(DVO) - Thôn Mã Pì Lèng B, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) nằm ở lưng chừng đỉnh Mã Pì Lèng, nơi được mệnh danh là đệ nhất hùng quan trên công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên đá Đồng Văn. Đây là địa danh bất kỳ du khách nào khi lên công viên địa chất toàn cầu đều mong muốn một lần đặt chân đến bởi vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của cảnh quan thiên nhiên.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ thơ mộng ấy, cuộc sống của người dân nơi đây còn muôn phần khó khăn, vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo của Mã Pì Lèng B chiếm trên 74%, đường giao thông nội thôn vẫn chỉ là đường đất nhỏ hẹp, cheo leo, đi lại khó khăn, nhất là vào mỗi mùa mưa lũ. Bởi vậy, có một con đường bê tông luôn là mong mỏi của người dân.

Đến Mã Pì Lèng B trên con đường đất đá gập ghềnh dẫn vào thôn, chúng tôi bắt gặp một cậu bé đi bộ dắt chiếc xe đạp cũ. Hỏi sao không đi xe, cậu cho biết đường ở đây dốc và xấu nên không thể đi được, phải dắt bộ khoảng 2km từ thôn ra đến đường nhựa mới có thể đạp được.

Đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp 2 cô giáo dạy ở điểm trường Mã Pì Lèng B đang cặm cụi cuốc bộ, tay xách cặp lồng đựng cơm canh - khẩu phần ăn trưa của các cô được mang từ nhà đi và bao giờ cũng nhiều lên để còn san sẻ cho học sinh ăn cùng.

Qua câu chuyện, được biết các cô dạy ở điểm trường này cũng đã được vài năm. Ban đầu, khi mới chuyển về đây công tác cũng thấy ngán ngẩm bởi cái gì cũng thiếu, cũng khó khăn, nhất là đường đi. Nhưng lâu rồi cũng thành quen, cứ sáng đi xe máy từ nhà đến đầu đường nhựa cách điểm trường gần 2km rồi đi bộ đến điểm trường để dạy.
Dulichgo
Theo các cô, hôm nay mọi người đến thôn vào đúng ngày trời nắng ráo, chứ vào hôm trời mưa thì mới cảm nhận hết được nỗi vất vả của các cô giáo điểm trường này.

Dù nằm cách trung tâm xã Pả Vi chỉ khoảng 10km và cách trung tâm huyện Mèo Vạc 12km, nhưng đường giao thông đi lại của thôn Mã Pì Lèng B vô cùng khó khăn. Từ đường nhựa vào đến trung tâm của thôn chỉ chưa đầy 2km nhưng nếu đi bộ thì phải mất gần 1 giờ.

Con đường đất mặt đường chỉ rộng khoảng chừng 1 -1,5m, vào những ngày nắng ráo có thể đi xe máy, nếu mưa thì chỉ còn một cách duy nhất là đi bộ. Thậm chí, vào những ngày mưa to, thôn Mã Pì Lèng B bị cô lập hoàn toàn. Chính vì vậy, người dân trong thôn cũng ít có điều kiện giao lưu tiếp xúc với các thôn bản khác, với người ngoài thôn.

Cùng với đó là vấn đề thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thôn cũng bị hạn chế rất nhiều. Bởi vậy, cái đói, cái nghèo vẫn mãi đeo đẳng.
Dulichgo
Ước nguyện của bà con nơi đây là có con đường bê tông bằng phẳng để xe ô tô có thể chở vật liệu, hàng hóa vào thôn; có cây cầu nhỏ bắc qua dòng suối để không còn cảnh cô giáo phải cõng từng em nhỏ qua dòng nước siết trong mùa mưa. Con đường đó có thể dễ dàng đưa du khách đến thăm một thôn nhỏ người Mông dưới chân đỉnh Mã Pì Lèng, mở ra cho họ cơ hội làm du lịch cộng đồng và có điều kiện cải thiện đời sống.

Theo Văn Thao - Tiến Thành (Dân Việt)
Du lịch, GO!