong làng rồi trở về biển. Ông thầy thuốc nghe tin này liền trở về làng tìm hiểu sự việc và tìm cách dẫn dụ con quái vật lên rừng cho ăn tiên thảo linh chi để từ đó biến nó thành một con vật huyền thoại hiền lành gọi là con Lân. Người đã thuần hóa được Lân chính là ông Địa. Sau này, cứ mỗi khi năm hết tết đến, ông Địa lại cùng Lân về làng mang lại điều may mắn, chúc cho mọi gia đình được hạnh phúc vui vẻ, an khang thịnh vượng.

Múa lân sư rồng ngày nay…

Múa Lân là một môn nghệ thuật dân gian có nguồn gốc từ Trung Hoa. Nghệ thuật biểu diễn múa Lân thường xuất hiện trong những dịp lễ hội, đặc biệt là tết Nguyên tiêu, tết Trung thu và tết Nguyên đán hàng năm. Vì theo quan niệm chung của người Á Đông, con Lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt và hạnh phúc. Lân được xem là một thánh vật đứng hàng thứ nhì trong bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Một con Lân để múa vào ngày Tết phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh : hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì ngư tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long).

Đặc biệt trong đoàn múa lân luôn có một nhân vật “tai to, mặt lớn, bụng phệ, miệng cười ngoác tận mang tai” một tay cầm cây gậy có quả cầu trên đỉnh, một tay phe phẩy cái quạt mo là ông Địa. Vẻ mơn trớn, bông lơn, ngớ ngẩn của ông Địa làm cho đám múa lân càng thêm phần nhộn nhịp, không khí Tết nhất, lễ hội thêm phần ý vị.

Múa Lân hoặc Sư chỉ cần hai người, nhưng múa Rồng thì phải có nhiều người tập rất công phu để thể hiện được các động tác đồng bộ khi rồng uốn khúc, rồng phóng tới, rồng đảo lại. Ít nhất cũng có 6 người múa rồng, nhiều cũng độ 20 người, thậm chí 30 người, cùng điều khiển con rồng phô diễn thần oai.

Dù có cách tân, cách điệu, Sư và Rồng vẫn không có màu sắc phong phú bằng lân. Riêng Lân thì mang nhiều sắc mặt: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen. Lân có hai loại: loại có sừng và không sừng. Lân không sừng giống hổ, là biểu tượng của tháng giêng. Ðầu lân không sừng dùng để múa, thường dính vào sau gáy một miếng vải đỏ, viết chữ Vương lớn, đậm nét, mình lân có vòng đen. Lân có sừng chỉ có một sừng chính giữa nên còn gọi: Kỳ Lân, đầu tròn lớn, màu thân giống màu đầu lân, được sử dụng để múa nhiều nhất.

Hòa quyện giữa truyền thống và tâm thức, múa lân từ lâu đã trở thành một thành yếu tố không thể thiếu vắng trong các lễ hội dân gian và các hoạt động hiếu hỉ hiện đại. Múa lân tự bao giờ đã là một thứ nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa võ thuật, sự chính xác uyển chuyển của một vận động viên thể dục dụng cụ, sự khéo léo, cẩn trọng của một nghệ nhân và sâu xa hơn cả, là cả chiều sâu của một hoạt động văn hóa chưa bao giờ mai một… Sự chắt lọc các tinh hoa ngoại sinh kết hợp nghệ thuật võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc đi kèm với các bài quyền, pháp, thể công. Chương trình múa lân sư rồng có nhiều tiết mục như múa cờ khai đắc thắng, múa nhang, múa võ theo nhạc, thổi lửa, nhào lộn, múa lân, múa rồng, múa song sư hí cầu, múa chồng la hán, võ thuật, nội công, múa lân dũng tiến – Mai Hoa Thung, lân leo cây - Đỉnh thượng kim ngưu.

Nghệ thuật múa lân sư  rồng đang dần trở thành bộ môn thể thao quen thuộc không còn gò bó theo mùa diễn Tết hoặc lễ hội truyền thống như trước đây. Người ta tin rằng lân sư rồng vào nhà là mang đến tài lộc may mắn và hạnh phúc cho gia chủ.

Có thể nói, múa lân còn là một nét văn hóa riêng của người Việt Nam được dung nạp với các yếu tố nội sinh, cấu thành và lưu giữ nhằm giới thiệu nghệ thuật biểu diễn cho khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Hy vọng những hoạt động truyền thống như múa lân này vẫn sẽ được lưu giữ lâu dài như một bản sắc văn hóa và ý nghĩa tốt đẹp của Việt Nam.

Theo Ttxtdldongnai.vn
Du lịch, GO!