(TBKTSG) - Tôi thích đến những nơi chưa có nhiều thay đổi, thiên nhiên và trời đất vẫn còn hoang sơ như vốn có thuở nào. Những nơi thật sự chưa đông đúc, chen chúc hoặc giả đến vào những ngày thấp điểm. Cần Giờ hai mươi năm trước đáp ứng tất cả những mong đợi đó của tôi, và “hơn thế nữa!”. Bây giờ, tôi muốn quay lại như một cuộc hẹn hò, để thăm lại cố nhân. Và tôi bắt đầu cuộc hò hẹn đó một ngày đầu năm, khi mà Vũng Tàu đã quá phồn hoa và quá tải.

Để lắng lòng và thấm sâu với Cần Giờ, tôi quyết định ở lại đêm. Gần cả tuần trước khi đi tôi cứ thấy nôn nao lạ. Vì cảnh, vì người hay vì một niềm mềm yếu mơ hồ của lòng mình? Về rừng Cần Giờ, cũng gần gũi như về rừng quê mình vậy.

Hệ sinh thái ngập mặn của Cần Giờ và Cà Mau giống nhau gần như tuyệt đối. Một thời, chính quyền thành phố đã xuống Cà Mau để mua trái đước về đây phủ xanh các bãi bồi sau chiến tranh. Xét về yếu tố nguồn gốc, đước Cần Giờ còn có nguyên quán ở Cà Mau. Cũng như tôi!

Bon bon một mình, qua vạt rừng vắng, yên tĩnh tuyệt đối, vắng đến độ vài cây số thấy có một xe máy đậu bên đường, kiểm lâm đang đứng bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh cho người đi đường chăng? Gặp được người đang làm nhiệm vụ, khách độc hành cảm thấy an tâm hơn giữa đoạn đường dài hoang vắng.

Thỉnh thoảng có bầy chim cu đất sà xuống đậu bên đường. Tự nhiên và an yên như thể đây là giang sơn riêng của chúng mà không cần phải ngó ngàng xem có người lạ hay không. Giữa trưa, nghe tiếng chim rừng hót, đứng tim giữa trời đất bình yên, như có lần nghe tiếng gà trưa nơi xóm vắng.

Qua một vài chiếc cầu, một vài dòng sông, thì đến Lôi Giang. Xe đang chạy mà tôi thì đứng sững vì cảm khái một con sông xanh hoang sơ chưa từng thấy trong đời. Không một nhà dân, chảy quanh co giữa đôi bờ xanh mải miết. Nước sông và bầu trời đều xanh, và thanh sạch như chưa từng có bước chân hay dấu hiệu của con người qua lại nơi này. Lôi Giang ơi Lôi Giang, đã mấy lần làm tim tôi thổn thức!

Chưa kịp mỏi mắt nhìn rừng thì đã đến thị trấn Cần Thạnh. Hai mươi năm, tuy không dâu bể nhưng Cần Thạnh cũng đã thay đổi khá nhiều. Đường sá và nhà cửa đã định hình rõ nét, phân thành hai khu rõ rệt. Cả hai khu đều nhìn sang phố thị Vũng Tàu, một khu hành chính khang trang, một khu bãi biển truyền thống mà năm xưa thời sinh viên bọn tôi chỉ ra chỗ ấy.

< Chợ Cần Giờ.

Bây giờ vẫn vậy, lứa trẻ vẫn hay ra khu biển truyền thống này để ăn hải sản, dạo biển và uống cà phê. Nằm võng hoặc nằm ghế bố ngủ trưa có lẽ là món không thể thiếu, nếu không nói là hấp dẫn nhất của mỗi chuyến đi bụi Cần Giờ. Nó phù hợp lắm về thời gian, không gian và khung cảnh.

Mất độ hai giờ đồng hồ từ TPHCM ra đây, đi dạo, đùa giỡn và chụp hình, xong ghé quán ven biển để gọi món ăn hải sản buổi trưa xong là cũng đến giờ ríu mắt. Tiếng sóng biển và gió biển mặn mòi, hương biển lạ lẫm mà dễ chịu làm người ta cảm giác như cánh chim trời đậu một nơi xa lạ. Cho nên giấc ngủ trưa cũng thật êm đềm.

< Xa xa là cầu Nam Hải ở resort Phương Nam.

Ví như, có một mối tình trắc trở, ví như đường đời đã nặng gánh thị phi, mà hẹn với nhau, tìm đến đây ngủ một giấc trưa thì cũng vì nhau mà vơi dịu được những khát khao giằng xé. Buổi trưa quá xế, khi mà bạn vẫn còn chìm trong giấc dịu dàng, sao tôi cảm bài thơ này quá: “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi/Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu/Sợi buồn con nhện giăng mau/Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây...” (Ngậm ngùi - Huy Cận).

Nửa thế kỷ trước, Huy Cận đã ru ai ngủ mà nặng nỗi niềm? Đời lắm thị phi nên tình không trọn vẹn; ru nhau một giấc trưa quá xế, chỉ ước rằng mộng được “bình thường”. Và kết thúc lời ru ấy mới thật “ngậm ngùi”: “Vai anh em hãy tựa đầu/Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”. Đúng là “thơ sầu rụng”! (*)

< Bãi biển kề cận mũi Đồng Tranh.

Những thiên tình sử của thế kỷ trước cũng lắm bi thương, cũng đầy nước mắt và cũng quá đỗi ngọt ngào. Khi trái tim trải qua nhiều cung bậc, người nghệ sĩ càng thấm niềm đau, vẻ đẹp, sự sâu lắng của tình yêu. Buổi trưa nay có gì mà rì rầm gợi một niềm thương miên man như sắp mất! Chính Cần Giờ và bài thơ này đã dệt dịu hồn tôi.

Cần Giờ, rồi đây sẽ lấn biển, sẽ có những chuyến đò to và nhanh hơn hoặc cầu nối với Vũng Tàu. Chắc chắn rồi. Và khi cầu Bình Khánh làm xong, thì việc đi lại nhanh chóng dễ dàng, người ta sẽ tìm đến Cần Giờ nhiều hơn. Trên xe trở về, trong dòng suy tưởng của hai mươi năm sau, tôi vẫn tin rằng rừng Cần Giờ vẫn xanh tươi chờ đón!...

(*) Tên một bài thơ của Lưu Trọng Lư.

Theo Lê Phú Cường (Kinh Tế Sàigòn) + ảnh Dulichgo
Du lịch, GO!