(BCT) - Khi những cánh hoa nở vàng ươm như trải mật khắp các quả đồi, người ta lại chuẩn bị áo dày và ấm thay cho những bộ áo mùa thu. Bởi thế, hoa cúc quỳ hoang dại trở thành loài hoa mang thông điệp chuyển mùa ở cao nguyên Lang Biang.

"Mang tiếng" là loài hoa hoang dại, nhưng từ trăm năm trước, hoa cúc quỳ theo chân người Pháp từ vùng đất xa xôi đến trú ngụ miền cao nguyên Lang Biang để vun bón tốt tươi cho cây cà phê, cây trà xanh. Khi không còn dùng làm "phân bón" nữa, chúng vẫn mọc tốt tươi kể cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng nhất. Chúng dần thành biểu tượng. Nhắc đến hoa cúc quỳ, người ta kể như một kỷ niệm: Trước đây, bên hàng rào bất cứ nhà nào dù là nội ô hay ngoại ô cũng đều có một bụi hoa dã quỳ như đánh dấu cho nhà ở xứ cao nguyên này.

Ngày nay, hoa cúc quỳ mọc hoang dã thành từng đám lớn, nhỏ phủ xanh những mảng đất trống. Người ta xây thêm nhà cửa thì hoa cúc quỳ bị đẩy lùi ra xa. Những rẫy trà, cà phê hay hoa màu mở rộng, hoa lại lùi ra xa hơn nữa. Bởi thế, để tìm được hoa quỳ phải di chuyển rất xa, có khi vài cây số.
Dulichgo
Để có những khóm quỳ to, con đường rợp sắc hoa quỳ hay những quả đồi vàng rực màu mật ngọt, du khách phải đi vài chục cây số từ trung tâm thành phố Đà Lạt. Ở đó, cúc quỳ phát triển tự nhiên nên sắc màu vô cùng rực rỡ. Cây mọc trên một diện tích rộng lớn, có khi ngút ngàn như thể đây là vương quốc của hoa quỳ vàng ngự trị.

Tháng 11, bắt đầu mùa hoa cúc quỳ. Du khách nườm nượp đổ về chiêm ngưỡng những sắc hoa hoang dại rực rỡ nhất.

Dọc các tuyến đường vào Bồng Lai, Tu Tra hay tuyến đèo D’ran đi Đơn Dương, tuyến đèo Tà Nung đi Nam Ban, những khóm quỳ rực rỡ và đẹp nhất. Hai bên đường, rất nhiều bụi cúc quỳ đang lúc trổ hoa. Nhất là tuyến Bồng Lai, Tu Tra, cúc quỳ mọc thành từng vạt lớn, chạy dài đến suốt con đường hay phủ kín một quả đồi.

Dạo bước trên còn đường đất đỏ vàng rực hoa cúc quỳ, du khách vô cùng thích thú dù phải chịu lấm lem bùn đất. Loài cây này chỉ sống ở vùng cao, khoảng hơn 1.000 mét so với mực nước biển. Xuống thấp dần, hoa càng ít hơn. Tới đầu đèo Sông Pha đi Phan Rang hay đèo Bảo Lộc xuống Madagui, hoa thưa dần rồi mất hẳn. Bởi thế, nếu đi từ miền Tây lên Đà Lạt, khách phải vượt đèo cao lên mức 1.200 mét mới chiêm ngưỡng được sắc màu rực rỡ của cúc quỳ vàng.
Dulichgo
Tiết giao mùa, cao nguyên Lang Biang lại có sức hút riêng dù thời tiết vẫn đỏng đảnh với những cơn mưa luôn trực chờ giăng ngang những ngọn núi, con đèo. Sau những cơn mưa kéo dài miên man cuối mùa, những thác nước trên cao nguyên Lang Biang trở nên hùng vĩ, mang dòng nước đục ngầu màu bazan cuồn cuộn đổ. Đẹp nhất là thác Pongour, thác Bảo Đại, thác Voi, thác Hang Cọp, thác Angkroet…

Mùa khô, Pongour chỉ chảy ở một nhánh nhỏ bên trái, khoảng 1/3 thác nước hùng vĩ được mệnh danh là "Nam thiên đệ nhất thác". Có mưa nhiều, thác đổ trắng xóa trên chín bậc tạo nên khung cảnh ngoạn mục mà không một ngọn thác nào ở Tây Nguyên có thể sánh được, kể cả thác Dray Nưr hùng vĩ của cao nguyên Đắk Lắk. Do dòng thác đổ mạnh, thời tiết ẩm nên đường dễ trơn trợt, du khách nên cẩn trọng khi khám phá các ngọn thác này. Tốt nhất không nên đi riêng lẻ và phải chấp hành các quy định an toàn khu vực thác, tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Riêng thác Đatanla, điều kiện đi lại dễ dàng hơn do được khai thác du lịch lâu năm và thu hút lượng khách lớn nên hạ tầng ở đây rất tốt. Có hệ thống xe trượt ống đưa du khách xuống tận thác.
Dulichgo
Ngoài ra, còn có nhiều dịch vụ du lịch mạo hiểm cho người trẻ năng động để khám phá từng cung bậc, vẻ đẹp khác của thác nước và phong cảnh núi rừng của khu vực này. Tương tự, thác Prenn cũng là điểm đến của nhiều du khách vì tính an toàn cao cùng với thác nước hùng vĩ hiếm có. Ngoài ra, những đập tràn của các hồ Tuyền Lâm, Đại Ninh, Suối Vàng… mùa này trở thành "điểm hot" bởi vẻ đẹp huyền ảo trong sương với dòng chảy mịn màng.

Một điều thú vị khi đến Đà Lạt mùa đông, cỏ hồng ngập lối. Cỏ hồng chỉ duy nhất có ở xứ này trải dài từ đồi này qua núi kia. Du khách dễ bị lạc đường nếu cứ miên man theo những lối cỏ hồng để mất dấu ra.

Nếu cúc quỳ chỉ nở rộ trong khoảng một tháng đầu mùa đông thì cỏ hồng kéo dài khoảng hai tháng. Đầu năm 2017, lần đầu tiên Lâm Đồng tổ chức tôn vinh hoa mai anh đào- một loài hoa riêng có của cao nguyên Lang Biang. Khi đó, hoa ban trắng và hoa ban tím cũng khoe sắc đẹp nhất trên những con đường nội ô thành phố.

Theo Thụy Du (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!