(PNO) - Khi Sa Pa phát triển mạnh mẽ và đang dần trở nên quá tải với hàng nghìn lượt khách tới mỗi ngày thì cách đó không xa, Tả Van Giáy thật yên bình, tĩnh tại như chưa bao giờ chạm tới thế giới bên ngoài.

< Một góc bản Tả Van Giáy.

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo đường mòn uốn lượn quanh co trên lưng chừng núi khoảng 8km, bạn sẽ đến xã Tả Van. Tiếp tục rong ruổi thêm khoảng 2km đường vòng vèo và nhỏ hẹp qua cầu Mây vắt ngang suối Mường Hoa thì đến. Thôn Tả Văn Giáy mộc mạc và vắng vẻ với những cánh rừng, con suối, những cánh đồng ngô.

Sa Pa-Tả Van tưởng như lúc nào cũng được ủ trong những chiếc chăn bởi cái lạnh quanh năm. Nhưng thật bất ngờ, cuối tháng Tám mà thời tiết ấm đến lạ. Người Giáy tranh thủ phơi mình dưới ánh nắng với những chiếc áo thun nhẹ, song vẫn nguyên chiếc quần chàm ngắn không lẫn vào đâu được.
Dulichgo
Thôn Tả Van Giáy chia làm hai khu, phía đầu bản là khu hành chính, trường học. Khu cư trú nằm ở giữa và cuối bản với khoảng trăm nóc nhà, phần lớn đều được người Giáy dành làm du lịch, đặc biệt là du lịch bản làng với mô hình homestay. Chính khái niệm du lịch bền vững đang được các nhà quản lý và cộng đồng kinh doanh du lịch triển khai tại đây nhằm tránh sự tàn phá của làn sóng đô thị hóa, đã xóa bỏ ranh giới giữa chủ và khách.

Cư dân nồng hậu, nhưng không vồ vập, ân cần nhưng không ép uổng đã tạo cho khách sự thoải mái như trở về nhà của mình. Bạn được sống và trải nghiệm với gia đình chủ nhà, qua đó hiểu hơn về phong tục, tập quán của dân tộc này.

Homestay khang trang, sạch sẽ nhưng tất cả đều cố gắng tránh sử dụng bê tông cốt thép, cũng như hạn chế thiết bị hiện đại như máy lạnh, ti vi, karaoke, nội thất inox…

Nhà cửa giữ bản sắc theo phong cách mở để du khách nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của dân cư. Nhưng nơi lưu trú vẫn đảm bảo tiện ích cho du khách với giường đệm, chăn màn, hệ thống nhà tắm, nhà vệ sinh tiện lợi... Điều gây ấn tượng nhất là sự an toàn, an ninh đến không ngờ, xe máy, xe đạp để ở ngoài không sợ mất cắp, thậm chí, tư trang hành khách để quên đâu đó trên bàn ăn được người dân giữ lại để trao tận tay bạn.

Nơi chúng tôi trú ngụ là căn nhà gỗ pơmu gần 80 năm tuổi được sửa sang, dọn dẹp lại nhưng vẫn giữ đúng phong cách vùng núi. Ngôi nhà ba gian vớ i phông màn, chăn gối được chủ nhân chăm chút bằng thổ cẩm đẹp mê hồn. Chiếc bàn tre, ghế gỗ bạc màu theo thời gian càng làm thỏa mãn những ai yêu thích thiên nhiên. Cô gái Giáy tên Sinh - người trông nom homestay ở đây chỉ cho chú ng tôi biết cá ch nhìn trang phục để nhận ra người Giáy.
Dulichgo
Theo đó, trang phục của người Giáy rất đơn giản và gọn gàng: nữ giới mặc quần lá ngắn đến mắt cá chân màu đen hoặc trắng, ống rộng; áo cài khuy lệch phải, đầu đội khăn vải bông; nam giới cũng mặc như thế, nhưng áo cài lệch khuy trái. Còn những mảng thổ cẩm cầu kỳ bày bán là của người H’Mông làm. Có những mảnh thổ cẩm lớn, thêu kỳ công giá từ 800.000-1 triệu đồng.

Dân cư ở thôn Tả Van Giáy được xem là có cuộc sống khấm khá, tiếp xúc khá thường xuyên với người ngoài nhưng không mất đi bản sắc. Người lớn luôn nở nụ cười thiện cảm khi gặp du khách, lũ trẻ thì e ngại nép sau váy mẹ, hướng ánh mắt tò mò vào những vị khách phương xa lạ lẫm. Cộng đồng người H’Mông kinh doanh hàng rong ở đây cũng rất hiền lành, họ chào mời khách trong sự e dè hiếm có.

Đến đây, hành trình của bạn là đi bộ xuyên qua những bụi tre, những vạc hoa đỗ quyên, xuống vùng trồng ngô, đến các con suối chảy giữa thung lũng để tận hưởng sông nước, cảm nhận sự thanh bình. Khi những bước chân đã mỏi, bạn ghé vào điểm mát-xa dọc con đường mòn của bản, giá 30.000đ/ suất 30 phút. Phần lớn nhân viên mát-xa là những chàng trai Thái thư sinh nhưng rất có nghề.

Buổi sớm hay hoàng hôn ở đây đều nhuộm sắc vàng rực rỡ, cảnh trí đẹp như tranh thủy mặc với người ra đồng, nếp nhà nằm bên nhau tỏa khói lam, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang… Trong bản có ngôi nhà cổ xây bằng gỗ vào năm 1934 của ông Lồ A Mục, là kiểu nhà đặc trưng của người Giáy.

Vào nhà, bạn sẽ thấy bàn thờ tổ tiên làm bằng gỗ pơmu còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc xưa với tai ngăn kéo bằ ng đồng. Đi xa hơn chút, là bãi đá cổ với nhiều họa tiết hoa văn khắc trên phiến đá chưa được giải mã, là cầu Mây đung đưa qua con suối trong thung lũng Mường Hoa lãng mạn.
Dulichgo
Đến đây, khó bỏ qua được các món ăn đặc trưng do người Giáy chế biến. Đó là gà bản luộc, thịt lợn cắp nách nướng, thịt lợn xiên que cùng lá chanh, canh măng thịt lợn, su hào luộc, nem cuốn cà rốt thịt băm mộc nhĩ, lẩu cá hồi, và rượu táo mèo thơm nức mũi… Thực phẩm do mỗi nhà tự cung tự cấp. Chị Yến- chủ một “nhà hàng” nằm ở cuối bản khoe, nếu có dịp đến đây vào tháng 10, khách được thưởng thức món cải mèo xào thịt cháy cực ngon. Giá mỗi suất cơm 75.000đ gồm món mặn, món canh, món rau và thêm món nhâm nhi.

Tả Van Giáy là thế, bình dị mộc mạc như những chiếc khăn choàng vải bông của thiếu nữ mà làm say lòng bao lữ khách.

Theo Việt Thư (Báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!