Nhắc đến Đó, ai cũng biết là dụng cụ dùng để bẫy tôm, cua, cá... trên mương, rạch và sông. Qua nhịp thở của thời gian, chiếc Đó không còn được sử dụng rộng rãi và dần bị quên lãng. Nhưng ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên vẫn còn bảo tồn nghề đan Đó truyền thống, bởi nó gắn liền với văn hóa dân tộc trải dài theo dòng lịch sử, gắn với nền văn hóa nông nghiệp của Việt Nam.

Để mục sở thị những chiếc Đó ở xã Thủ Sỹ và tìm hiểu thêm về văn hóa, bạn nên ghé thăm làng nghề làm Đó nơi đây. Bạn có thể tìm về làng nghề truyền thống thuộc mảnh đất Tiên Lữ để khám phá bức tranh thôn quê thanh bình với nghề đan Đó lâu đời. Trong hành trình về với  Hưng Yên mùa hè này, vùng đất Thủ Sỹ huyện Tiên Lữ hứa hẹn sẽ là điểm đến lý thú dành cho bạn khi tìm về chốn làng quê mộc mạc và trải nghiệm nghề đan Đó truyền thống của đất Việt.

< Nghề đan đó ở Thủ Sỹ đã có khoảng 240 năm, vẫn tồn tại và phát triển.

Theo hành trình khám phá, bạn có thể tìm đến thôn Tất Viên và Nội Lăng - nơi có truyền thống đan Đó lâu đời và nổi tiếng nhất xã Thủ Sỹ. Đến đây bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh thật dung dị nơi làng quê lam lũ nhưng rất thanh bình, trong trẻo. Những chiếc xe chở Đó kết thành từng chùm như một bông hoa mang sắc màu của nắng được chở ra chợ bán, rồi đến cảnh phơi nan, hình ảnh những cụ già và những em nhỏ ngồi đan lát mang đến cho bạn thứ tình quê ấm áp.
Dulichgo
Đan một chiếc Đó tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi đến đây bạn sẽ hiểu thêm sự vất, kỳ công cũng như sự tỉ mỉ, khéo léo của những đôi bàn tay sần sùi mưa nắng. Không chỉ vậy, để tạo thành những chiếc Đó, người đan cần có sự chăm chỉ, kiên nhẫn và tình yêu nghề mới tạo ra những sản phẩm tinh tế, bền chặt được.

< Nghề đan cần sự khéo tay và tỉ mỉ. Thế nhưng ở xã Tiên Lữ, cả người già lẫn trẻ nhỏ đều có thể tạo nên sản phẩm. Các cụ bà ở đây chia sẻ, họ bắt đầu đan đó từ khi 5 tuổi, thậm chí còn đùa rằng biết đan đó từ trong bụng mẹ.

Nguyên liệu để làm ra những chiếc Đó là tre hoặc nứa già. Đó có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn, nắp miệng là chiếc hom, có lẽ dễ đan nhất là đan hom miệng Đó, khó nhất là cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi Đó. Ngoài sản phẩm là Đó thì người dân nơi đây còn tạo ra những chiếc rọ, lờ, giỏ... cũng là những thứ dùng để bắt tôm, cua, cá...

< Đó có 3-4 loại, trong đó có 2 loại chính là đó hun và đó trắng. Đó trắng rẻ hơn, có giá khoảng 20.000 đồng một chiếc.
Dulichgo
Tại đây, bạn sẽ được tìm hiểu, học hỏi nghề đan Đó và tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống. Hơn thế nữa, bạn còn có thể trò chuyện và thưởng thức những bữa ăn đạm bạc, dân dã cùng người dân hoặc nhâm nhi những tách trà, thưởng thức nhãn lồng Hưng Yên vào dịp hè. Chắc chắn, những người dân hiền hậu nơi đây sẽ luôn chào đón bạn đến thăm nhà!

< Đó hun được làm kỳ công, hun khói 3 lần cho lên màu. Đó hun bền hơn, không bị rêu bám và có giá khoảng 30.000-40.000 đồng một chiếc.

Nếu có dịp đến thăm nơi đây, bạn sẽ thấy những kỹ năng độc đáo của những người thợ với đôi tay thoăn thoắt làm nên những sản phẩm Đó. Nghề đan Đó thấm vào mỗi người dân ở đây một cách tự nhiên. Ngày mùa thì người dân ra đồng làm ruộng, tối về hay rảnh rỗi là lại đan lát như một thói quen không thể thiếu.

Ngày nay, làng nghề đan Đó Thủ Sỹ vẫn phát triển khá ổn định và tiêu thụ chủ yếu theo kiểu nhỏ lẻ thông qua người dân trong xã đứng ra gom lại hoặc mang ra chợ bán. Mỗi năm làng nghề cung cấp khoảng 650.000 sản phẩm, đem lại thêm 50% thu nhập cho người dân trong xã. Mặc dù giá bán một chiếc Đó rất rẻ, chỉ từ 5 - 10 nghìn đồng nhưng qua bao năm tháng và trải qua bao thế hệ, người dân vùng đất này vẫn luôn gắn bó, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống cùng những thanh nứa, thanh tre.

Sản phẩm Đó của làng nghề chủ yếu được đem đi tiêu thụ ở huyện Tiên Lữ cùng các huyện lân cận và các tỉnh xung quanh, nơi có những cánh đồng chiêm trũng và nhiều kênh mương, sông ngòi. Giờ đây, những chiếc Đó đang dần được ưa chuộng trong lĩnh vực du lịch và giải trí, được chọn làm đèn trang trí cho các nhà hàng, quán cà phê. Góc phố nhỏ, những chiếc Đó vẫn còn được tỏa sáng bên ánh đèn.
Dulichgo
Bức tranh làng nghề truyền thống của Thủ Sỹ luôn ánh lên những nét đặc sắc, điểm thu hút rất riêng biệt mang đến cho bạn những cảm xúc mới và trải nghiệm lý tưởng. Hãy một lần ghé thăm khi về Hưng Yên nếu bạn muốn tự tay vót nan, đan đó; tự đi kiếm tôm, cua, cá... trên những cánh đồng, ven sông, rồi tự mình chế biến những món ăn đậm đà hương vị chốn quê yên bình!

Theo Nguyễn Huệ (Du lịch Hưng Yên), ảnh Zing
Du lịch, GO!