(CPV) – Trong lịch sử nước ta, nhiều người tuổi Dậu bằng tài năng, đức độ của mình đã giúp dân, giúp nước. Bên cạnh đó, họ còn để lại cho đời sau những tác phẩm là kiệt tác của văn học Việt Nam.

+ Thái Thuận (sinh năm Tân Dậu 1441- chưa rõ năm mất) tự là Nghĩa Hòa, hiệu là Lựu Khê, biệt danh Lã Đường, người làng Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (nay là xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Khi còn nhỏ, Thái Thuận là người học rất giỏi. Năm 35 tuổi, ông đỗ “Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ” khoa Ất Mùi 1475 (niên hiệu Hồng Đức thứ 6 đời Vua Lê Thánh Tông). Sau đó, ông được bổ chức Hàn lâm viện Hiệu lý, rồi làm Tham chính ở Hải Dương hơn 20 năm. Khi làm quan, Thái Thuận nổi tiếng cương trực, thanh liêm.

Thái Thuận là một tài thơ. Sinh thời, ông đã viết hàng nghìn bài thơ nhưng vì không có ý thức lưu truyền cho đời sau nên thơ ông bị thất lạc nhiều. Hiện chỉ còn 264 bài được in trong tập “Lã Đường di cảo thi tập”.

Tập thơ này được dịch in ở miền Nam năm 1972, và ở miền Bắc năm 1974, 1990. Gần đây, thơ của Thái Thuận được thi sĩ Quách Tấn tuyển dịch, đặt tên là "Lữ đường thi" và đã được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001.

Nhiệt tình, đạo cao đức trọng, lại nổi tiếng văn chương, ông trở thành 1 trong 28 thành viên của Hội thơ Tao Đàn trứ danh do Vua Lê Thánh Tông sáng lập (nhị thập bát tú). Thái Thuận còn là Sái phu Hội Tao Đàn (người sửa chữa, biên tập và cho in ấn sáng tác của các hội viên).

Ông là thi sĩ xuất chúng của làng thơ Việt Nam đương thời với những bài thơ ngôn ngữ khoáng đạt, độc đáo.

+ Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Năm 23 tuổi, đời Vua Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ tư 1463), Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên khoa Quý Mùi.

Trong 32 năm làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện Hàn lâm, thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm Viện sự, đứng đầu Viện Hàn lâm.

Trạng nguyên Lương Thế Vinh từng giữ chức Sái phu trong Hội thơ Tao Đàn của Vua Lê Thánh Tông.

Trong thời gian làm quan, Lương Thế Vinh thường khuyên nhà vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”. Ông viết: “Vua tự sửa mình, bầy tôi tự sửa mình thì chính sự sẽ được tốt đẹp, lê dân đều có đức thì chính được lòng người, trừ được tệ xấu”.

+ Đoàn Thị Điểm (sinh năm Ất Dậu 1705, quê làng Giai Phạm, sau đổi thành Hiến Phạm, huyện Văn Giang, nay thuộc tỉnh Hưng Yên), bút hiệu Hồng Hà nữ sĩ, là người xinh đẹp, tài hoa, ham học hỏi, lại thuộc dòng dõi quý tộc và nổi tiếng tài thơ phú nên bà được đón vào triều làm Giáo thụ, dạy dỗ cung tần.

Năm 1743, bà kết hôn với Tiến sĩ Nguyễn Kiều (khoa Ất Mùi 1715 đời Vua Lê Dụ Tông) và cùng chồng dạy học, hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Đoàn Thị Điểm nổi tiếng với bản dịch song thất lục bát tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc ” của Đặng Trần Côn, bản dịch được đánh giá là công trình dịch thuật thơ chữ Hán sang thơ Nôm hoàn hảo nhất trong thi ca nước ta thời xưa.

“Hồng Hà nữ sĩ” được đời sau đánh giá là một tác gia lớn của văn học Việt Nam trung đại. Bà mất năm 1748.

+ Nguyễn Gia Thiều sinh năm Tân Dậu (1741), người làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình đại quý tộc có nhiều người làm quan cho triều đình Lê - Trịnh, là người đa tài hiểu biết sâu rộng, tinh thông âm nhạc, hội họa, kiến trúc...

Nguyễn Gia Thiều có tài về văn học mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” gồm 356 câu thơ Nôm làm theo thể song thất lục bát.

“Cung oán ngâm khúc” là tiếng thét oán hờn của người cung nữ sống trong hoàng cung, là lời tố cáo và phản kháng chế độ phong kiến đương thời đối xử tàn ác với người phụ nữ.

Năm 1981 nhân dịp kỷ niệm 240 năm ngày sinh của ông, Nguyễn Gia Thiều được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Danh nhân Văn hóa”.

+ Ngô Thì Chí tự Học Tốn, hiệu Uyên Mật, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, Hà Đông cũ (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, em cùng mẹ với Ngô Thì Nhậm, sinh năm Quý Dậu (1753); đỗ Á nguyên Hương tiến, làm quan đến chức Thiêm thư Bình chương tỉnh sự.

Ngô Thì Chí là một trong những tác giả của Ngô gia Văn phái, có công soạn phần chính biên tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí (gồm 7 hồi, chép các chuyện từ thời Trịnh Sâm đến hết thời họ Trịnh).

Bên cạnh Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Thì Chí còn có các tác phẩm Học phi thi tập, Học phi văn tập, Hào mân khoa sớ, Quốc sử tiệp lục…

Các sáng tác của ông bộc lộ rõ tấm lòng trung hiếu, tha thiết mong đất nước thống nhất yên bình; phê phán những kẻ khiếp sợ giặc xâm lăng hoặc đầu hàng chúng; tự hào coi trọng gia tộc.

Thơ của ông giản dị, chân thành có pha màu sắc tiêu dao thoát tục, u hoài man mác. Con người trong thơ ông làm bạn với chốn dương đài, đình các, gác bỏ mọi mong muốn viển vông, mọi lời lẽ mưu toan danh lợi, có nhiều suy ngẫm về lẽ đời.

Ông thường nói về những việc cũ, vật cũ đã mờ phai phủ bụi, những không gian bốn phía không một bóng người (Đề Thiên Thai sơn, Dã ngoại hoang từ...). Ngô Thì Chí mất năm 1788.

+ Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu (1765), quê Hà Tĩnh, là danh sĩ thời Nguyễn sơ, bút hiệu Thanh Hiên.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng nghị lực, sự mẫn cảm, với trí thông minh, đã sớm phò giúp nhà Nguyễn, giữ nhiều cương vị quan trọng, làm tới Hữu Tham tri Bộ Lễ và từng lãnh đạo đoàn đi sứ Trung Quốc năm 1813.

Say mê thi phú, ông là tác giả của nhiều bài thơ đa chiều mà nhuần nhị, dạt dào tình cảm trong: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục…

Đặc biệt, kiệt tác “Truyện Kiều” với thể thơ lục bát, ngôn ngữ tài hoa, tinh tế và thấm đẫm tinh thần nhân đạo đã đưa ông trở thành thi sĩ vĩ đại trong đàn thơ Việt Nam. Cho đến nay, Truyện Kiều đã được dịch sang hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới.

Ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37, Đại hội đồng UNESCO nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là “Danh nhân Văn hóa thế giới”.

+ Trịnh Hoài Đức sinh năm Ất Dậu (1765), quê Đồng Nai, nhà thơ, nhà sử học, danh thần thời Nguyễn sơ, bút hiệu Cấn Trai.

Trịnh Hoài Đức văn võ song toàn, phong thái mạnh mẽ, năm 1788 thi đỗ rồi ra làm quan, được triều đình trọng dụng, phong tới chức Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Hình, Phó Tổng tài Quốc sử quán. Ông được nhà Nguyễn ban tước "An toàn hầu".

Trịnh Hoài Đức còn để lại các công trình nghiên cứu về địa lý, lịch sử, văn thơ giá trị: Gia Định thành thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập…

Cuốn “Gia Định thành thông chí” (hoàn thành vào thời Gia Long) cho đến nay vẫn được xem là một trong những sử liệu quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu sử học và địa lý về miền Nam Việt Nam.

Ông là người làm rạng danh xứ Đồng Nai.

+ Đặng Huy Trứ sinh năm Ất Dậu (1825), quê Thừa Thiên - Huế, danh sĩ đời Thiệu Trị, Tự Đức, bút hiệu Hoàng Trung.

Từ bé Đặng Huy Trứ đã nổi tiếng thần đồng; năm 18 tuổi đỗ Cử nhân, đến kỳ thi Hội do phạm húy nên bị cách, sau đó đỗ giải Nguyên, ra làm quan và là vị quan thanh liêm, chính trực, được thăng tới chức Ngự sử.

Ông là nhà cải cách, gieo mầm canh tân và khai hóa thời Nguyễn giữa thế kỷ XIX với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp, thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (cử người đi học hỏi những kỹ nghệ đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống tham quan ô lại…).

Theo "Đặng tộc Việt Nam", Đặng Huy Trứ để lại 12 tập thơ với hơn 1.200 bài, 4 tập văn gồm nhiều thể luật và 1 tập hồi ký với nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Đặng Hoàng Trung Thi, Từ thụ yếu quy, Đặng dịch trai ngôn hành lục, Phương lược cứu nước… được các danh sỹ đương thời đánh giá rất cao.

Nguyễn Văn Siêu gọi ông là “Bạn băng tuyết”, Tùng Thiện Vương gọi ông là “Hương thơm đáng nhớ vô hạn”, Phan Bội Châu sau này coi ông là  người “trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Sách “Đại Nam nhất thống chí” xếp ông vào hàng Danh nhân và ghi: “Đặng Huy Trứ khẳng khái, có trí lớn, đương trù tính nhiều việc, làm chưa xong thì mất, ai cũng tiếc”.

Đặng Huy Trứ cũng là một trong những người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam bằng việc mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà (nay thuộc phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tháng 3/1869. Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong danh nhân Đặng Huy Trứ là "Ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam".

+ Nguyễn Đức Nguyên (bút danh Hoài Thanh) sinh năm Kỷ Dậu (1909), quê Nghệ An, nhà văn hóa, nhà phê bình văn học, thuở nhỏ học ở Vinh, Huế… sau đó làm việc và dạy học tại Huế; là người nhiệt tình nghiên cứu văn hóa dân tộc.

Sau năm 1945, Hoài Thanh tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có nhiều đóng góp xuất sắc cho lĩnh vực văn học nghệ thuật cách mạng.

Với ngòi bút đầy mạnh mẽ, hiện đại, sáng tạo, sắc sảo, ông được đánh giá là nhà phê bình văn học nổi bật nhất ở Việt Nam và là một nhà nghiên cứu văn hóa cần mẫn, kỳ cựu, thể hiện qua nhiều tác phẩm gây tiếng vang lớn: Văn chương và Hành động, Thi nhân Việt Nam, Có một nền văn hóa Việt Nam, Nói chuyện thơ kháng chiến, Nam Bộ mến yêu, Phê bình và Tiểu luận, Phan Bội Châu, Chuyện thơ...

Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoài Thanh là cuốn “Thi nhân Việt Nam” (viết cùng với Hoài Chân, in lần đầu năm 1942), vừa là hợp tuyển vừa là công trình nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ mới ở Việt Nam (1932-1941). Cuốn sách bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhiều nhà văn đánh giá rất cao về cách bình và trình độ cảm nhận thơ của tác giả.

+ Bùi Đình Diệm (bút danh Quang Dũng) sinh năm Tân Dậu (1921), quê làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay là Hà Nội), là nhà thơ bản tính năng động, nhiệt thành yêu nước, hăng hái tham gia cách mạng tháng Tám, vào bộ đội chiến đấu khắp chiến trường Bắc Bộ và say mê sáng tác thi ca.

Năm 1947, ông được điều đi học Trường bổ túc trung cấp quân sự Sơn Tây. Sau khoá học, ông làm Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 212, Trung đoàn Tây Tiến, tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai mở đường qua Tây Bắc.

Bút pháp tài hoa và khí tiết nam nhi cùng tình cảm sâu đậm với quê hương đã giúp ông sáng tạo nhiều bài thơ nổi tiếng, tràn đầy tinh thần lạc quan, lãng mạn mà hùng tráng: Tây Tiến, Đôi bờ, Đường trăng, Đôi mắt người Sơn Tây…

Sau kháng chiến, Quang Dũng công tác trong ngành văn hóa nghệ thuật, làm biên tập viên Nhà xuất bản Văn học. Ông để lại các tập thơ: Một chặng đường Cao Bắc, Gương mặt Hồ Tây, Nhà đồi, Hoa lại vàng tháng Chạp, Phiên chợ Bắc Hà, Mùa chim ngói dưới chân núi Ba Vì...

+ Lưu Hữu Phước sinh năm Tân Dậu (1921), quê Cần Thơ, là nhạc sĩ, viện sĩ, bút danh Huỳnh Minh Siêng.

Trong Cách mạng tháng Tám, ông vào Sài Gòn, nhiệt tình tham gia hoạt động văn hóa xã hội, sáng tác nhiều bài hát ca ngợi tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, cổ vũ lòng yêu nước trong thanh niên: Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn tử sĩ, Tiếng gọi thanh niên…

Năm 1965, Lưu Hữu Phước vào chiến trường Nam Bộ, viết ca khúc "Giải phóng miền Nam" nổi tiếng. Ông giữ chức Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin trong Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969).

Sau năm 1975, ông là Viện trưởng Viện Âm nhạc; năm 1986 được Viện Hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức phong làm Viện sĩ Thông tấn âm nhạc.

Lưu Hữu Phước là nhạc sĩ hàng đầu của phong trào nhạc hùng tráng với những sáng tác có giá trị âm điệu, ngôn từ rất cao, diễn tả xuất sắc tiềm năng, hoài bão của người Việt Nam (đặc biệt thanh thiếu niên) trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thanh Phương (Báo Chính Phủ)
Du lịch, GO!