Động Thiên Đường là một trong những quần thể hang động vừa được tìm thấy vào năm 2005 do một người dân địa phương, sau đó đội thám hiểm Hoàng gia Anh quốc đã tiến hành khảo sát và kết luận đây là hang động khô đẹp nhất châu Á.

Với thời gian kiến tạo hơn 400 triệu năm, các hang động của Quảng Bình đã tặng cho đất nước ta một di sản tuyệt vời.

Có tận mắt ngắm nhìn các khối thạch nhũ, măng đá muôn hình muôn vẻ trong hang động rộng lớn, ta mới cảm nhận được nét tuyệt tác của thiên nhiên.

Cảm xúc trên đường thiên lý

Sau bữa cơm trưa khá ngon tại một nhà hàng nằm bên tả ngạn sông Nhật Lệ thuộc địa bàn thành phố Đồng Hới, chúng tôi nhanh chóng lên xe để tiếp tục hành trình thăm động Thiên Đường. Tháng này, Quảng Bình chuẩn bị bước vào thu nên bầu trời đổi thay bất chợt như cô gái nũng nịu, hay giận hay hờn.

Khi chúng tôi đi, trời vẫn xanh đầy nắng, nhưng khi quẹo vào khu đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, trời u ám dần, lắc rắc vài hạt mưa khiến Hằng - cô bé dẫn đoàn cứ phải nhìn trời mà đoán mây xám nhiều hay ít. Thật may, chỉ ít phút sau, bầu trời sáng dần với.
Dulichgo
Khi băng qua vườn di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng có dòng sông Son xanh ngắt, Hằng kể cho chúng tôi nghe về thiên tình sử huyền thoại bi thảm của một cặp tình nhân, bởi tơ duyên ngang trái nên cả hai đã chọn dòng sông này trầm mình, mong cùng nhau hội ngộ nơi suối vàng như lời thề ước.

Tới địa danh suối Moọc, mọi người trên xe không hẹn mà cùng “Ồ” lên một tiếng vì có quá nhiều bướm trắng, bướm vàng hòa thành đàn bay lượn trên đường trông thật đẹp. Hằng thông báo: còn 14km nữa sẽ tới động Thiên Đường. Lúc này mọi thành viên trên xe đều tỉnh hẳn vì quá ngạc nhiên trước sự chào đón của thiên nhiên mà rất nhiều người chưa bao giờ được gặp.

Chinh phục hang khô đẹp nhất châu Á

Mất gần nửa giờ để băng qua những đoạn đèo dốc quanh co, xe tiếp tục trải qua một chặng đường đồi dài gần 2 km đầy đá tai mèo lởm chởm. Con đường nhỏ hẹp làm ai nấy đều nín thở bởi phát hiện bên dưới những tàng cây rậm rạp là một vực sâu thăm thẳm.

Tới nơi, cô hướng dẫn viên xinh tươi trong màu áo thổ cẩm xuất hiện, cho biết: “Trèo thêm 524 bậc thang, các bạn sẽ chạm mặt cùng hang động”. Mất hơn 15 phút lặc lè leo dốc, đôi chân vừa mỏi rụng cũng là khi tôi chạm mặt cùng cửa hang. Nhưng từ đây còn phải tiếp tục đi xuống hơn 300 bậc thang nữa mới chạm tới “Thiên Đường”.

Bước qua một cửa hang nhỏ hẹp khoảng 4,2 m2, lúc này luồng không khí lạnh bốc lên làm cái mệt như tan biến. Thả bước chậm trên từng bậc thang gỗ, tiếng nhắc nhở của đội ngũ an ninh luôn túc trực trong hang khuyên mọi người nên chậm bước.

Do không khí ẩm ướt nên sàn gỗ sẽ bị trơn trượt ít nhiều. Hệ thống thang gỗ này thiết kế theo một con dốc dẫn xuống nền động có chiều cao ước chừng 18 m. Ngay tại chân bậc thang này, dốc được vô vàn hạt thạch nhũ to tròn tạo thành trông rất cầu kỳ, hai bên dốc có nhiều dấu tích tảng thạch nhũ bị sập đổ ngổn ngang.
Dulichgo
Hằng cho biết, tất cả thạch nhũ đều yên lặng, nằm chỏng chơ hơn 400 triệu năm, nhưng thoạt nhìn cứ như chúng mới vừa trải qua một đợt kiến tạo. Lạc bước đến đây, tôi chỉ biết nín thở trước một một mê cung kỳ vĩ. Càng ngắm các thạch nhũ, càng ngỡ ngàng khi đứng trước sự nguy nga tráng lệ của hang.

Hằng kể: Vào năm 2005, các chuyên gia thăm dò hang động của Hoàng gia Anh quốc đã thám hiểm hang động cùng với Hồ Khanh - một người dân địa phương có công tìm ra địa điểm này dẫn lối.

Lúc bấy giờ, các chuyên gia cũng không ngờ mình đã tìm ra một hang động kỳ vĩ trong lòng một quần thể núi đá vôi ở độ cao 191 m, trong đó hang động cao đến 100 m, trong lòng hang có nơi rộng hơn 150 m và dài hơn 31 km chiều sâu. Riêng vòm động có chỗ cao tới hơn 60 m. Độc đáo nhất là trong hang có vô vàn các khối thạch nhũ cùng măng đá tuyệt đẹp với độ hình thành được ước tính hơn 400 triệu năm mới có thể đạt được.

Tận mắt ngắm những nhũ đá vôi này, ta không thể lý giải nổi tại sao thiên nhiên thật đầy ngẫu hứng để tạo ra những khối nhũ đá muôn màu muôn vẻ như thế. Vào thăm động Thiên Đường, vừa mê mẩn với cột thạch nhũ mang hình dáng mái tóc dài của nàng thiếu nữ, bạn sẽ xuýt xoa khi thấy một cột khác mang hình dáng của một tháp liên hoa. Dường như hệ thống thạch nhũ ở đây tạo cho người thưởng lãm những cung bậc tình cảm mạnh mẽ, như lạc vào chốn thần tiên của truyện cổ tích.

Cô hướng dẫn viên đưa tôi đến xem một cụm thạch nhũ mang hình ảnh ruộng bậc thang, nhà rông, tháp Chăm trông thật thú vị.
Càng đi sâu vào bên trong, có những cụm mang dáng vẻ hao hao như một cung điện, có chỗ lại giống như vòm nhà thờ. Xa xa là khối thạch nhũ hình tiên ông, hình cây tre, xa kia có khối thạch nhũ giản dị như mảnh làng bình yên.
Dulichgo
Ngoài ra, có vô vàn thạch nhũ bám vào vách, có cột đứng đơn độc như cây thương, có cái như sợi chỉ, có khối treo trên trần hang rất ngoạn mục, có khối thạch nhũ “mọc” lên từ dưới nền động (sau này tôi mới được giảng giải rằng khi những giọt nước đá vôi treo ngược tạo thành hình thì ta gọi là thạch nhũ, còn nếu giọt nước rớt xuống nền hang thì phải gọi là măng đá).

Trong tiếng lách tách của những giọt nước thấm rịn rả rích nhỏ trên từng khối thạch nhũ, chúng tôi được lia đèn xem những khối thạch nhũ tròn nằm rời rạc như viên bi màu xám. Những khối nhũ này được xem là độc nhất vô nhị vì chưa bao giờ từng được thấy trong các hang động khác.

Qua tìm hiểu tôi được biết thêm thạch nhũ ở động Thiên Đường có lẫn thạch anh, vì vậy khi đèn chiếu vào sẽ tạo nên những vệt sáng lấp lánh, cộng thêm luồng không khí ẩm lạnh với nhiệt độ bình quân là 15oC cùng hơi nước lan tỏa khiến các thạch nhũ càng lung linh với nhiều màu sắc kỳ ảo. Ánh sáng và hơi nước tạo ra bảy sắc cầu vồng.

Dù đã từng thăm các hang động ở Hạ Long, Ngũ Hành Sơn... và ngay cả Tiên Sơn, Phong Nha, tôi vẫn phải thừa nhận cấu trúc những khối thạch nhũ ở động Thiên Đường kỳ vĩ, huyền diệu và tráng lệ hơn các hang động khác trên quê Việt.
Thật chẳng ngoa khi Martin Holroyd, chuyên gia hang động người Anh đã chia sẻ cảm xúc của mình sau cuộc thám hiểm: “Nếu có hạng đặc biệt, tôi sẽ xếp động Thiên Đường vào hạng đặc biệt, vì đây là một kiệt tác hoàn hảo nhất của tạo hóa đã ưu ái dành riêng cho vùng đất khắc nghiệt nhất trên quê hương Việt Nam của các bạn!”.

Theo Phước Thiên, Nguyễn Phương Nam (Thanh Niên)
Du lịch, GO!