(TTO) - Từ sau tháng 11 hằng năm, khi dã quỳ dần tàn thì lá phong ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà lại chuyển màu sang vàng rồi dần đỏ. Màu đỏ làm sáng cả một vạt rừng.

Theo chân K’Vâng, chàng hướng dẫn viên người K’Ho của Vườn quốc gia, nhóm chúng tôi 18 người, nhỏ nhất 6 tuổi lớn nhất 72 tuổi, khởi đầu chuyến trek vào lúc 13g30 ở trạm kiểm lâm Dơng Iar Jiêng.

Mục tiêu là ngắm, chụp ảnh kỷ niệm với phong, rồi di chuyển và cắm trại đêm ở thác Thiên Thai, một ngọn thác đẹp nổi tiếng thuộc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Một cơn mưa phùn nhẹ không ngăn cản nổi bước chân hăm hở của đoàn, khi bắt đầu đi bộ vào dưới rặng thông. Chỉ chừng 200m, cả đoàn đẫm mồ hôi. Áo mưa áo khoác khăn quàng cổ trở thành những thứ quá vướng víu, lần lượt bị tống vào balô.

Càng đi sâu vào rừng, tiết trời lành lạnh dễ chịu. Những cơn mưa phùn không đủ làm ướt vai chúng tôi vì tán thông đã che.

K’Vâng nói nếu chỉ đi thẳng vào bãi cắm trại chỉ đi hơn 1 tiếng rưỡi là đến, chỉ đi qua rừng thông. Chàng hướng dẫn viên quyết định bẻ cung, dẫn đoàn rẽ trái ở một ngã ba, tiến sâu vào cánh rừng khộp, nơi có phong.

Hành trình tạm gọi là hành xác bắt đầu. Không còn cảnh sung sướng như đi dạo dưới tán thông sạch sẽ, những con dốc 45 độ bùn sình làm tốc độ cả đoàn chậm lại. Rừng Bidoup vừa qua một trận mưa lớn. Rảnh hốc do mưa chảy thành suốt tạo thành khiến việc trek hết sức khó khăn.

Trước thách thức, con người luôn sáng tạo. Vậy là kiểu đi mà cả đoàn gọi vui là “cat walk” xuất hiện, theo cách dạng 2 chân thật rộng bước đi 2 bên bờ đất. Những quả đồi nối tiếp, dốc lên xuống liên tục làm vài thành viên trong đoàn té oạch.

Nhưng không ai than thở, mà luôn tươi cười chọc ghẹo nhau “chụp ếch”. Thành viên lớn tuổi nhất đoàn, bác Chính năm nay 72 tuổi vừa pha trò, vừa hát vang để động viên cả đoàn. 3 thành viên nhỏ tuổi, trong đó có cô bé 6 tuổi luôn đi trong tốp đầu, ngay sau chú K’Vâng, khiến cha mẹ của bé hết sức ngạc nhiên về khả năng của con mình.

Nỗi mệt tan biến hết khi qua một khúc dốc ngoặc, K’Vâng chỉ tay lên trên. Phong! Cả đoàn ngơ ngẩn, gần như đứng cả lại trong 15 phút, khi một vạt phong với màu vàng chuyển đỏ, làm sáng bừng cả một góc rừng. Vài thành viên trong đoàn còn nhặt những lá phong rụng, xếp cẩn thận vào balo, về ép vào sách.

Ngắm phong chán chê, K’Vâng dẫn đoàn lên một ngọn đồi cao, tìm cách cắt rừng, đi đường tắt về trại. Tuy nhiên, giữa rừng rậm rạp, K’Vâng chọn sai hướng. Bị lạc, cả đoàn động viên nhau không nản, tiếp tục trek thêm qua 4 đến 5 ngọn đồi.

Rồi thì tiếng thác ầm vang dội vào tai cả đoàn, kèm theo thoang thoảng mùi thịt heo nướng vào lúc gần 17g. Cả đoàn hết hồn khi K’Vâng thông báo đã đi gần 7km đường rừng, trong hơn 3 tiếng rưỡi!

Bãi cắm trại xinh xắn bên dòng thác tuyệt vời, ,một lần nữa, giúp cả đoàn quên hết nhọc mệt. Một con heo đen được xiên nướng bên bếp lửa. Cả đoàn, không phân biệt già trẻ sau khi chọn lều, thay đồ tíu tít quây quần bên bếp lửa ăn thịt heo trải trên lá chiếu mà các bạn K’Ho gọi là “chiếu của thần”.

Thịt heo được chấm thứ nước chấm kỳ lạ của đồng bào K’Ho có tên Mre Lilu, gồm ớt sừng giã, muối và hạt tiêu rừng thơm nồng mùi sả. Và chúng tôi trải qua một đêm trong rừng sâu, ngủ lều, lắng nghe tiếng thác ầm ào ru ngủ....

Nếu muốn ngắm nhiều phong, bạn nên đi xa hơn ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, bắt đầu trek từ trạm kiểm lâm Giang Ly (thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa). Từ trạm kiểm lâm Giang Ly vào khu vực có nhiều phong chừng 2km đường rừng. Bạn có thể liên hệ Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà để có hướng dẫn viên và porter.

Rừng khộp khá nhiều vắt, ruồi vàng và cây có gai. Bạn nên che khăn kín tai, cổ; đội nón rộng vành kín đầu, áo dài tay, mang găng tay hạt nhựa để tăng độ bám, mang vớ dài quần dài bỏ vào trong vớ. Có thể bôi một số thuốc chống vắt như DEP, dùng thuốc chống muỗi như Romoss hay Soffel...

Tối ở trại rất lạnh. Bạn cần giữ ấm cho chính mình và gia đình bằng vớ khô, găng tay khô, áo len, quần áo dài tay, khăn trùm đầu và ngủ trong túi ngủ, bên trong lều. Nên ăn no trước khi ngủ.

Thi thoảng sẽ có mưa, thời tiết đặc thù của Bidoup. Ngoài áo mưa trùm balo, đồ đạc bên trong cần được bỏ riêng trong bịch nylon chống ướt. Du lịch là để bảo tồn, nên rác thải phải cho vào túi nylon mang ra khỏi rừng.

Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm ở huyện Lạc Dương và một phần huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt khoảng 50km theo tỉnh lộ 723, nằm trong không gian mở rộng của Đà Lạt khi TP được nâng cấp thành TP trực thuộc Trung ương. Văn phòng nằm ở Tiểu khu 97 xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Điện thoại : 063.3502005; Fax : 063.3813654. Email : vqgbdnb@lamdong.gov.vn

Theo Việt Điền, Thùy Vân (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!