Không phải là những địa danh nổi tiếng về nuôi gà chọi như chợ Lách (Bến Tre), Cao Lãnh (Đồng Tháp); cũng chẳng phải tiếng gà lảnh lót xứ Thọ Xương; có hai địa danh du lịch thú vị gắn với tên "Gà". Nghe có vẻ lạ nhưng lại thân quen với cộng đồng du lịch, là làng Gà Darahoa ở cao nguyên Lâm Viên và đảo Gà ở xứ biển Bình Thuận.

Làng Gà Darahoa đậm chất sử thi

Nằm ngay cửa ngõ vào xứ sở ngàn hoa, làng Gà Darahoa ít được du khách nội địa biết nhưng lại nổi tiếng thế giới bởi chú gà trống nặng 9 tấn sừng sững giữa làng. Người dân kể rằng, trước khi có chú gà trống này, ở làng có con gà tre 9 cựa, liên quan đến một câu chuyện thú vị. Nàng con gái làng Darahoa đem lòng yêu chàng trai làng bên và đáp ứng được thách cưới của nhà trai gồm voi, trâu, hàng chục ché rượu cần…

Chỉ còn món gà 9 cựa, mà già làng cho dân tìm mãi cũng chẳng có. Cuối cùng, làng nghĩ ra kế đốn tre rừng trên núi Voi kết lại thành hình con gà khổng lồ có 9 cựa làm sính lễ, vì nhà trai đâu có đòi gà thật! Diệu kế đã kết duyên cho đôi trai tài gái sắc. Từ đó, chú gà 9 cựa như một biểu tượng trí tuệ của làng.

Từ câu chuyện đó, kiến trúc sư Lữ Trúc Phương đã thiết kế và xây dựng bồn nước mang hình dáng một chú gà cao 3,2 mét, nặng 9 tấn như một món quà tặng làng. Công trình gây nhiều tranh cãi nhưng đối với làng đó là một món quà quý dù chức năng bồn nước không thành hiện thực. Du khách quốc tế đến Đà Lạt nghe câu chuyện thách cưới, rất hứng thú tìm đến làng chiêm ngưỡng chú gà trống oai vệ, nhất là du khách Pháp vốn tự hào với biểu tượng chú gà Gaulois. Lữ Trúc Phương là một "quái kiệt" của cao nguyên này. Ông từng gây tranh cãi với thiết kế ngôi nhà trăm mái ngay đầu đèo Prenn nổi tiếng trên báo phương Tây một thời. Nhưng cuối cùng, ngôi nhà buộc phải tháo dỡ vì "không phù hợp với quy hoạch, văn hóa". Cuối cùng, ông biến ngôi nhà mình đang ở thành kiến trúc trăm mái làm quán cà phê, trở thành điểm đến của đông đảo du khách yêu mến tính khí, con người "rất dị" của ông.

Đà Lạt còn một điểm đến nổi tiếng khác mang tên "Gà" là ngôi nhà thờ chính tòa nằm uy nghiêm trên đồi cao đường Trần Phú nhìn xuống hồ Xuân Hương thơ mộng và khu chợ sầm uất.

Công trình do người Pháp xây dựng nên trên đỉnh tháp chuông nhà thờ có chú gà Gaulois đứng chễm chệ. Thay vì đọc tên đúng là Nhà thờ chính tòa Thánh Ni-cô-la Pa-ri, người ta gọi thân thương là "Nhà thờ con gà" tương tự như cách gọi nhà thờ chính tòa Đà Nẵng.

Ngọn hải đăng cổ trên đảo Gà

Đảo Gà là một phần tách rời của núi Cẩm Kê, phía Nam thành phố biển Phan Thiết (Bình Thuận). Trước đây, người ta thường thấy một đàn gà rừng màu sắc sặc sỡ thường kiếm ăn ở một khe suối từ Cẩm Kê đổ ra biển, nên gọi khu vực này là Khe Gà, về sau đọc trại thành Kê Gà. Ngọn hải đăng được xây dựng trên đảo Gà cũng mang tên hải đăng Khe Gà hay Kê Gà.

Bờ biển có nhiều đá, lòng biển có nhiều vùng xoáy nguy hiểm. Nhiều tàu buôn bị chìm do không định hướng được vùng biển này. Năm 1897, người Pháp sau khi nghiên cứu đã cho xây ngọn hải đăng, giúp tàu thuyền định hướng khi di chuyển trong vùng biển từ Vũng Tàu tới Phan Rang. Năm 1900, ngọn hải đăng hoàn thành cao 65 mét so với mực nước biển, vật liệu được lấy từ đá hoa cương tuyệt đẹp trên đảo. Ngày nay, hải đăng Kê Gà là ngọn hải đăng cao nhất (chỉ tính phần xây dựng) và cổ nhất Việt Nam.

Để ra được hải đăng, du khách thuê tàu thuyền, ca nô của ngư dân, giá khoảng 100.000 đồng/người. Lối dẫn đến hải đăng là hai hàng sứ cổ trên trăm năm tuổi như sứ ở Bạch Dinh (Vũng Tàu), Chủng viện Thừa Sai Kontum, nên không gian thêm phầm trầm mặc, cổ kính. Tiếp đó, du khách phải đi bộ lên 183 bậc thang gỗ hình xoắn ốc để lên đỉnh tháp.

Dưới tháp đèn, có một ban công nhìn bao quát khu vực rộng lớn hàng chục cây số, nhìn tận Mũi Né, núi Tà Cú và biển rộng mênh mông. Phía Bắc ngọn hải đăng có một dãy núi đá hình chữ S độc đáo. Vào cuối tuần, nhất là dịp trăng rằm, nhiều người đến ngủ tại ngọn hải đăng này để ngắm trăng, câu cá, đàn hát thâu đêm. Những người gác đèn rất thân thiện, sẵn sàng đứng bếp chế biến thức ăn và ngồi cùng mâm với khách sau thời gian làm việc.

Xung quanh hải đăng là những resort, khu cắm trại, dã ngoại nổi tiếng chẳng thua gì Mũi Né hay những bờ biển khác. Đây còn là vùng văn hóa tâm linh của cư dân bản địa với các địa danh Dinh Thầy Thím, núi Tà Cú…

Theo Miên Hạ (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!