(Info) - Chứa Chan là ngọn núi không còn mấy xa lạ đối với dân “phượt”, dân leo núi, tuy nhiên chính vì nó là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời tại đây.

< Đêm trên đỉnh Chứa Chan.

Cựa mình một cái thấy người đau ê ẩm, 2 chân mỏi rã rời, mắt nhắm mắt mở quơ tay tìm chiếc điện thoại tôi bỗng giật mình vì chạm phải thứ gì đó mát lạnh. Ngồi bật giậy, vội vã kéo roẹt một đường khóa thật dài trên tấm lều, một cơn gió buốt lạnh phả vào mặt, một đám sương trắng xóa cũng ùa theo sau. Thì ra cả đêm qua, chúng vởn quanh chiếc lều làm ướt đẫm cả bề mặt chỉ chực chờ chúng tôi thức giấc và đón lấy.

< Gà nướng thơm phức bên bếp than đỏ hồng.

Giống như một giấc mộng, sau khoảng 3 giờ đồng hồ lặn lội trong bóng tối, dầm mình dưới cơn mưa phùn và len lỏi qua những bụi lau, rừng trúc rậm rạp, đúng  khoảng 12 giờ đêm nhóm chúng tôi cũng đặt chân lên đến đỉnh của ngọn núi cao thứ 2 Đông Nam Bộ - núi Chứa Chan hay còn gọi là núi Gia Lào, thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

< Cây cỏ xanh tốt, sương mù giăng kín lối.
Dulichgo
Có thể nói, Chứa Chan là ngọn núi không còn mấy xa lạ đối với dân “phượt”, dân leo núi nữa, tuy nhiên chính vì nó là cung ngắn, có thể đi về trong ngày mà nhiều người đã bỏ qua rất nhiều những trải nghiệm tuyệt vời tại đây.
Dulichgo
Thay vì leo ban ngày, nhóm chúng tôi bắt đầu hành trình của mình vào khoảng 9 giờ tối, vừa lúc trời mát, có chút mưa và đặc biệt trên những chặng dừng chân, có thể ngắm thị trấn lung linh ánh đèn như một bầu trời sao dưới mặt đất.

< Xa xa phia dưới là khu dân cư huyện Xuân Lộc – Đồng Nai.

- Bữa tiệc đêm trên đỉnh núi

Lần theo đường cột điện chúng tôi có mặt trên đỉnh núi vào đúng khoảng 12 giờ đêm, mệt rã rời, đói quay quắt thế nhưng ai cũng vui mừng hớn hở vì đã chinh phục được đích đến.

< Món trứng ốp la được chế biến trên núi.

Người phát quang, tìm chỗ trống để dựng lều, người nhóm bếp, chuẩn bị đồ ăn, chẳng mấy chốc mà một bữa tiệc đêm “thịnh soạn” trên đỉnh núi với gà nướng, rượu vang, vài cây xúc xích, quả trứng gà... đã sẵn sàng.

Tiếng than nổ lép bép, ấm áp, mùi gà nướng thơm lừng, ngụm rượu vang nồng nàn, chúng tôi mê man quên đi những mệt mỏi ban nảy, quên đi phút giây nhộn nhịp thường ngày ở phố xá mà “say” với bạn bè, với thiên nhiên trong lành, tuyệt diệu.

< Bữa sáng “sang chảnh” trên đỉnh núi.

Dulichgo - Thức dậy ở nơi xa

Không gì tuyệt vời bằng cảm giác buổi sáng được thức giấc ở một nơi thật xa. Đứng ở đỉnh núi với độ cao 840m, hơn 7 giờ sáng rồi mà vẫn chưa thấy mặt trời. Thế nhưng những màn sương dày đặc, trắng muốt cứ thoắt ẩn thoắt hiện, mơn man trên những đám cỏ lau xanh biếc, thi thoảng lại có cơn gió thu lạnh, rùng mình lướt qua mà khoan khoái thấy lạ.

< Hành trình xuống núi theo đường chùa.

Cũng do đêm qua lên núi trễ mà cả nhóm phải leo lên vị trí cao nhất mới có chỗ để dựng lều, cuối tuần nên có nhiều nhóm leo núi khá đông, kết quả là sáng mai mở mắt, cả một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời hiện ra trước mặt. Giờ đang là mùa mưa, cỏ cây vì thế cũng tốt tươi và xanh mướt hơn, sương giăng giày hơn, gió lạnh hơn và cảm giác cũng thích thú hơn...

Tìm đến một tảng tá thật to, len giữa những đám cỏ bông lau rậm rạp, chúng tôi tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời nhất nơi đây.

< Bậc thang lối xuống Lâm Sơn Cổ Tự.
 

- Ăn sáng ở nơi thật cao và trong lành
Dulichgo
Đêm qua còn ít than sót lại sau khi nướng gà nên nhóm dồn cẩn thận vào góc đá, thêm vài nắm gạo, chai nước lọc mang theo, “chị nuôi” của nhóm đã chuẩn bị một nồi cháo gà nóng hổi được hầm nguyên đêm cho bữa sáng.

Để tạo không khí “sang chảnh’, chúng tôi bày biện một chiếc bàn ăn bằng đá, đặt cẩn thận lên đó ly rượu vang, trái táo, rồi bữa sáng còn có thêm cả bánh mì và trứng ốp la ngon lành. Người dùng chén nhựa, người dùng nắp xoong hay chiếc chảo nhỏ để ăn, vừa ăn vừa tám chuyện, cười khúc khích, đó là một trong số những bữa ăn đặc biệt của chúng tôi, bữa ăn đáng nhớ của tuổi trẻ ở một nơi thật cao và thật xa...

Ăn sáng xong cả nhóm thu gom đồ đạc, lều võng gấp gọn gàng, rác, túi nilon, chai nhựa đều được chúng tôi gom lại và quảy mang theo trên hành trình xuống núi. Dân leo núi Chứa Chan có câu quen thuộc: “lên cột, xuống chùa”, chỉ việc lúc leo lên thì đi đường cột điện còn khi xuống sẽ men theo con đường cỏ lau rậm rạp rồi ngang qua chùa Bửu Quang, theo các bậc thang đi xuống Lâm Sơn Cổ Tự, nơi có cây đa 3 gốc 1 ngọn cổ thụ linh liêng.
Dulichgo
Xuống đến chùa cũng vừa đến chân núi, do vừa đi vừa nghỉ ngơi, thưởng ngoạn nên lúc này trời cũng đã nhá nhem, chúng tôi vội vã trở về điểm gửi xe, chuyến đi kết thúc tốt đẹp hơn cả mong đợi. Cả nhóm chào tạm biệt nhau và không quên hứa hẹn cho những hành trình mới, dài hơn ở phía trước.

Theo Thanh Sơn Thủy (Infonet)
Du lịch, GO!